12/11/2019 - 09:47

Triển vọng ứng dụng thiết bị bay trong sản xuất nông nghiệp 

Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đang là xu hướng tất yếu để giảm công lao động, tăng năng suất cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, việc phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng thiết bị bay không người lái (drone) bước đầu cho thấy hiệu quả không chỉ trong sản xuất, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân.

Giảm 30% lượng thuốc BVTV

Hiện nay, với xu thế ứng dụng các thiết bị công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, việc áp dụng hệ thống phun thuốc BVTV bằng drone có nhiều tiện ích. Sự hỗ trợ của drone trong canh tác cây trồng giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, tài nguyên nước và quan trọng nhất là giúp bảo vệ sức khỏe nông dân tốt hơn do không cần trực tiếp phun thuốc. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP.

Bà con nông dân xem trình diễn thiết bị bay không người lái dùng để phun thuốc BVTV. 

Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức trình diễn phun thuốc BVTV trên lúa bằng drone tại xã Hưng Thịnh (huyện Tân Hưng, Long An) bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực và hứa hẹn có khả năng triển khai trên diện rộng trong thời gian tới. Đây cũng là hoạt động nằm trong dự án triển khai ứng dụng công nghệ cao vào canh tác nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân. Trong buổi tổ chức, ngoài tham quan thực nghiệm drone phun thuốc, bà con nông dân còn trực tiếp tham gia tọa đàm về các vấn đề liên quan đến ứng dụng drone vào phun thuốc quản lý dịch hại trên cây lúa nhằm có cái nhìn toàn diện hơn về thiết bị bay nông nghiệp.

Qua quá trình thực nghiệm drone phun thuốc cho thấy hạt thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ, mịn. Điều này sẽ giúp nông dân giảm lượng nước thực tế cần dùng mà vẫn đảm bảo độ trải đều bề mặt và mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, việc phun thuốc BVTV trên lúa bằng drone còn giúp tăng năng suất lao động từ 15-30 lần, giảm giá thành, rút ngắn thời gian phun thuốc trên 1 đơn vị diện tích; giảm 30% lượng thuốc BVTV so với phun xịt thông thường; công nghệ phun ly tâm giúp giọt nước xoáy tròn nên việc tiếp xúc sâu bệnh mặt dưới lá hiệu quả hơn; khả năng tập trung drone để phun thuốc dập dịch nhanh; chủ động thời gian phun thuốc với khả năng phun thuốc ban đêm; phun thuốc chính xác với việc kiểm soát công nghệ phun trên máy bay, ứng dụng chẩn đoán dịch hại đồng bộ dữ liệu với máy bay phun tự động vào khu vực có dịch hại; giảm tổn thất sản lượng lúa 150-200 kg/héc-ta so với phun xịt thuốc thông thường do lúa không bị giẫm đạp.

Ông Phạm Tấn Hào, ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, cho biết: Khi phun thuốc thủ công, mỗi héc-ta lúa tốn khoảng 160.000 đồng tiền thuê người, hay dao động 14.000-15.000 đồng mỗi bình thuốc. Vụ vừa rồi, ông phun bằng drone, tuy chi phí cao hơn một chút nhưng lượng thuốc giảm 20%, năng suất tăng 10 - 15%. “Thứ nhất là tiết kiệm công lao động rất lớn. Thứ hai là đạt được sự đồng đều, chứ phun thuốc bằng tay thì cũng có nhiều lỗi. Do đó tôi sẽ dùng drone để phun thuốc trong vụ đông xuân tới”- ông Hào nói.

Ông Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hưng, cho biết nông dân đánh giá rất cao công nghệ phun thuốc bằng drone và nhiều nơi đã áp dụng trên diện tích hàng trăm héc-ta. Với giá từ 200-300 triệu đồng/thiết bị, một số nông dân, HTX sản xuất lớn có thể đầu tư để sử dụng hoặc phun dịch vụ cho nông dân.

Thúc đẩy ứng dụng vào thực tế

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: “Thông qua dự án triển khai thiết bị bay nông nghiệp, chúng tôi mong muốn bảo vệ sức khỏe nông dân và gìn giữ nguồn tài nguyên nước một cách tốt hơn. Những lợi ích đến từ dự án này góp phần gia tăng lợi nhuận sản xuất cho bà con nông dân. Đó cũng chính là nỗ lực của tập đoàn trong việc hiện thực hóa tầm nhìn tiên phong trong việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến hướng tới hiệu quả cao hơn”.

Một thiết bị bay không người lái đang phun thuốc trên đồng.

Việc phun thuốc BVTV bằng drone thực tế đã cho thấy nhiều lợi ích mang lại trên đồng ruộng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đại trà vẫn còn một quá trình bởi theo bà con nông dân, trở ngại đầu tiên chính là chi phí đầu tư rất lớn. Ông Trần Văn Đơ, ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cho biết từ lâu cái lo lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp là thiếu công lao động từ sạ, cấy, cắt… mà đặc biệt là phun thuốc. Bởi việc phun thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe nên ít người chịu làm. Bây giờ, việc dùng drone để phun thuốc cho thấy nhiều lợi ích, nhất là giúp bà con nông dân không tiếp xúc với thuốc sẽ bảo vệ được sức khỏe.

“Làm lúa thời gian qua không lời nhiều; có drone sẽ đỡ tốn nhân công, chi phí giảm, rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, vẫn còn cái khó là chi phí một thiết bị quá cao, chỉ có hợp tác xã, tổ hợp tác mới có thể đầu tư, chứ cá nhân không ai dám mua. Do đó, cần phải chế máy nhỏ, giá giảm hơn nữa thì mới có khả năng triển khai rộng rãi”- ông Đơ nói. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Cang vấn đề bà con quan tâm hiện nay là thủ tục xin giấy phép bay và phí sử dụng hằng năm khá cao (khoảng 30 triệu đồng).

Ngoài chi phí đầu tư, do việc dùng drone trong nông nghiệp tại Việt Nam còn tương đối mới nên ông Thòn cho biết sẽ phổ biến kỹ thuật này theo từng bước. Bước một, tập đoàn sẽ làm dịch vụ phun bằng drone cho nông dân. Bước hai, tiến tới tập huấn và triển khai ở các HTX. Sau đó, khi hiệu quả đã được kiểm chứng qua thời gian, một số hộ có điều kiện và nhạy bén sẽ chủ động tự đầu tư.

“Trước hết, vẫn còn khoảng cách giữa việc nghiên cứu với triển khai, áp dụng thực tế vào đồng ruộng vì còn những khác biệt về điều kiện, địa lý, khí hậu... nên cần nghiên cứu thêm để đúc kết. Vụ tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thí điểm trên vùng nguyên liệu của tập đoàn để hoàn thiện quy trình”- ông Thòn nói.  

Từ thực tế cho thấy, việc triển khai drone phục vụ sản xuất nông nghiệp là một bước chuyển đổi quan trọng trong việc đẩy mạnh số hóa ngành nông nghiệp. Bước đi này nhằm góp phần thúc đẩy hiện thực hóa những ước vọng của nông dân, nâng cao vị thế và chất lượng cuộc sống của bà con, góp phần xây dựng những vùng nông thôn đáng sống.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết