10/03/2018 - 07:44

Trung Quốc bảo vệ “Vành đai, Con đường” 

Trung Quốc hôm 8-3 đã lên tiếng bảo vệ dự án “Vành đai, Con đường”, đồng thời phản đối những ý kiến cho rằng các khoản đầu tư của họ là thiếu minh bạch và khiến các nước đối tác rơi vào cảnh nợ nần.

Phát biểu bên lề phiên họp Quốc hội Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết các dự án thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường – BRI” là rất cần thiết đối với các quốc gia có liên quan. Ông Vương đưa ra một vài ví dụ về các dự án thuộc BRI do Trung Quốc đầu tư phát triển mang lại nhiều lợi ích cho các nước sở tại. Theo ông này, số lượng container tại cảng Piraeus của Hy Lạp đã tăng lên rất nhiều kể từ khi nó được hai công ty Trung Quốc kiểm soát; một nhà sản xuất thép ở Serbia đã thu được lợi nhuận trong khi 5.000 công nhân không phải mất việc sau khi được một công ty Trung Quốc mua lại; còn các dự án năng lượng ở Pakistan đang đáp ứng được nhu cầu điện năng của địa phương nhờ vào vốn đầu tư của Trung Quốc. “Tất cả các hợp đồng thuộc BRI đều được thực hiện một cách công khai, không có các giao dịch mờ ám, mọi thứ đều minh bạch” – ông Vương nhấn mạnh.

Cảng Gwadar (Pakistan), nơi Trung Quốc bỏ ra phần lớn vốn đầu tư phát triển. Ảnh: AFP
Cảng Gwadar (Pakistan), nơi Trung Quốc bỏ ra phần lớn vốn đầu tư phát triển. Ảnh: AFP

Thông qua BRI, Trung Quốc hy vọng sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận của mình tới tất cả các quốc gia trên thế giới bằng các khoản vay và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, giới chỉ trích cho rằng sáng kiến có giá trị lên tới cả ngàn tỉ USD này chỉ là một phương tiện để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng và quyền lực ở nước ngoài. Mới đây, Trung tâm Phát triển toàn cầu (có trụ sở tại Mỹ) đã xếp hạng “rác” đối với trái phiếu chính phủ của 27 trong số 68 quốc gia đối tác của BRI, đồng thời kêu gọi Trung Quốc xem xét lại tiêu chuẩn cho vay của mình. Cơ quan này cho biết, mức nợ của 8 quốc gia gồm Pakistan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan, Kyrgyzstan và Djibouti có thể tăng mạnh vì BRI, trong đó Pakistan đang đối mặt với nguy cơ chìm trong nợ nần khi mà nhiều báo cáo cho thấy Trung Quốc đã tài trợ khoảng 80% trong số 62 tỉ USD tiền đầu tư phát triển các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng của nước này.

Tuy nhiên, ông Vương nói rằng 80 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ký kết các thỏa thuận BRI với Trung Quốc, và các dự án này đã tạo đà cho sự phát triển của họ.  “Châu Phi đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì hòa bình và ổn định cũng như trong việc thúc đẩy sự phát triển và phục hồi. Nhằm đáp ứng nhu cầu của họ, Trung Quốc sẽ tăng cường can thiệp vào các điểm nóng trong khu vực và hợp tác với các nước châu Phi đối phó với các mối đe dọa an ninh như khủng bố, cướp biển và thiên tai, giúp họ xây dựng năng lực để đảm bảo hòa bình và an ninh đất nước họ” – ông Vương khẳng định.

Từ lâu, nhiều nhà lãnh đạo thế giới cảnh báo rằng BRI chính là ngụy trang cho các tham vọng địa chính trị của Trung Quốc và mục tiêu thực sự của nước này là tăng cường khả năng chi phối. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một tuyên bố từng lo ngại BRI có thể “làm suy yếu chủ quyền của các quốc gia khác”. Giới phân tích nhận định, bất kể ý định thực sự của BRI là gì, nó cũng sẽ giúp củng cố vị thế của Trung Quốc trong kỷ nguyên mà Mỹ đã rút khỏi vai trò lãnh đạo chính trị toàn cầu.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết