22/02/2021 - 05:48

Triển vọng nấm đông trùng hạ thảo của Trường Đại học Trà Vinh 

Sau 6 năm nghiên cứu, Trung tâm Công nghệ sinh học và Môi trường, Khoa Nông nghiệp và Thủy sản, Trường Đại học (ĐH) Trà Vinh, đã hoàn thiện quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo. Từ đó mở ra triển vọng sản xuất đại trà phục vụ công tác nghiên cứu khoa học đồng thời, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Mục tiêu vì cộng đồng

Trường ĐH Trà Vinh sản xuất nấm đông trùng hạ thảo với mong muốn nhiều người có thể tiếp cận nguồn dược liệu quý này trong phòng trị bệnh và bồi bổ sức khỏe.

Trường ĐH Trà Vinh sản xuất nấm đông trùng hạ thảo với mong muốn nhiều người có thể tiếp cận nguồn dược liệu quý này trong phòng trị bệnh và bồi bổ sức khỏe.

Đông trùng hạ thảo còn có các tên gọi khác là nấm đông trùng hạ thảo, trùng thảo, hạ thảo đông trùng, đông trùng thảo. Đây là một dạng ký sinh của loài nấm sống trên cơ thể của ấu trùng bướm, phổ biến nhất là ấu trùng của một loài sâu. Từ hàng ngàn năm trước, ở vùng cao nguyên Tây Tạng có độ cao trên 3.000m, người ta phát hiện ra một loại ấu trùng sâu non sinh sống trong lòng đất, dùng rễ cây để ăn và giữ ấm cơ thể. Vào mùa đông, nấm sống ký sinh vào ấu trùng, phát triển các sợi bên trong để hút dưỡng chất, làm sâu non chết dần. Sự tồn tại này được gọi là đông trùng. Đến những ngày mùa hạ ấm áp, nấm sống ký sinh sẽ mọc thân dài màu nâu từ đầu sâu non, vươn lên khỏi mặt đất như một cây thân thảo, do đó gọi là hạ thảo. Đông trùng hạ thảo là sự kết hợp hoàn hảo có một không hai trong tự nhiên giữa động vật và thực vật. Nấm hạ thảo đông trùng có hình dạng rất đặc biệt, vừa mang hình dáng của một con sâu ở dưới, vừa có nhiều bộ phận của cây thảo ở trên, màu sắc vàng sẫm rực rỡ.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trai, Quyền Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và Môi trường, cho biết: “Trước đây khi đọc những tài liệu, tôi thấy đông trùng hạ thảo có rất nhiều tác dụng nhưng hầu hết từ tự nhiên. Tại Việt Nam cũng có một số công trình nghiên cứu nuôi trồng thành công trong môi trường nhân tạo, tuy nhiên việc chuyển giao công nghệ nuôi trồng đắt đỏ nên giá sản phẩm được bán ra khá cao. Do đó, mục tiêu trước mắt của Trường ĐH Trà Vinh là sản xuất ra đông trùng hạ thảo với giá thành vừa phải để người dân có thể tiếp cận nguồn dược liệu quý này trong phòng trị bệnh và bồi bổ sức khỏe.

Từ mục tiêu trên, 6 năm trước, Trường ĐH Trà Vinh bắt đầu nghiên cứu quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo trên 2 nguồn cơ chất chính là cơ chất tổng hợp từ gạo lứt huyết rồng và ký chủ nhộng tằm. Cơ chất gạo lứt huyết rồng được bổ sung dinh dưỡng gồm dịch chiết khoai tây, nước dừa, một số thành phần khoáng, vitamin… Cơ chất sau khi được bổ sung đầy đủ thành phần sẽ được đem đi hấp khử trùng, để nguội qua đêm. Giống thì sẽ được chuẩn bị khoảng 5 ngày trên máy lắc, sau đó rót 10ml giống vào hộp cơ chất, đem đi ủ tối để cho tơ nấm phát triển. Khi nấm phát triển khắp bề mặt môi trường dao động trong khoảng từ 5-7 ngày hộp nấm mới được đem qua phòng nuôi. Phòng nuôi được trang bị ánh sáng đèn, được phun sương tạo ẩm. Ánh sáng đèn cường độ khoảng 1.000-1.500lux. Độ ẩm trong phòng luôn duy trì từ 80-85%. Sau 45 ngày có thể thu hoạch.

