02/05/2019 - 10:02

Trồng khóm Mỹ nhiều triển vọng 

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, riêng lĩnh vực trồng trọt, huyện Phong Điền có lộ trình giảm dần diện tích lúa, chuyển sang trồng các loại màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Cây khóm MD2 (khóm Mỹ)  được Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (Công ty Westfood) giới thiệu đến huyện Phong Điền, bước đầu phát huy hiệu quả.

Gia đình ông Lê Phước Nguyên vui vẻ thu hoạch khóm Mỹ mùa đầu tiên.

Cuối năm 2016, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp Công ty Westfood, tổ chức đoàn gồm nhiều bà con trồng lúa ở xã Trường Long, xã Nhơn Nghĩa đi tham quan mô hình trồng thử nghiệm khóm Mỹ cho hiệu quả cao ở Hậu Giang. Đầu năm 2017, ngành chuyên môn và Công ty Westfood đến 2 xã, phối hợp tổ chức hội thảo với hàng trăm nông dân tham gia. Nhưng chỉ có gia đình ông Lê Phước Nguyên, ấp Trường Thọ 2, xã Trường Long, là hộ đầu tiên và cũng là hộ duy nhất quyết định tham gia trồng giống khóm Mỹ. Ông cho rằng quê mình giờ trồng lúa cho đồng lời ít quá, chương trình trồng khóm Mỹ này thấy tương lai khá hơn nên tham gia.

Bắt tay vào thực hiện, Công ty Westfood chủ động liên kết hỗ trợ cây giống theo hình thức trả dần trong 3 mùa thu hoạch, mùa đầu 50%, 2 mùa tiếp theo 50%; công ty cử nhân viên thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật; bao tiêu thu mua với mức giá 6.000 đồng/kg... Bước đầu tiếp cận loại cây mới, giống khóm mới, chưa đảm bảo một số yêu cầu kỹ thuật, năng suất chưa đạt so với năng suất bình quân của loại cây trồng này, nhưng gia đình ông Nguyên vẫn thu được lợi nhuận khá hơn trồng lúa. Ước tính 5 công khóm Mỹ vụ này gia đình ông vừa thu cây giống, thu hoạch khoảng 20 tấn trái, lợi nhuận xấp xỉ 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao hơn trồng lúa trên cùng diện tích trong thời gian 18 tháng. Một đợt xuống giống có thể thu hoạch 4 lần, gồm 3 lần thu hoạch trái và cây giống, lần cuối cùng chỉ thu hoạch giống. Nếu nắm bắt và vận dụng đầy đủ kỹ thuật vào mùa vụ sau, trong thời gian 12 tháng, trọng lượng trung bình đúng chuẩn của giống khóm Mỹ khoảng 1,3kg, sản lượng có thể đạt trên dưới 40 tấn, ước tính mang về lợi nhuận trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao gấp 4 lần so với thu nhập 1 năm trồng lúa. Lần thu hoạch thứ 4 là cây giống, chỉ cần thời gian khoảng 6 tháng kể từ khi thu hoạch lần thứ 3.

Từ hiệu quả khá tốt của hộ đầu tiên tham gia, ông Đỗ Văn Chung, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trường Long, cho biết: Xã sẽ chỉ đạo các ngành, hội, đoàn thể, nhất là Hội Nông dân đẩy mạnh vận động người dân tham gia trồng giống khóm này, để có thể nâng cao thu nhập của bà con... Ngành nông nghiệp của địa phương cũng có “tham vọng” phối hợp với xã Trường Long mở rộng diện tích trồng giống khóm này lên khoảng 100ha. Ông Nguyễn Út Em, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, nhấn mạnh, một lợi thế lớn trong việc tham gia trồng khóm MD2 là tuy vốn đầu tư ban đầu khá lớn nhưng lợi nhuận cũng cao, sản phẩm được bao tiêu nên đầu ra ổn định. Đặc biệt khi chuyển đổi cây trồng, bà con sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhiều mặt để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Từ hiệu quả thực tế của mô hình ở các tỉnh bạn và hiệu quả kinh tế bước đầu từ mô hình trồng khóm MD2 thử nghiệm của hộ ông Lê Phước Nguyên, việc phát triển vùng cung ứng nguyên liệu khóm MD2 chất lượng cao cho đơn vị liên kết chế biến xuất khẩu có nhiều triển vọng. Người nông dân xã Trường Long có thêm cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Bài, ảnh: Hồ Thức

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
khóm Mỹ