Bài, ảnh: MỸ HOA
TP Cần Thơ tập trung mọi nguồn lực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), qua 9 tháng năm 2022, các lĩnh vực kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ, đưa Cần Thơ đứng đầu về tốc độ tăng trưởng (GRDP) trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Với tín hiệu tích cực này sẽ tạo động lực cho thành phố thực hiện hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu KT-XH cả năm 2022.
Hoạt động kinh doanh, bảo dưỡng ô tô tại Toyota Ninh Kiều, quận Ninh Kiều.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Các hoạt động KT-XH của thành phố phục hồi mạnh mẽ, tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tính theo giá hiện hành cao hơn so với bình quân của cả nước là 8,83%, đưa Cần Thơ đứng đầu tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL, với vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 21.944 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng so với cùng kỳ, trong đó khu vực dịch vụ đã trở thành điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của thành phố, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 86.166 tỉ đồng, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, về thu - chi ngân sách nhà nước; xuất - nhập khẩu; lương thực - thực phẩm; đảm bảo điện - nước, xăng dầu; cung - cầu lao động… tạo đà cho thành phố tăng trưởng, phục hồi phát triển KT-XH hiệu quả trong 9 tháng năm 2022.
Thành phố đẩy mạnh các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh ổn định. Hiện, nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và cá nhân trên địa bàn thành phố đạt 103.400 tỉ đồng và dư nợ cho vay ước đạt 137.800 tỉ đồng, tăng hơn 14% so với đầu năm 2022; tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng ở mức thấp, chỉ chiếm 1,52%/tổng dư nợ cho vay. Các hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu được đảm bảo ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố; công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ, chăm lo sức khỏe nhân dân cùng các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm thực hiện; công tác trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững.
Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong bức tranh phát triển KT-XH qua 9 tháng năm 2022, song thành phố vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa đạt như kỳ vọng và mục tiêu đề ra. Chẳng hạn đến nay tiến độ giải ngân vốn đầu công toàn thành phố mới đạt 41% so với kế hoạch đề ra; lĩnh vực thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; công tác chuyển đổi số của thành phố chưa có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác quỹ đất, định giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án còn nhiều tồn tại, bất cập. Công tác điều chỉnh quy hoạch chung, kế hoạch sử dụng đất triển khai chậm so với tiến độ...
Ðể hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH cả năm 2022, nhất là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế so với chỉ tiêu đề ra, ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, cho biết: Trong quý IV-2022, TP Cần Thơ sẽ dồn lực thực thi tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Ðó là đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công, tăng cường theo dõi và kịp thời đề xuất các cấp thẩm quyền điều chuyển vốn sang đơn vị và dự án giải ngân tốt, đảm bảo tỷ lệ giải ngân của thành phố đạt trên 95% kế hoạch năm 2022. Tăng cường công tác kiểm tra, giải quyết công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân đảm bảo đúng pháp luật; sớm bàn giao mặt bằng thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu, công trình trọng điểm. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường thuận lợi để duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Từ đây tới cuối năm 2022, Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ phối hợp với các sở, ngành hữu quan tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu, phục vụ người dân; tổ chức rà soát, kiểm tra tình hình dự trữ hàng hóa của doanh nghiệp tham gia "Chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán năm 2023". Tập trung thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh sản xuất gắn với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Từ đây tới cuối năm 2022, thành phố tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch của các chủ đầu tư; kiên quyết thu hồi và điều chuyển kế hoạch vốn đã bố trí đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi, đổi mới sáng tạo… Cùng đó, triển khai có hiệu quả chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; đảm bảo công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế theo quy định và chiến lược tiêm vaccine. Triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo cho các đối tượng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023; triển khai đồng bộ, toàn diện công tác phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông… trên địa bàn thành phố.