18/08/2016 - 20:13

Trở lại Sa Pa

Phải nói là "trở lại Sa Pa" bởi đây là miền đất chưa đi đã nhớ. Ở đó, du khách có thể rong ruổi suốt cả ngày trên những con phố, có người đi bộ mười mấy cây số mỗi ngày miên man trên những thửa ruộng bậc thang kết nối phố xá với làng bản. Không chỉ thiên nhiên hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn mà Sa Pa còn có cuộc sống đầy sắc màu của các dân tộc bản địa đã níu chân du khách khi lần đầu tới nơi này.

Sa Pa là một huyện của tỉnh biên giới Lào Cai, nằm cách thủ đô Hà Nội chỉ một đêm ngủ trên xe lửa hoặc xe giường nằm. Mở mắt thấy phố núi còn ướt đẫm trong sương khiến du khách có cảm giác như đang trong một giấc mơ huyễn hoặc. Đi lại nhiều lần nhưng mỗi lần đặt chân đến Sa Pa lại có một cảm giác bồi hồi, lạ lẫm như lần đầu tiên. Những chuyến xe từ miền xuôi, phần lớn xuất phát từ Hà Nội, tới Sa Pa từ rất sớm. Dãy Hoàng Liên Sơn còn đắm chìm trong sương dày mờ mịt. Đứng giữa phố xá nhưng tầm mắt có khi cũng chỉ kéo dài tới bên kia đường. Những cột ăng ten, cổ thụ mới vượt ra khỏi lớp sương, lờ mờ trên cao. Hôm nào nắng sớm, bảy giờ sáng vẫn còn sương mờ. Có hôm, mười giờ trưa mà mặt trời chỉ là một quầng sáng sau lớp sương trên đầu. Bởi thế, phố núi Sa Pa luôn "dậy" muộn. Sáu giờ sáng chỉ mới lóc cóc những quán cà phê sớm mở cửa phục vụ những vị khách du lịch đầu tiên. Hàng quán phải tám giờ mới mở cửa đều. Các con phố Fansipan, Cầu Mây, Mường Hoa… phải sau mười giờ trưa mới bừng dậy sau một đêm dài tấp nập, náo nhiệt. Du khách đừng quên dạo một vòng phố xá để thưởng thức cảm giác ngây ngất khi ngắm những cô gái Dao sặc sỡ váy hoa bước ra từ làn sương tới chợ sớm.

Khu chợ của người Dao bản Tả Phìn. 

Cao nguyên dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn được người Pháp phát hiện từ rất sớm và hình thành khu nghỉ dưỡng tương tự như Đà Lạt của miền Nam. Bởi thế, thị trấn mang dáng dấp của một châu Âu từ khí hậu ôn đới cho tới lối kiến trúc Pháp đặc trưng trên từng mái rêu phong cho tới quy hoạch phố xá. Những ngôi nhà, hàng quán cất lên sau này cũng theo lối kiến trúc đó pha lẫn những sắc màu của người Dao, Giáy, Mông… bản địa. Trước ngôi nhà thờ đá uy nghi và cổ kính là khoảng sân rộng lớn vừa làm quảng trường vừa là ngôi chợ cộng đồng để đồng bào các dân tộc mang thổ cẩm tới đây bán thay vì bán rong gây mất vẻ mỹ quan, trật tự. Ngành du lịch địa phương cũng thường xuyên khuyến cáo du khách nếu ủng hộ người dân thì nên vào chợ cộng đồng hoặc chợ trung tâm Sa Pa chứ không nên mua của người bán rong nhằm xóa bỏ triệt để tình trạng này. Người dân bán ở chợ cộng đồng hoàn toàn không phải đóng một khoản phí nào, và chợ cộng đồng là nơi tập hợp những người bán rong lại một chỗ.

Nắng lên xua tan màn sương. Thị trấn phố núi cổ kính dần dần hiện rõ ra.Tiếp đó là dãy Hoàng Liên Sơn lấp ló nhưng vẫn còn mây phủ trên đỉnh núi. Khi đỉnh Fansipan- nóc nhà của Đông Dương- lộ rõ ra thì ruộng bậc thang cũng hiện ra mênh mông và tươi tắn trong nắng nhẹ. Thời điểm này, lúa đang chín. Ruộng bậc thang Sa Pa, có nơi cao hơn 100 bậc, mang một màu vàng óng ả. Ra khỏi dãy nhà hàng, khách sạn và các quầy lưu niệm ở các phố Cầu Mây, Fansipan… là cả một thung lũng đầy lúa vàng. Tiếp đó là những ngọn núi khắc họa trên mình những thửa ruộng bậc thang tuyệt mỹ- thành quả lao động suốt nhiều đời của người dân bản địa. Họ khai phá đất ở triền núi thành những thửa ruộng bậc thang rồi dẫn nước về trồng lúa. Nhà ít bậc thang, lúa trồng một vụ để ăn quanh năm. Nhà nhiều bậc thang, lúa nhiều vô kể, họ bán lại cho người dân trong bản. Phải mất nhiều đời, ruộng mới được hình thành từ mặt đất tới mây cao như hiện nay. Càng đi vào hướng bản, ruộng bậc thang càng cao và trùng trùng lớp lớp. Dọc các triền núi có ruộng bậc thang đều có đường xe ô tô, xe máy hoặc đường chỉ dành cho người đi bộ. Do đó, du khách có thể men theo các con đường này từ thị trấn vào bản thay vì đi đường nhựa bon bon.

