05/05/2019 - 23:24

Trống đã gióng, dùi để đâu? 

Mấy chục năm ăn xoài Mễ, hôi mủ. Nay nghe tin xoài xứ mình qua Mỹ, nhiều người ở Texas dò tìm thông tin. Và, đây rồi,  xoài Đài Loan từ Việt Nam qua, đang được chào bán trên 1 tài khoản Facebook ở Houston, với giá 65 USD/thùng 11Lbs (1 Lbs tương đương 0,45359237 kg), xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu vàng - mỗi thùng đồng giá 70 USD/thùng 11Lbs (cũng có nơi chào với giá 75 USD/thùng). Việt Nam trồng 87.000ha xoài, sản lượng hơn 969.000 tấn/năm, lần đầu tiên xoài tươi chính thức bước vào thị trường Mỹ.

Nhập cuộc

Nguồn tin từ các nhà nhập khẩu cho hay năm 2019 giá nhập xoài từ 6 nước "Đại ca xoài" vào Mỹ có mức trung bình 7,10-7,50 USD/thùng (giá FOB) thay vì 6,26-6,38 USD/thùng như năm ngoái. 

Xoài Mễ (Mễ Tây Cơ hay Mexico), Peru, Guatemala, Brazil, Haiti, Ecuador, chiếm khoảng 99% tổng lượng nhập khẩu xoài vào Mỹ, theo Aphis- Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng lượng nhập khẩu xoài của Mỹ - mỗi năm hơn 400.000 tấn. Xoài Mễ luôn chiếm tỷ trọng cao 65,79%; Peru: 10,43%; Ecuador: 9,72%; Brazil 6,07%; Guatemala 4,00% và Haiti 2,25%.

Một  chuyên gia trong lĩnh vực cây ăn trái hơi bất ngờ vì cách đây không lâu ông cho rằng do giá bán quá cao, ngay tại Việt Nam đã tương đương 4-5 USD/kg rồi, nếu cộng chi phí vận chuyển hàng không, chiếu xạ… trong khi xoài Thái như NamDokMai, tuy không ngon bằng nhưng nhờ chi phí vận chuyển thấp nên xoài cát Hòa Lộc sẽ vất vả với xoài Thái ngay trên đất Mỹ.

Xoài Việt Nam còn phải cạnh tranh với xoài nội địa từ các bang Florida, Texas, California… do chính người Việt trồng.

Tâm lý người mua xoài lâu nay thích vỏ vàng, vỏ đỏ nên các giống xoài từ Úc, Israel, Mễ, Peru… bắt mắt trên quầy kệ. Người tiêu dùng Mỹ đã quen các "tay buôn xoài" quốc tế có thương hiệu như EXOS PREMIUM, CAPEXO, DOLE... Rồi đây họ sẽ quen với Chánh Thu, Vina T&T  khi những sứ giả trái cây đưa hàng chuẩn chất lượng từ Việt Nam sang Mỹ?

 "Yên tâm đi" - bà Thuy Huynh, một Việt kiều tại California, nói: "Ở đây người ta hay nói: Chúng ta trân trọng chất lượng và người cung cấp nguồn thực phẩm đó. Các nhà  xuất khẩu xoài từ Philippines, Thái Lan sang Mỹ từng được nghe câu này. Xoài của mình qua đây cũng vậy thôi, phải chuẩn mực, ngon lành".

"Nếu xoài sản xuất  theo phương pháp hữu cơ thì thị trường tiêu thụ là bao la" - TS Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam từng kêu gọi nhà vườn tăng cường sử dụng phân hữu cơ, dùng các thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh, bao trái, nhặt tất cả các trái rụng để loại dần ruồi đục nằm trong trái thoát ra ngoài.

Mọi thứ cũng sẽ thay đổi khi Việt Nam cam kết rằng xoài xanh, vàng  vào Mỹ là chuẩn mực, đàng hoàng, tử tế.

Nhà vườn Đồng Tháp kiên trì theo đuổi mục tiêu xuất khẩu xoài sang thị trường chuẩn mực. Ảnh: CHÂU LAN

Nhà vườn Đồng Tháp kiên trì theo đuổi mục tiêu xuất khẩu xoài sang thị trường chuẩn mực. Ảnh: CHÂU LAN

Dễ tính không mang lại giá trị bền vững

Năm 2001, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu  4.000 tấn xoài vào thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch - chịu thuế 10%. Sau đó Thái Lan nhận được ưu đãi thuế quan (0%) nên nhiều công ty Việt chuyển sang mua bán tiểu ngạch.

Việc trồng dày, sử dụng phân hóa học và nhà vườn có thể sử dụng 8-10 loại thuốc phun, thậm chí dùng thuốc diệt cỏ có nguy cơ gây ung thư, bị Mỹ và EU cấm, nhưng Việt Nam vẫn nhập hóa chất từ Trung Quốc và vì đường tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn đều đều. Thậm chí thương nhân Trung Quốc tới Cao Lãnh, lấy tiếng hùn hạp để lập trạm giám sát nguồn hàng tại gốc, điều động cả dòng xoài keo từ Campuchia sang Việt Nam.

Làm ăn với thị trường dễ tính, không nhận được sự trân trọng, thậm chí bị khinh rẻ. Người trồng lại cho rằng trồng cây bản địa nhiều nhược điểm, phải đốn đi để dành đất trồng xoài Thái, mít Mã Lai, ổi Đài… và xài thuốc mất kiểm soát.

Ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU - MUTRAP, nhận định, người tiêu dùng (châu Âu cũng như Mỹ) đánh đồng hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc nên hàng hóa Việt Nam phải chịu nhiều khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường này.

Khi các nước nhập khẩu đồng loạt gia tăng hàng rào kiểm soát chất lượng hàng hóa thì lối thoát cho vấn đề này là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải mau chóng tập trung đổi mới dây chuyền sản xuất, công nghệ, chú trọng xây dựng thương hiệu, tìm hiểu và cập nhật thường xuyên những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của các thị trường, ông nói.

Công ty Hatchendo ở TP Hồ Chí Minh từng làm xoài xắt lát đông lạnh xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong. Lời khen của khách hàng tập trung vào vài loại xoài, họ không hề biết Việt Nam có tới 46 loại xoài ngon trải dài theo đất nước. Nay Chánh Thu, Vina T&T là tấm gương ẩn nhẫn tạo dựng thương hiệu khi đưa dừa, nhãn, thanh long, chôm chôm, vú sữa và nay là xoài sang thị trường có tiêu chuẩn cao. Nguồn vải từ ngoài Bắc cũng đã vào Nam chiếu xạ để hòa vào dòng hàng xuất khẩu khi nhà máy chiếu xạ tại Bình Dương, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh và hai nhà máy xử lý bằng hơi nước theo công nghệ Nhật Bản của Công ty Yasaka (Bình Dương) và Công ty Goodlife (TP Hồ Chí Minh) hoạt động.

Giám sát mối nguy

 4 mối nguy thường gặp, theo Luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm, là: Mối nguy về sinh học (bao gồm ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh); mối nguy về hóa học (phóng xạ, thuốc trừ sâu và dư lượng thuốc, độc tố tự nhiên, phân hủy thực phẩm…); mối nguy vật lý (nhiễm bẩn thủy tinh hoặc kim loại); mối nguy từ vô tình hoặc cố ý để đạt được lợi ích kinh tế (làm giả, làm nhái…). Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng của Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) phối hợp chặt chẽ loại trừ mối nguy để lô xoài tươi đi Mỹ.

 Việc đánh giá mối nguy này không chỉ bao gồm kiểm tra khi hàng hóa nhập cảng mà còn quan tâm vùng trồng, quy trình chế biến, đóng gói, dán nhãn, vận chuyển, kể cả điều kiện sản xuất của công ty, vệ sinh an toàn cho người lao động.

Trống đã gióng, không thể quên dùi như thị trường dễ tính. Trọng tâm của sự điều chỉnh trong Luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm là sự chuyển đổi từ "phản ứng" với mối nguy sang các nguyên tắc "phòng ngừa". Đặc biệt, nhóm hàng thực phẩm phải tiếp tục vượt qua các kiểm tra của FDA về độ an toàn và đánh giá theo quy trình thực hành sản xuất tốt (GMP) hay thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

 Bà Võ Trương Duy, chuyên gia Eurofins - cơ quan kiểm nghiệm gắn bó với chuẩn mực - nói rằng: "Sẽ rất khó khăn để lay chuyển nhận thức nhưng đây là cơ hội tốt để thay đổi tư duy, chuyển đổi nền sản xuất. Hiện nay, điều đáng mừng khi chúng tôi triển khai hoạt động hỗ trợ để những trang trại có thể kiểm soát chất lượng ngay từ khâu sản xuất và các nguyên liệu đầu vào, tổ chức nhiều hội thảo tương tác với cơ quan quản lý nhà nước, tập huấn và phổ biến cho người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất hiểu đúng về tầm quan trọng của quản lý chất lượng, nhờ đó chúng tôi nhận thêm nhiều yêu cầu tương tác, hỗ trợ, không chỉ là doanh nghiệp mà còn các nông trại, HTX .

Mỗi quốc gia có những tiêu chuẩn và nó từng được sử dụng như vũ khí bảo hộ. Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa theo yêu cầu tiêu chuẩn đã và đang là xu thế bắt buộc của thị trường quốc tế và nội địa, không phải đợi tới khi thị trường dễ tính thay đổi thì mình làm theo. Bà Võ Trương Duy, tự tin nói: Cùng với hệ thống phòng Lab ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, dự kiến sẽ trang bị phòng Lab ở khu vực miền Trung vào năm tới. Eurofins xem đây là nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp minh chứng chất lượng đúng chuẩn trước hàng rào kỹ thuật.

Trong thực tế không ít doanh nghiệp cho rằng nhiều chỉ tiêu phải nhờ nước ngoài kiểm định do năng lực các trung tâm trong nước không đủ thiết bị. Eurofins SKHD là phòng thí nghiệm tại Việt Nam và được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Tập đoàn - đầu tư mạnh mẽ về thiết bị đủ sức ngang tầm với các phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế và được các thị trường khó tính công nhận kết quả kiểm nghiệm. Điều đó cho phép nói rằng vấn đề không phải là phòng thí nghiệm ở nước ngoài hay trong nước có đủ năng lực mà chính là sự đầu tư về kỹ thuật và hệ thống quản lý của phòng thí nghiệm. Bà Võ Trương Duy hiểu cái ngóc ngách của sự phân vân trong các doanh nghiệp khi thực thi chuẩn mực thường là chi phí kiểm nghiệm, nhưng không chỉ có vậy...

"Đôi khi cũng có một vài doanh nghiệp đưa ra những yêu cầu kiểm định cho có, chiếu lệ thay vì phải làm các thí nghiệm kiểm định chính xác nhưng chúng tôi luôn từ chối và tư vấn cho khách hàng về mục đích và giá trị của bảng kiểm nghiệm đối với sản phẩm và quản lý dây chuyền sản xuất hay nuôi trồng. Chúng tôi không chỉ chú trọng vào dịch vụ kiểm nghiệm theo yêu cầu, mà còn giúp khách hàng nhận thức đúng về giá trị của phát triển bền vững. Ngay tại Cần Thơ, Eurofins có chi nhánh và sẽ đồng hành cùng người sản xuất trong việc phân tích các nguy cơ trong quá trình sản xuất và đưa ra giải pháp để xử lý các nguy cơ đó" - Bà Võ Trương Duy nói.

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết