27/08/2024 - 10:12

Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật 

Vừa qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước TP Cần Thơ phối hợp Câu lạc bộ (CLB) Nữ khuyết tật TP Cần Thơ có buổi truyền thông đến hội viên CLB về quy định mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGÐ) năm 2022, quy định về TGPL đối với người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Nội dung tuyên truyền tập trung vào hành vi BLGÐ; nguyên tắc phòng, chống BLGÐ; cơ sở trợ giúp phòng, chống BLGÐ…

Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, thông tin đến các chị em một số quy định về TGPL dành cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Luật Phòng, chống BLGÐ được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 14-11-2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023, bao gồm 6 chương và 56 điều. Tại buổi truyền thông, các thành viên CLB Nữ khuyết tật TP Cần Thơ được giới thiệu những quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống BLGÐ, như: hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý; kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi BLGÐ; sử dụng, truyền bá thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động BLGÐ; trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị BLGÐ, người phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn hành vi BLGÐ; cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn và xử lý hành vi BLGÐ; lợi dụng hoạt động phòng, chống BLGÐ để thực hiện hành vi trái pháp luật; dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi BLGÐ...

Ông Lưu Ngọc Sĩ, trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, còn thông tin đến các chị em một số quy định về TGPL của người khuyết tật có khó khăn về tài chính: người khuyết tật có khó khăn về tài chính là người thuộc hộ cận nghèo hoặc được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, được quyền yêu cầu tổ chức thực hiện TGPL cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của Luật TGPL. Người khuyết tật có khó khăn về tài chính được quyền yêu cầu tổ chức thực hiện TGPL cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính, đất đai… có liên quan đến quyền và lợi ích của mình bằng hình thức: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng. Ngoài trường hợp người khuyết tật có khó khăn về tài chính thì người khuyết tật cũng được hưởng TGPL khi thuộc một trong các trường hợp sau: người khuyết tật là người có công với cách mạng, người khuyết tật là người thuộc diện hộ nghèo, người khuyết tật là trẻ em, người khuyết tật là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Tại buổi truyền thông, các chị em còn được tham gia phần hỏi, đáp liên quan đến các quy định về phòng, chống BLGÐ và TGPL cho người khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Phượng ngụ phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, cho biết: “Các thông tin được chia sẻ bổ ích, ngắn gọn, chúng tôi dễ ghi nhớ những quy định pháp luật”. Chị Bùi Thị Bé Hai ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, cũng nhận xét: “Tôi thấy buổi truyền thông rất thiết thực, gần gũi, giúp tôi và các chị em hiểu rõ các quy định pháp luật về phòng, chống BLGÐ; các quyền của người khuyết tật khi gặp các vấn đề pháp lý liên quan đến đời sống”.

Luật Phòng, chống BLGÐ năm 2022 quy định cơ sở trợ giúp phòng, chống BLGÐ, gồm: địa chỉ tin cậy; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở trợ giúp xã hội; trung tâm TGPL nhà nước, tổ chức tham gia TGPL; cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống BLGÐ; cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống BLGÐ. Khi người thuộc đối tượng TGPL có yêu cầu về TGPL, hãy liên hệ: Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, địa chỉ: số 1A, đường Trần Khánh Dư, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ; số điện thoại: 0292.3825926 – 0292.3810328.

Bài, ảnh: HOÀNH YẾN

Chia sẻ bài viết