Đến Sa Pa, không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, tận hưởng không gian cổ kính và tiết trời lạnh lẽo của miền đất cao khoảng 1.200 mét so với mực nước biển mà còn để khám phá văn hóa các dân tộc bản địa. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng nhiều dân tộc khác nhau. Du khách có thể đi xe gắn máy, ô tô hoặc theo chân người dân bản địa về bản xa. Cái hay của Sa Pa là đa số người dân đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh rất tốt bên cạnh tiếng dân tộc và tiếng Kinh. Bởi thế, du khách không phải ngạc nhiên khi những cô gái dân tộc vừa bước thoăn thoắt trên đường cùng các du khách ngoại quốc vừa trò chuyện rôm rả. Thật ra, họ là những hướng dẫn viên bản địa đang đưa khách về bản để giới thiệu về văn hóa, nếp sống của dân tộc mình.

Bài, ảnh: MIÊN HẠ

Lưu ý khi du lịch Sa Pa

Gian bếp của người dân tộc Dao ở bản Tả Phìn

Sa Pa là miền đất du lịch nhưng nếp làng, lệ bản vẫn còn giữ nguyên bởi văn hóa các dân tộc không bị pha trộn, hòa tan trong môi trường hòa nhập như hiện nay. Họ làm ăn với người Kinh, hướng dẫn du lịch cho người nước ngoài những vẫn giữ riêng nét văn hóa của mình. Đó chính là hấp lực để du lịch Sa Pa luôn quyến rũ người khác.

Vào bản, nếu ghé chơi nhà người dân bản địa, du khách cần lưu ý về chỗ ngồi. Không nên sỗ sàng ngồi vào những vị trí trang trọng nhất trong nhà dù nhà người dân còn sơ sài, bởi đó là nơi chỉ dành cho người lớn nhất trong nhà, có khi là ông bà đã quá cố. Gặp trẻ con dễ thương, du khách có thể nựng nịu trên má chứ không nên xoa đầu vì đầu là nơi thờ thần linh trong văn hóa tín ngưỡng của người bản địa. Những đứa trẻ ở đây rất hiếu khách. Thương chúng, du khách có thể cho cái bánh, cái kẹo nhưng tuyệt đối không cho tiền, làm hư trẻ. Không chỉ trong bản mà ở ngay trung tâm thị trấn vẫn có những đứa trẻ theo mẹ, chị rong ruổi khắp các con phố tìm khách du lịch bán thổ cẩm và xin tiền. Du khách nên dứt khoát không mua sản phẩm của họ và cũng không cho tiền dù là tờ bạc mệnh giá thấp nhất. Hãy cùng ngành du lịch địa phương "làm sạch" môi trường du lịch. Như đã nói, địa phương đã gom người bán rong vào một điểm chung tại chợ cộng đồng để họ kiếm sống. Nếu ủng hộ, du khách nên mua ở chợ cộng đồng. Đồng thời, đừng ngại từ chối mua hàng, khi nghe nói "không mua sẽ không may đâu!", bởi chẳng có thứ bùa ngãi nào hết.

Đặc biệt ở bản, du khách có thể ghé bất cứ nhà nào của người dân và cùng thưởng thức những món ăn đặc trưng của dân tộc. Trâu gác bếp, nếp nương, gà... lúc nào cũng có. Họ sẽ nấu một bữa tiệc đầy ắp thức ăn và xôi ngũ sắc với giá vừa phải nhưng khẩu vị rất lạ lẫm vì gần như chỉ có muối và các gia vị tự nhiên lấy từ lá, thân cây rừng. Hoặc một vài nhà làm trâu, làm heo, sẽ mời du khách mua một vài thứ trong mớ thịt đó và chế biến cho du khách. Ở các bản Tả Phìn, Cát Cát, Sín Chải, Bản Hồ, Tả Van đều có những ngôi nhà như thế và có cả những homestay phục vụ khách lưu trú, ở cùng người bản địa.

Bài, ảnh: MIÊN DU

Chia sẻ bài viết