14/01/2021 - 08:10

"Triệt phá tận gốc buôn lậu, đánh trúng đối tượng cầm đầu..." 

Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) diễn ra ngày 7-1. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Cần tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng; kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi bao che, tha hóa, biến chất. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 TP Cần Thơ kiểm tra điểm kinh doanh khẩu trang y tế trên địa bàn thành phố.

Năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19, lợi dụng cơ hội này các đối tượng  buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng đẩy mạnh hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nổi lên là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa phòng, chống dịch, ma túy, pháo nổ; thuê nhà xưởng sản xuất ma túy; kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam để gian lận thương mại.

Cùng với công tác phòng dịch COVID-19, tại các cửa khẩu, đường mòn lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, các lực lượng chức năng Trung ương và địa phương đã phối hợp cắm chốt, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa giảm mạnh. Tuy vậy, vẫn còn số ít các đối tượng lợi dụng lúc sơ hở của lực lượng chức năng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, mặt hàng chủ yếu là thiết bị y tế, khẩu trang, thuốc lá ngoại,... Tại ÐBSCL, điển hình tại khu vực biên giới tỉnh An Giang, Long An, hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn ra phức tạp, mặt hàng chủ yếu là thuốc lá điếu, đường cát, kim loại vàng…

Với sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử, các đối tượng lợi dụng các kho hàng của bưu chính để tàng trữ và kinh doanh hàng giả nhãn mác, giả xuất xứ, hàng kém chất lượng để lừa bán cho người tiêu dùng, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và sức khỏe của người dân. Hoạt động gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam ngày càng tinh vi với mục đích để xuất khẩu nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu vẫn diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn như: hàng hóa không đáp ứng tiêu chí xuất xứ, chỉ thực hiện công đoạn gia công sản xuất, lắp ráp đơn giản nhưng khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu và trên bao bì sản phẩm in dòng chữ "Made in Vietnam"; trà trộn hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu với hàng hóa được sản xuất trong nước để xuất khẩu nhưng trên bao bì hàng hóa ghi xuất xứ Việt Nam; liên kết với các cơ quan, tổ chức trong nước để phát hành trái phép giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các doanh nghiệp sử dụng xuất khẩu hàng hóa.

Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, địa bàn trọng điểm về hoạt động thương mại và dịch vụ, trung chuyển hàng hóa khu vực ÐBSCL. Do đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát chặt thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn thành phố trong năm qua được giữ vững, ổn định, ngay cao điểm ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo Ban Chỉ đạo 389 TP Cần Thơ, năm 2020, tình hình vi phạm về buôn lậu, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố do các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ, không có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, vẫn còn diễn ra các hành vi gian lận thương mại như: kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xứ xuất; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc... Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp với các mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm: thuốc lá điếu nhập lậu, phân bón, mỹ phẩm, bánh kẹo, cà phê, trà, đồ gia dụng, xăng dầu, khẩu trang y tế, điện gia dụng, điện thoại, linh kiện điện thoại, thuốc lá điện tử, sừng tê giác, đường cát, bột ngọt, thực phẩm đông lạnh, bia, quần áo, ví (bóp), túi xách, giày dép, mắt kính, nón bảo hiểm, phụ tùng xe mô tô,...

Ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP Cần Thơ, cho biết: Trong năm qua, nhằm giữ ổn định thị trường, đảm bảo đời sống nhân dân trước ảnh hưởng tình hình dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo 389 TP Cần Thơ đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để mua gom hoặc định giá hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như lương thực, thực phẩm và các loại vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh... Nhờ đó, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn ổn định, không có hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ rõ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc từ nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi và gia tăng mạnh trên môi trường mạng. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, số lượng, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp… chưa có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả. Nguyên nhân là do chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc; cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; nhiều nơi vai trò của lực lượng chuyên trách còn hạn chế, chưa xây dựng được lực lượng nòng cốt, chưa sâu sát nắm bắt tình hình địa bàn, khu dân cư. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, có biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp bảo kê cho các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc… Mặt khác, cơ chế chính sách còn sơ hở, bất cập tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng; bộ máy tổ chức tại một số cơ quan chức năng vẫn còn nhiều bất cập, nhiệm vụ phân định chưa cụ thể.

Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm 2020, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 185.000 vụ vi phạm, thu ngân sách gần 25.000 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2019; khởi tố 2.543 vụ án, tăng 28% với 3.502 đối tượng, tăng gần 50%. Năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 TP Cần Thơ và các sở, ngành, lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện và xử lý 2.094 vụ, tăng 668 vụ, tăng 46,8%. Tổng số tiền xử lý vi phạm gần 72,6 tỉ đồng, giảm gần 14 tỉ đồng, tương đương 16% so với cùng kỳ năm 2019.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết