13/02/2008 - 22:42

Triển vọng giao thương Việt Nam - Campuchia

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã hợp tác với Chính phủ Campuchia xây dựng hạ tầng và hành lang pháp lý mậu dịch tại 9 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu quốc gia, 30 cửa khẩu phụ và hơn 100 chợ ven biên giới tại 10 tỉnh có đường biên giới giáp hai nước. Từ đó, kim ngạch mậu dịch biên giới Việt Nam-Campuchia tăng bình quân 31% mỗi năm. Năm 2007, kim ngạch mậu dịch giữa hai nước đạt 932 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2002. Trong đó, kim ngạch biên mậu luôn chiếm tỷ trọng trên 40%, tiêu biểu như tỉnh An Giang. Năm 2007, tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của An Giang đạt 700 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu biên mậu chiếm gần 50%. Theo đánh giá của Ban điều hành Chương trình phát triển kinh tế biên giới tỉnh An Giang, trong 2 năm trở lại đây, kinh tế của 5 huyện, thị xã biên giới (Châu Đốc, Tân Châu, An Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn) tăng trưởng khá cao trong cơ cấu kinh tế tỷ trọng thương mại-dịch vụ đạt và vượt ngưỡng 50%. Nhiều loại hình dịch vụ như hệ thống phân phối, cửa hàng, kho hàng, vận chuyển... rất phát triển. Từ sau khi có hiệp định về thanh toán (sử dụng bản tệ, ngoại tệ tự do chuyển đổi và tiền đồng), mạng lưới thu đổi ngoại tệ các chi nhánh ngân hàng cấp I đã hình thành tại các khu kinh tế cửa khẩu (KTCK), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giao dịch tài chính, thanh toán quốc tế.

Chợ biên giới Tịnh Biên (An Giang) vừa được nâng cấp khá khang trang. 

Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Trong khi nước ta thiếu gạo để xuất khẩu thì nông dân nước bạn Campuchia lại thiếu đầu mối để xuất khẩu, chúng tôi đang đề xuất với Chính phủ ban hành chính sách tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng gạo, nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, mặt khác cũng nhằm giúp nông dân nước bạn bán được lúa gạo với giá cao hơn. Nếu đề xuất này được Chính phủ chấp thuận, thì hoạt động thương mại biên giới của tỉnh An Giang sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới”.

Tại hội nghị về “Phát triển Thương mại Biên giới Việt Nam-Campuchia” do Bộ Công Thương tổ chức tại tỉnh An Giang gần đây, theo nhiều đại biểu, sự phát triển vượt bậc KTCK của An Giang cũng là bức tranh chung cho hầu hết các khu KTCK biên giới giáp Campuchia hiện nay. Tuy nhiên, đại diện của các địa phương cũng cho rằng: Theo quy định, các cửa khẩu phụ chỉ giải quyết cho cư dân tại chỗ qua lại trao đổi trực tiếp hàng hóa (chủ yếu là phục vụ tiêu dùng trong gia đình) chứ không cấp thủ tục xuất, nhập cảnh là chưa phát huy được hoạt động thương mại ở các cửa khẩu phụ. Mặt khác, do sự đầu tư thiếu đồng bộ, làm cho nhiều khu KTCK lâm vào khó khăn. Điển hình như ở khu KTCK Quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp). Sau thời gian được đầu tư nâng cấp , đầu năm 2007 cửa khẩu Quốc gia Dinh Bà đã được Chính phủ công nhận là cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà. Thế nhưng, hơn một năm qua, phía nước bạn Campuchia vẫn chưa triển khai hạng mục đầu tư phối hợp. Vì vậy, khu KTCK này vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Các cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang) và một số cửa khẩu khác cũng gặp tình trạng tương tự.

Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng: Phát triển thương mại biên giới không chỉ nâng cao đời sống nhân dân đang sinh sống dọc theo biên giới, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc, hai quốc gia Việt Nam-Campuchia. Trên tinh thần lợi ích song phương, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có những đề xuất với Chính phủ trong ban hành hành lang pháp lý thông thoáng hơn, cũng như xúc tiến hợp tác chặt chẽ hơn với Bộ Thương mại Campuchia, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển thương mại biên giới của cả hai nước.

Trong điều kiện khung hành lang pháp lý được xây dựng thông thoáng hơn, các hiệp định về cắt giảm thuế quan cũng được áp dụng, hoạt động biên mậu hứa hẹn sẽ sôi động hơn. Theo biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Campuchia, đến 2010, kim ngạch mậu dịch biên giới giữa hai nước sẽ đạt 2,3 tỉ USD và đến 2015 đạt 6,5 tỉ USD.

Huỳnh Văn

Chia sẻ bài viết