18/10/2009 - 20:46

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Triển vọng mô hình lúa - tôm bền vững

Mô hình tôm - lúa ở Bạc Liêu. Ảnh: T.TÂM

Hiện nay, việc canh tác một vụ lúa, một vụ tôm phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bởi tính hiệu quả và sự bền vững của nó. Quan trọng hơn, theo đánh giá của các nhà khoa học, mô hình này sẽ còn phù hợp với hệ sinh thái và sự biến đổi khí hậu...

HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH LÚA-TÔM

Tại Sóc Trăng từ năm 2006 đến nay, diện tích lúa tôm liên tục tăng nhờ tính hiệu quả của nó. Anh Đặng Văn Thanh ở xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: Tôi nuôi tôm trên đất lúa được vài năm, thấy hiệu quả lắm. Tôi thả nuôi 1ha tôm trên đất lúa theo hình thức quảng canh, sau hơn 3 tháng thu hoạch được trên 300kg, với giá bán trên 100.000 đồng/kg, 1ha tôm sú cho thu nhập trên 30 triệu đồng, trong khi chi phí chưa được 10 triệu đồng. Mặc dù trúng mùa tôm, trúng giá nhưng tôi không thả tôm vụ 2 mà đang làm đất chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân bằng giống lúa ST5 để vụ sau nuôi tôm ít bị rủi ro hơn”.

Ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Năm nay, trên 12.000 ha nuôi tôm trên đất lúa của nông dân 2 huyện Mỹ Xuyên và Vĩnh Châu đều trúng mùa, trúng giá. Tính bình quân, 1ha lúa-tôm đem lại lợi nhuận cho bà con nông dân khoảng 30 triệu đồng. Liên tục nhiều năm qua, một vụ lúa, một vụ tôm luôn hiệu quả và khẳng định tính bền vững của nó. Nuôi tôm trên đất lúa ít rủi ro hơn chuyên tôm, trong khi chi phí trồng lúa trên đất này chỉ 60-70% nhưng cho hiệu quả như đất chuyên lúa. Nhờ vậy, diện tích lúa-tôm của tỉnh tăng lên gấp 3 lần so với năm 2000.

Tại Bạc Liêu, mô hình lúa -tôm tập trung ở 2 huyện Phước Long và Hồng Dân với trên 20.000ha. Nhờ tính hiệu quả của nó mà mô hình này lan rộng ra các huyện lân cận như Giá Rai, Đông Hải, với trên 1.000ha. Anh Nguyễn Minh Triết, ấp 19, xã Phong Thạnh, huyện Gía Rai, là một trong những hộ đầu tiên trong ấp thực hiện mô hình lúa tôm. Do mấy năm tôm nuôi liên tục chết, anh Triết đã học tập kinh nghiệm trồng lúa trên đất nuôi tôm ở huyện Phước Long. Năm 2007 anh mạnh dạn sạ lúa một bụi đỏ 1,3ha diện tích đất sản xuất. Anh Triết cho biết: “ Lúc đầu chưa có kinh nghiệm làm lúa trên đất nuôi tôm nên năng suất lúa cuối vụ chỉ đạt được 15 giạ/công. Nhưng bù lại vụ tôm sau đó nhiều hộ nuôi tôm xung quanh tôm chết nhưng tôi lại trúng. Đó là động lực để tôi quyết tâm hơn trong việc thực hiện mô hình lúa-tôm. Năm 2008 vừa qua, tôi đã đưa 2ha sản xuất lúa. Nâng suất lúa cuối vụ 20 giạ/công, và vụ tôm vừa rồi tôi thu lại tôm rất nhiều. Mỗi con nước thu được 20kg tôm đạt 20 con/kg sau gần 4 tháng nuôi, tổng thu hoạch vụ tôm vừa rồi tôi thu được hơn 100 triệu đồng. Năm nay, anh Triết đưa toàn bộ 3 ha đất làm lúa 1 bụi đỏ trên đất nuôi tôm”.

Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT đến nay, mô hình lúa- tôm đã phát triển mạnh ở 7 tỉnh ven biển với diện tích trên 120.000ha. Diện tích sản xuất theo mô hình lúa - tôm liên tiếp tăng lên. Kiên Giang từ 20.000ha năm 2003 đến nay tăng lên 60.000ha; Cà Mau từ 15.000ha, đến nay trên 25.000ha; Bạc Liêu 10.000ha, nay lên đến 21.000ha. Dự kiến vài năm tới, diện tích lúa-tôm sẽ tăng trên 200.000ha. Theo báo cáo của các tỉnh ĐBSCL, mô hình luân canh lúa - tôm đem đến lợi nhuận cho nông dân trên 27 triệu đồng/ha/năm.

TRIỂN VỌNG MÔ HÌNH

Thông tin từ Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho biết: ĐBSCL có đến trên 1,4 triệu héc-ta đất ngập nước do tác động của xâm nhập mặn. Con số này sẽ tăng lên do quá trình biến đổi khí hậu, cụ thể là nước biển dâng, xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Việc khoanh vùng ngọt hóa để trữ nước ngọt sản xuất lúa gặp nhiều trở ngại do chi phí cao, hiệu quả thấp. Thực tế, chính những dòng nước mặn xâm nhập vào ruộng lúa đã tạo điều kiện cho người nông dân nuôi tôm và mô hình sản xuất đó là lúa- tôm xuất phát từ thực tế này.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, cho rằng: Sau nhiều năm nuôi tôm sú tại ĐBSCL, môi trường cho con tôm đã thay đổi, phát sinh nhiều yếu tố bất lợi. Chính vì vậy, trồng lúa trên đất nuôi tôm cải tạo môi trường rất tốt. Đây là mô hình đã được khuyến cáo nhiều năm vì mức độ bền vững của nó. Con tôm nuôi theo mô hình này hoàn toàn sạch bệnh. Cây lúa cũng vậy, do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên lúa gạo đạt chất lượng cao.

Hằng năm, mặn xâm nhập sâu vào đất liền các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, sự tác động của biến đổi khí hậu đẩy khu vực này phải đối mặt thường xuyên với xâm nhập mặn. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, có khoảng 2,4 triệu héc-ta bị nước biển xâm nhập, nhiều diện tích chuyên trồng lúa 2 vụ/năm sẽ không thể sản xuất được do nước mặn tràn vào. Lúc đó, mô hình canh tác một vụ lúa, một vụ tôm là thích ứng nhất. Thực tế cho thấy tại vùng đất thực hiện mô hình lúa - tôm, nông dân không chỉ sản xuất lúa, nuôi tôm mà còn trồng rau màu trên bờ bao nuôi tôm cũng cho thu nhập khá. Mô hình đa canh trên vùng đất ven biển ngập nước vùng ĐBSCL đã được hình thành.

Tại Hội thảo Phát triển hệ thống sản xuất lúa-tôm bền vững vùng ven biển ĐBSCL vừa được tổ chức tại Sóc Trăng, ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Việc phát triển cây lúa trên đất nuôi tôm và nuôi tôm trên đất lúa là điều kiện để tăng sản lượng lương thực nhằm đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ cho xuất khẩu lúa, đồng thời cung ứng nguồn tôm nguyên liệu cho xuất khẩu. Nước biển dâng, xâm nhập mặn là điều đáng lo, nhưng nông dân đã chọn được mô hình phù hợp trong bối cảnh khó khăn là điều đáng mừng. Sắp tới cần phải đầu tư, quy hoạch phù hợp để nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình sản xuất này.

Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT cho biết thêm: “Mô hình lúa - tôm đã được nông dân thực hiện nhiều năm nay, sắp tới mô hình này sẽ tiếp tục phát triển. Về phía Cục Trồng trọt chúng tôi đang nghiên cứu nhiều loại giống lúa mới có khả năng chịu mặn cao để thích ứng với môi trường đối với mô hình này. Cục Trồng trọt cũng đang nghiên cứu một số loại rau, màu thích hợp để nông dân trồng trên các bờ bao vuông tôm nhằm giúp nông dân tăng thêm thu nhập, thực hiện sản xuất đa canh trên cùng một đơn vị diện tích”.

MINH THANH

Mô hình tôm - lúa ở Bạc Liêu. Ảnh: T.TÂM

Chia sẻ bài viết