24/03/2010 - 21:02

Trợ lực để nông dân hưởng lợi thực sự

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) thành viên đã thu mua tạm trữ được 790.000 tấn lúa (qui gạo 650.000 tấn), hoàn thành 79% kế hoạch. VFA cũng vừa chỉ đạo các DN tiếp tục mua tạm trữ đợt 2 (500.000 tấn gạo) với giá sàn tối thiểu là 4.000 đồng/kg lúa. Song, thực tế, ở nhiều địa phương, nông dân không bán lúa được với giá này và thương lái, DN cũng không đẩy mạnh thu mua. Trong khi việc tạm trữ chờ giá là điều không dễ đối với nông dân, còn DN thì đang khó khăn về vốn, lãi suất ngân hàng cao…

Nông dân không đủ khả năng trữ lúa lâu

 Dự trữ lúa bằng cách cho lúa vô bao rối chất đống trong nhà, nhà nông khó có thể dự trữ được lâu. Trong ảnh: Một hộ dân ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đã buộc phải bán lúa sau hai tuần trữ lại chờ giá. Ảnh: VĂN CÔNG

Năm nay, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống sản xuất lúa đông xuân đồng loạt để né rầy và sâu bệnh, nên cũng bước vào thu hoạch đồng loạt làm cho giá thuê nhân công tăng cao. Đồng thời, các hệ thống thu mua lúa gạo của DN cũng bị quá tải, khiến giá lúa bị ảnh hưởng. Trong khi đó, những tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo đứng ở mức thấp và nhiều nước nhập khẩu gạo chưa đẩy mạnh việc nhập khẩu. Trước áp lực nguồn cung tăng, giá gạo trên thế giới thấp, thị trường trầm lắng đã gây tác động dây chuyền làm cho đầu ra của hạt lúa, gạo ĐBSCL bấp bênh. Thực tế này càng không tạo ra động lực để khuyến khích các DN chế biến xuất khẩu trong nước đẩy mạnh thu mua lúa hàng hóa trong bối cảnh các hệ thống thu mua bị quá tải. Thêm vào đó, lãi suất ngân hàng cao cũng làm các DN cân nhắc tính toán. Nông dân cần bán lúa để thanh toán các chi phí và chuẩn bị cho mùa vụ mới, họ không đủ năng lực tạm trữ lúa chờ giá. Điều này càng đẩy nông dân vào cảnh khó khăn, trong khi vụ đông xuân là vụ lúa có năng suất, chất lượng cao nhất trong năm.

Tại TP Cần Thơ, phần lớn các cánh đồng đều đã thu hoạch xong lúa đông xuân. Hiện nay, nông dân tại nhiều địa phương đã bắt đầu xuống giống hoa màu và lúa vụ xuân hè và hè thu 2010. Nhưng lượng lúa gạo hàng hóa trong dân còn khá nhiều, thời điểm này, nhiều nông dân cho lúa vô bao chất đống trong nhà, chưa chịu bán do giá còn thấp. Sau khi VFA chỉ đạo cho các DN thành viên đẩy mạnh thu mua gạo tạm trữ đã có tác động tích cực đến thị trường, giá lúa tại một số địa phương ở ĐBSCL có xu hướng tăng giá nhẹ trở lại. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương giá lúa vẫn còn đang ở mức thấp, nhất là ở những nơi gặp khó khăn về giao thông. Các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh của TP Cần Thơ hiện nông dân đang bán lúa cho thương lái chỉ ở mức 4.000-4.050 đồng/kg, thậm chí 3.900 đồng/kg. Sau một thời gian trữ lúa chờ giá tăng, nhưng giá vẫn chưa lên, nhiều nhà nông bị “đuối sức” buộc phải bung lúa ra bán dù giá chưa tăng lên mức như mong muốn.

Ông Huỳnh Văn Nghị ở ấp Định Hòa A, xã Định Môn, huyện Thới Lai, cho biết: “Vụ này gia đình tôi làm được 5 công lúa, năng suất đạt gần 1 tấn/công, tôi rất phấn khởi. Lúc đang thu hoạch, nghe nói lúa được giá 4.150-4.200 đồng/kg, nhưng khi phơi lúa khô xong, kêu bán thương lái chỉ trả 4.000 đồng/kg. Tôi quyết định cho lúa vô bao trữ lại để chờ giá nhưng chờ mãi gần 3 tuần lễ giá chẳng tăng. Trong khi đó, nợ tiền vay ngân hàng 6 triệu đồng đã đến hạn phải trả nợ. Lúa vụ xuân hè xuống giống phải mua phân thuốc, nếu không trả nợ cũ cửa hàng sẽ không cho mua chịu thêm nữa. Tôi đành phải kêu bán lúa với giá 4.000 đồng/kg”. Trường hợp của anh Liêu Thế Vinh ở xã Định Môn, huyện Thới Lai thì càng khổ hơn. Sau nữa tháng neo lúa chờ giá chưa có kết quả, anh đành bán lúa với giá 4.000 đồng/kg để thanh toán các khoản nợ và tái đầu tư sản xuất trở lại. Anh Liêu Thế Vinh nói: “Với giá lúa ở mức 4.000 đồng/kg, nếu ai có đất nhà và làm lúa đạt năng suất cao có thể còn lời 500.000-700.000 đồng/công. Còn tui thuê đất với giá 22 giạ lúa/công/năm, bán với giá trên coi như trắng tay. Giá lúa phải ở mức 5.000 đồng/kg trở lên, nhà nông mới có điều kiện thoải mái để đầu tư, tái sản xuất trở lại”. Rất nhiều nông dân như anh Vinh đang lâm vào cảnh khó xử khi vụ lúa xuân hè, hè thu 2010 đang vào cao điểm cần bơm nước, bón phân... mà giá vật tư thì tăng vùn vụt. Nông dân rất cần tiền để trang trải các chi phí, nhưng việc trữ lúa chờ giá đã không đem lại kết quả như mong đợi của họ. Nếu nhà nông không được trợ lực của Nhà nước thì sẽ rất khó duy trì việc dự trữ lúa được lâu để hy vọng được bán ra với giá cao.

Cần có giải pháp thiết thực

Hiện nay, việc dự trữ lúa gạo chờ giá chủ yếu trông chờ vào các DN, nhưng DN cũng đang gặp nhiều khó khăn và chưa có sự chủ động. Xuất khẩu gạo của ta đã trải qua hơn 20 năm. Tuy nhiên, việc chuẩn bị hàng để xuất khẩu vẫn còn nhiều bất cập. Các DN xuất khẩu gạo còn thiếu kho bãi và không đủ vốn để mua lúa gạo dự trữ. Mỗi khi ĐBSCL tồn đọng lúa hàng hóa quá nhiều thì Chính phủ chỉ đạo các DN mua lúa gạo tạm trữ. Các DN xuất khẩu gạo và nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL cho rằng nếu mua lúa gạo tạm trữ để giải phóng lượng lúa hàng hóa cho nông dân thì đó chỉ là giải pháp “chữa cháy”. Còn giải pháp căn cơ là phải chủ động dự trữ nguồn hàng lúc giá rẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại không nói là mua lúa gạo tạm trữ mà phải nói là tồn trữ, có gạo tồn trữ với số lượng lớn mới chủ động được việc “làm giá” trên thị trường xuất khẩu.

Các chuyên gia xuất khẩu gạo cho rằng, Việt Nam cần học kinh nghiệm xuất khẩu gạo của các nước. Bởi các nước không mua tạm trữ lúa gạo, mà hằng năm đều có định mức mua lúa gạo dự trữ để xuất khẩu. Như Thái Lan nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, từ lâu đã có chính sách hỗ trợ xuất khẩu gạo, như: cho nhà xuất khẩu gạo vay vốn dài hạn, lãi suất thấp; nhà nước mua lại gạo của các nhà xuất khẩu, chịu chi phí lưu kho, bảo quản, vận chuyển khi giá gạo thế giới giảm... Nếu làm được như vậy, các DN xuất khẩu gạo trong nước mới tích cực mua lúa gạo dự trữ và chủ động thương lượng giá với khách hàng, tránh tình trạng “tranh mua- tranh bán” giữa các DN khi xuất khẩu.

Các DN xuất khẩu trong nước thường bị động về vốn, DN thường ký hợp đồng trước rồi mới đi mua lúa gạo trong dân, vì khi DN có hợp đồng, ngân hàng mới cho vay vốn. Nếu nhu cầu thị trường thế giới tăng mạnh, giá tăng vọt, các DN xuất khẩu gạo bị hụt hơi, khó khăn trong giao hàng. Thực trạng những năm qua, vay mua lúa gạo tạm trữ được ưu đãi vay vốn ngân hàng, được hỗ trợ lãi suất, nhưng các DN vẫn băn khoăn không mấy mặn mà. Có những mùa vụ mua tạm trữ lúa gạo, nhưng do giá gạo trên thị trường thế giới sụt giảm, DN bị lỗ, khoản lỗ này không được hỗ trợ và DN nào tạm trữ số lượng lớn dễ bị thua lỗ nặng. Theo ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty lương thực Sông Hậu, hằng năm, đều có thời điểm giá lúa xuống thấp, vì thế cần có chính sách mua lúa tạm trữ. Song, việc mua lúa tạm trữ phải tính từ đầu năm và tính toán cụ thể vốn tín dụng tài trợ mua lúa gạo tạm trữ là bao nhiêu, cơ chế lãi suất như thế nào để DN tiên liệu. Như vụ đông xuân năm nay, VFA triển khai cho các DN mua lúa gạo tạm trữ, nhưng việc lập kế hoạch, vay vốn tại ngân hàng, DN phải chủ động, khi khó khăn thì báo cáo cho VFA để trình lên Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét. Trong khi đó, DN phải vay ngân hàng với lãi suất 14-16%, thậm chí 18% và khó để DN mua lúa gạo tạm trữ. Do vậy, cần có chính sách cụ thể để DN có thể đảm bảo sản xuất, tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong dân và nhà nông được hưởng lợi thực sự từ chính sách này.

Văn Công- Huỳnh Biển

Chia sẻ bài viết