Triển vọng thương mại hóa

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trai cho biết nấm đông trùng hạ thảo được xem là đạt tiêu chuẩn, đẹp, phải có sợi đồng đều, phát triển khắp bề mặt cơ chất. Tại Trường ĐH Trà Vinh, tỷ lệ sản phẩm nấm đẹp nuôi trên giá thể gạo lứt huyết rồng đạt khoảng 70%, còn trên nhộng tằm tỷ lệ thành công trên 60%. Nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH Trà Vinh cũng đang tập trung sản xuất nấm đông trùng hạ thảo cung ứng ra thị trường, sản phẩm chủ yếu nuôi trên cơ chất hữu cơ, không bổ sung chất kích thích để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Là một loại nấm đặc biệt, các nhà khoa học đã phân tích trong đông trùng hạ thảo có tới 17 loại axit amin khác nhau, cùng với hàm lượng vitamin, nguyên tố vi lượng dồi dào, cực kỳ tốt cho sức khỏe. Đặc biệt thành phần axit cordiceptic, hydroxyethyl adenosine, rất khó tìm ở dược liệu tự nhiên đem lại nhiều tác dụng quý cho con người. Với hàm lượng vitamin, khoáng chất dồi dào, đông trùng hạ thảo giúp bồi bổ cơ thể, chống suy nhược, được đánh giá là “thuốc bổ” cho người già, bị suy dinh dưỡng, gầy yếu, giúp ăn ngon miệng, ngủ sâu giấc, hết mệt mỏi; là thuốc bổ cho sinh lý nam giới, điều hòa nội tiết tố ở phụ nữ. Các tài liệu đông y cũng nhận định đây là dược liệu cực kỳ quý giá, có vị ngọt, tính ấm, quy vào kinh phế, thận, công dụng bổ thận, dưỡng phế, sinh tinh… Nấm đông trùng hạ thảo, sau khi thu hoạch, có thể dùng tươi, phơi sấy khô hoặc bào chế thành các chế phẩm khác như: trà túi lọc, ngâm rượu, bào bột mịn, sản xuất dạng viên nang, nước uống đóng chai…

Tuy có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trai, nên sử dụng nấm như một loại dược liệu chứ không phải là nấm ăn. Nấm ăn thì có thể ăn nhiều nhưng dược liệu chỉ nên dùng theo liều lượng khuyến cáo. “Cái gì cũng vậy, nếu chúng ta sử dụng quá liều thì trở nên độc hại. Đối với đông trùng hạ thảo, đối tượng sử dụng là người trên 6 tuổi. Rất tốt đối với những người già mất ngủ và người bệnh. Liều lượng sử dụng mỗi ngày từ 5-10gr đông trùng hạ thảo tươi, có thể ngâm nước sôi để uống, nấu cháo, ngâm rượu, một số đơn vị còn có sản phẩm đông trùng hạ thảo đóng viên. Hiện Trường ĐH Trà Vinh sử dụng nấm giống đông trùng hạ thảo nhập từ Nhật Bản, người sử dụng thấy có kết quả rất rõ rệt nên quay trở lại mua sản phẩm. Bên cạnh đó, vì mục tiêu của Trường ĐH Trà Vinh không phải là lợi nhuận mà mang đến sức khỏe cho cộng đồng nên giá sản phẩm bán ra, người tiêu dùng sẽ chấp nhận được” - thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trai nói.

Đông trùng hạ thảo là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus. Thường gặp nhất là sâu non của loài Hepialus armoricanus. Ngoài ra còn 40 loài khác thuộc chi Hepialus cũng có thể bị Cordyceps sinensis ký sinh. Chi nấm Cordyceps có tới 350 loài khác nhau, chỉ riêng ở Trung Quốc đã tìm thấy 60 loài. Tuy nhiên cho đến nay người ta mới chỉ nghiên cứu nhiều nhất được 2 loài Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. và Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link. Loài thứ hai được gọi là Nhộng trùng thảo. Vào mùa đông, nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Mùa hè ấm áp, nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất. Đầu của ngọn nấm là một thể đệm (stroma) hình trụ thuôn nhọn. Chỉ phát hiện được đông trùng hạ thảo vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3.500-5.000m. 

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết