08/03/2024 - 15:10

Trồng cây xanh cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai... 

“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” là kế hoạch mà TP Cần Thơ triển khai thực hiện vào dịp đầu năm mới 2024. Năm nay, kế hoạch này vừa được ban hành, với các loại cây xanh: sao, bạch đàn, xà cừ, dầu… sẽ được trồng tại khuôn viên cơ quan, trường học, bờ đê và dọc theo các tuyến đường giao thông. Ngoài ý nghĩa trồng cây nhớ Bác, việc trồng cây còn có tác dụng góp phần cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu…

Lực lượng đoàn viên thanh niên TP Cần Thơ trồng cây xanh bảo vệ môi trường, chống sạt lở bờ kênh.

Hầu hết các tuyến đường trong nội ô các quận trung tâm TP Cần Thơ, các tuyến đường tỉnh như 922, 923, 919… thuộc các huyện Phong Ðiền, Thới Lai, Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh đều có hàng cây xanh là dầu, sao, bằng lăng, hoàng yến… xanh tốt, tạo môi trường thoáng mát, sạch đẹp. Bà Nguyễn Thị Xuân Thanh, ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nhiều năm nay, chính quyền địa phương đều phát động phong trào trồng cây xanh bảo vệ môi trường trên địa bàn. Người dân trong thị trấn đều hưởng ứng và trồng cây dọc theo các tuyến lộ giao thông, khoảng đất trống, xung quanh nhà nhằm tạo bóng mát, bảo vệ môi trường. Lực lượng cán bộ, đoàn viên thanh niên và bà con tham gia trồng cây xanh theo các tuyến đường giao thông 919. Người dân tưới nước, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Qua nhiều năm, hàng cây xanh phát triển tạo một mảng xanh thẳng tắp dọc theo tuyến đường...”.

Hằng năm, các quận, huyện đều tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, với mong muốn huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Hưởng ứng Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ, hằng năm, thành phố đã trồng hàng trăm ngàn cây xanh. Các loại cây chủ yếu là cây sao, bạch đàn, bằng lăng, tràm bông vàng… được trồng ven theo những tuyến kênh, ven trục đường giao thông nông thôn, khuôn viên cơ quan, trường học và khu dân cư. Ðây là loại cây trồng lấy gỗ có giá trị kinh tế cao, tạo mỹ quan, tăng cường độ che phủ, cân bằng hệ sinh thái ở đô thị và vùng nông thôn. Ðồng thời, việc trồng cây cũng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế sạt lở bờ sông, hạn chế tốc độ gió, lốc xoáy…

Theo báo cáo của ngành chức năng TP Cần Thơ, từ năm 2017 đến 2023, thành phố đã trồng hơn 6,339 triệu cây xanh phân tán, riêng trong năm 2023 đã trồng được 1,415 triệu cây xanh phân tán, vượt 0,71% so với kế hoạch đề ra. Ðây là hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của “Tết trồng cây”, động viên các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân tích cực tham gia trồng, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, tăng độ che phủ, tạo cho TP Cần Thơ có môi trường xanh, sạch, đẹp, thích ứng biến đổi khí hậu gắn với phát triển kinh tế - xã hội… Ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ, cho biết trong mỗi đợt trồng cây, các địa phương phân công cán bộ, lực lượng đoàn viên thanh niên các phường, xã, thị trấn phụ trách chăm sóc cây xanh trồng tại địa phương. Ðồng thời, các hộ dân cũng có trách nhiệm tưới nước, chăm sóc, bảo quản cây... Nhờ đó, cây xanh được trồng phát triển tốt.

Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND về việc tổ chức trồng cây phân tán năm 2024 trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch này, trong năm 2024 TP Cần Thơ đặt chỉ tiêu phấn đấu trồng từ 1,377 triệu đến 1.414 triệu cây xanh các loại, trong đó thành phố dự kiến trong tuần lễ phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” dịp 19-5-2024 sẽ tổ chức trồng khoảng 30.000 cây xanh tại 9 quận, huyện.

Theo Sở TN&MT TP Cần Thơ, địa điểm trồng cây xanh được phân chia thành nhiều khu vực. Trong đó tại khu vực đô thị cây xanh sẽ được trồng phân tán trên vỉa hè các tuyến đường, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, chế xuất, các công trình tín ngưỡng và các công trình công cộng khác; còn ở khu vực nông thôn cây xanh trồng trên đất vườn nhà, hành lang giao thông ven sông, kênh mương, rạch, bờ vùng, bờ thửa, nương rẫy, mảnh đất nhỏ, các công trình kết hợp phòng hộ, khu vực có nguy cơ sạt lở cao, diện tích đất chưa sử dụng... Ðối với cây trồng, UBND thành phố yêu cầu ưu tiên phát triển các loại cây bản địa có sức sống sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và mang lại giá trị kinh tế như cây sao, dầu, xà cừ, hoàng hậu, tre trúc, tầm dông, bạch đàn keo lai. Các loại cây xanh được lựa chọn trồng ở khu vực đô thị phải nằm ngoài danh mục cây cấm trồng, cây trồng hạn chế trong các đô thị thuộc địa bàn thành phố quy định tại Quyết định số 3263/QÐ-UBND ngày 25-10-2016 của UBND TP Cần Thơ.

Ðể hoàn thành chỉ tiêu này, UBND TP Cần Thơ yêu cầu các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân... tích cực hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; thực hiện Ðề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời góp phần tạo cho TP Cần Thơ có môi trường xanh, sạch, đẹp, đảm bảo sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu gắn với phát triển kinh tế -
xã hội.

Ông Ðỗ Thanh Thảo nhấn mạnh, đây là một trong những hoạt động TP Cần Thơ tập trung nhằm mục tiêu tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của phong trào trồng cây xanh; động viên các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân tích cực tham gia trồng, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, tăng độ che phủ, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Ðặc biệt, hoạt động này góp phần thực hiện đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động. UBND TP Cần Thơ cũng yêu cầu các ngành, các cấp chủ động, tích cực tuyên truyền, giáo dục và tạo được phong trào sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” phải thực sự tiết kiệm, hiệu quả, lựa chọn kỹ về loài cây trồng phù hợp cho từng địa điểm, đảm bảo tiêu chuẩn cây giống chất lượng tốt sau khi trồng; phân công lực lượng chăm sóc, bảo vệ cây xanh sinh trưởng và phát triển tốt…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết