14/03/2018 - 15:05

Trung Quốc khuếch trương quyền lực mềm 

Trung Quốc sắp tới sẽ hợp nhất 2 cơ quan cấp bộ đảm trách mảng văn hóa trong nỗ lực cải thiện hình ảnh nước này trong mắt bạn bè quốc tế, qua đó gia tăng “quyền lực mềm” trên toàn cầu.

Nội dung trực tuyến được kiểm soát chặt ở Trung Quốc. Ảnh: EPA

Kế hoạch trên nằm trong đợt cải tổ cơ cấu tổ chức lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây ở Trung Quốc. Văn kiện được công bố tại phiên họp Quốc hội Trung Quốc hôm 13-3 để thảo luận và dự kiến bỏ phiếu vào ngày 17-3. Nếu được thông qua, Chính phủ Trung Quốc sẽ giảm 8 bộ và các ủy ban. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công trích nguồn tin thân cận tiết lộ Trung Quốc sẽ sáp nhập 2 cơ quan chính phủ là Bộ Văn hóa và Tổng cục Báo chí, Xuất bản, Truyền thanh, Điện ảnh và Truyền hình để tạo ra “siêu cơ quan” quản lý về văn hóa. Mục tiêu là mở rộng phạm vi ảnh hưởng của tư tưởng Trung Hoa trên toàn thế giới.

Lâu nay, Trung Quốc không ngừng khuếch trương quyền lực mềm ra nước ngoài. Nhưng đến nay, sự trỗi dậy của Trung Quốc bị cho thiên về “quyền lực sắc bén”, sử dụng áp lực để thao túng ý tưởng cũng như nhận thức chính trị. Theo Giáo sư Yin Hong thuộc Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh đa phần sử dụng “quyền lực cứng” bằng cách đầu tư và lập mạng lưới doanh nghiệp ở nước ngoài, xây dựng các tổ chức văn hóa tại nhiều quốc gia trên thế giới. “Nhưng về mặt nội dung văn hóa và những sản phẩm được thế giới chấp nhận và chia sẻ, quyền lực mềm của Trung Quốc vẫn còn tụt lại” – vị này thừa nhận.

Nỗ lực “hồi sinh” vai trò của Trung Quốc trên toàn cầu từng được Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập năm 2016 khi công bố học thuyết “4 tự tin”, kêu gọi cường quốc châu Á thể hiện sự tự tin với thế giới trong “đường lối, hệ thống chính trị, học thuyết và văn hóa”. Trong nước, Bắc Kinh tiếp tục củng cố các giá trị Trung Hoa bằng cách siết chặt kiểm soát các sản phẩm văn hóa, từ các chương trình truyền hình của Mỹ, điện ảnh Hollywood đến hoạt hình Nhật Bản mà họ cho là mối đe dọa từ “sự xâm nhập của các giá trị phương Tây” và “văn hóa đại chúng nước ngoài”. Song song kiểm duyệt, Trung Quốc đồng thời mở rộng vai trò của nước này trên trường quốc tế bằng cách đưa các sản phẩm văn hóa, thương mại, giải trí ra thế giới. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đang quá đà khi nhồi nhét quá mức các nội dung tuyên truyền giá trị dân tộc đến khán giả nước ngoài.

Ngoài lập “siêu cơ quan” văn hóa, tham vọng tăng cường sức mạnh và nâng tầm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc còn được phản ánh qua kế hoạch thành lập cơ quan hợp tác phát triển quốc tế, cải thiện năng lực điều phối chương trình viện trợ nước ngoài. Tân Hoa xã cho biết mục tiêu là nhằm phát huy tối đa chương trình viện trợ nước ngoài như công cụ then chốt trong chính sách ngoại giao “nước lớn”, đẩy mạnh phối hợp và phục vụ tốt hơn cho chiến lược ngoại giao quốc gia cũng như dự án “Vành đai, Con đường”.

Lâu nay, Bắc Kinh rất ít khi hé lộ chi tiết các khoản viện trợ nước ngoài. Năm 2011, Trung Quốc cho biết tổng số tiền viện trợ 60 năm qua của nước này vào khoảng 40,51 tỉ USD. Trong đó, hơn 14 tỉ USD được cấp cho châu Phi giai đoạn 2010-2012.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết