26/03/2019 - 05:38

Trong cơn bĩ cực! 

Đến tháng 4, tháng 5 mới hết vụ thu hoạch mía đường ở ĐBSCL. Dù vẫn còn một số nhà máy đường công suất lớn hoạt động nhưng hiện thời có biểu hiện “giảm tốc”, do nhiều khó khăn dồn ép từ bài toán cạnh tranh gay gắt. 

Thương lái vận chuyển mía nguyên liệu về các nhà máy đường ở ĐBSCL. Ảnh: HỮU ĐỨC

Thương lái vận chuyển mía nguyên liệu về các nhà máy đường ở ĐBSCL. Ảnh: HỮU ĐỨC

Khó khăn từ đâu?

​Một cán bộ từng có nhiều năm bươn chải trong công tác khuyến nông của một công ty mía đường lớn ở ĐBSCL, bộc bạch: Chưa có vụ mía nào “đắng” như năm nay. Giá mía nông dân bán tới cầu cảng nhà máy đường hiện còn 800 đồng/kg (mía 10 chữ đường). Với mức thấp thế này, nhưng tiền nhân công lao động trồng mía, đốn mía tăng. Nông dân lỗ lã là phải, chỉ còn cách tìm cây trồng khác để kiếm sống. Vì sao nên nỗi? Chung quy vì giá đường nhà máy bán ra cũng quá thấp.

Một vấn đề cốt lõi và yếu điểm lớn nhất bộc lộ từ chỗ giá mía cao khiến cho các nhà máy đường trong vùng vốn đã khó ngày càng khó khăn hơn. Bởi giá thành sản xuất tăng cao (cây mía chiếm tới 70% giá thành) nên tỏ ra “hụt hơi, đuối sức” trong cuộc cạnh tranh với đường Thái Lan nhập lậu ngày đêm tiếp diễn dồn dập. 

​Mặc dù những năm qua không còn cảnh cạnh tranh mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường trong vùng, nhưng ĐBSCL không thể xây dựng vùng nguyên liệu lớn chỉ vì qui mô sản xuất nhỏ lẻ. Ít có hộ trồng mía nào có diện tích đủ lớn 20-30 ha/hộ. Hơn nữa, do đặc điểm sản xuất nhỏ, qui mô trung bình 4-5 công mía/hộ. Với đặc thù kênh, mương, sông rạch chằng chịt; giá công lao động tăng cao… ĐBSCL khó áp dụng cơ giới hóa các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch… 

Mấy năm qua mỗi khi vào vào vụ, do giá mía thấp khiến nông dân chán nản, diện tích trồng mía giảm sút. Kinh tế thị trường, một số địa phương bắt đầu mở hướng chuyển đổi cây trồng khác tăng giá trị để nâng cao thu nhập. Thực tế trong 3 năm qua số nhà máy đường công suất lớn trên 1.000 tấn mía cây ngày bắt đầu “rơi rụng” hoặc chỉ còn hoạt động cầm chừng do đường tồn kho tăng cao. Ở Long An từng một thời có 2 nhà máy đường hoạt động rầm rộ nay đang thoi thóp. Đất mía teo tóp dần khi cây trồng khác lấn sân và một phần nhường chỗ cho các khu công nghiệp. Tiếp theo sau nhà máy đường ở Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre… lần lượt bán thiết bị dời đi, nhà máy đường Cà Mau đóng cửa, nhà máy đường Bến Tre không còn hoạt động… và ngay cả như “Công ty mía đường Cần Thơ được xem như cánh chim đầu đàn trong các công ty mía đường ĐBSCL đã có cuộc chuyển đổi “thế hệ” sau khi đại hội cổ đông, tính toán sắp xếp lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, giảm bớt lao động. Trong khi ở vùng mía Hậu Giang, Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nông dân than trồng mía giỏi đạt năng suất cao vẫn không lời!

Sau thời cây mía…

Từ năm 1995 triển khai dự án các nhà máy đường công suất lớn (1.000-1.200 tấn mía/ngày) ở ĐBSCL xây dựng 10 nhà máy giữa vùng trồng mía bao quanh. Từ cuối năm 1999-2000 bắt đầu có sản phẩm đường cát trắng, chủ yếu đường RS. Cuộc chạy đua tìm vị ngọt bắt đầu. Do đặc điểm vùng mía nguyên liệu ĐBSCL chồng lấn giữa các tỉnh và thu hoạch không đồng loạt nên những năm đầu các nhà máy đường thường tranh mua mía quyết liệt. Qua những năm đầu thua lỗ và giải pháp cổ phần hóa đã “cứu sống” vực dậy nhiều nhà máy. Trong đó một số nhà máy bắt đầu có lãi, tái đầu tư nâng công suất ép mía, lắp đặt thêm thiết bị chế biến đường tinh luyện (RE) để tiếp cận thị trường với sản phẩm đa dạng hơn; đồng thời đầu tư nhiều mô hình, tìm giống mới thích hợp cho chữ đường cao, năng suất cao, thử nghiệm đưa một số máy cơ giới nhỏ cho nông dân trồng mía… cho vùng nguyên liệu.

Sau khi định hình vùng đất cho cây mía bén rễ tốt tươi, nhất là ở vùng phèn, mặn như Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau… với diện tích rộng lớn, thời hoàng kim cây mía đường lên tới trên 50.000ha. Một số giống mía cũ dần dần được thay thế cho năng suất cao vượt xa năng suất ban đầu 70-80 tấn/ha, tăng lên 120 tấn/ha và cá biệt ở Hậu Giang có câu lạc bộ nông dân trồng đạt năng suất trên 200 tấn/ha. Với giá mía cạnh tranh giữa các nhà máy có lúc tăng lên 950 đồng/kg đến hơn 1.000 đồng/kg nông dân trồng mía có lãi.

Thế nhưng từ sau kỳ “trăng mật” hơn 20 năm với trên 15 năm sản xuất kinh doanh sôi động với 10 nhà máy đường trong vùng góp phần tăng sản lượng đường cả nước hoàn thành mục tiêu vượt trên mức 1 triệu tấn đường/năm, chủ động đáp ứng tiêu dùng nội địa và còn dư thừa xuất khẩu, hiện nay công nghiệp mía đường ĐBSCL đang vào khúc quanh, lại gặp khó chính bởi cây mía. ​Theo khảo sát từ các bộ phận khuyến nông các nhà máy đường, vùng mía nguyên liệu ở ĐBSCL giảm sút mạnh, đến vụ mía 2018-2019 chỉ còn khoảng 25.000ha, giảm 50% diện tích sau những năm 2000 mía đường cực thịnh. Trong đó tỉnh Hậu Giang có diện tích mía đường lớn nhất từ 15.000-17.000ha đến nay giảm còn khoảng 8.500ha. Đến nay chưa có nhà máy đường nào trong khu vực hiện còn đang hoạt động hình thành được vùng nguyên liệu mía ổn định để đủ sức cạnh tranh. Đã đến lúc tính toán sau cây mía sẽ có cây trồng khác chuyển đổi tìm lợi thế cạnh tranh.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ:  “Ở ĐBSCL cây mía đắt tiền (giá cao). Đường lậu Thái Lan tới biên giới giá 8.000 đồng/kg, bán ra 10.000 đồng/kg trong khi nhà máy của mình chạy ra 12.500 đồng/kg. Tại sao? Vì mía mắc. Trước đây đường của ta bán được vì ở Anh, Chicago (Mỹ)… giá thấp vì do được tài trợ. Khi EU hết tài trợ, các nước xuất khẩu đường cho EU bán không được, phải đóng cửa hoặc họ tìm giống mía sinh khối cao làm ra ethanol, điện. Cách khác, nếu nhà máy đường đóng cửa hoặc chọn trồng cây giá trị cao hoặc làm khách sạn, resort nghỉ dưỡng du lịch sinh thái. Ở Đài Loan 39/42 nhà máy đóng cửa, còn lại nhập đường vàng cho 3 nhà máy tinh luyện. Hawaii có 5 công ty đường lớn, còn lại là tá điền để sản xuất đường. Nhưng giá rẻ quá cũng đóng cửa khai thác du lịch, lời gấp hàng chục lần trồng mía. Ở Brazil trồng 1 tấn mía 18 USD, Úc 18 USD/tấn, Thái Lan 30 USD/tấn, Việt Nam 50-55 USD/tấn. Phải tính tới trồng cây cao cấp. Một số đại gia đại điền từ 100-160ha ở Tây Nguyên chuyển qua trồng mít, thanh long, chanh dây. 

 

HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết