09/04/2009 - 21:24

Trị loét miệng theo y học cổ truyền

• BSCKI Vũ Đình Quỳnh
Bệnh viện Y học cổ truyền TP Cần Thơ

Loét miệng, theo y học cổ truyền bao hàm các chứng: Khẩu sương, Khẩu mi, Khẩu cam. Để chữa trị bệnh này, trên lâm sàng chia hai thể: Thực hỏa và hư hỏa.

Ngọc trúc

Hoàng bá

Mạch môn

* Thực hỏa: do hỏa độc ở tâm tỳ sinh ra

- Triệu chứng: vết loét sưng, đỏ, đau, nóng rát hoặc có mủ. Miệng hôi, khô miệng. Lưỡi đỏ, rêu vàng, tiểu đỏ, tiêu phân bón. Mạch hồng sác.

- Phép trị: thanh nhiệt tả hỏa ở tâm tỳ

- Bài thuốc: Đạo xích tán gia giảm: Sinh địa 20g, Mộc thông 8g, Trúc diệp 12g, Thạch cao 40g, Ngọc trúc 12g, Huyền sâm 12g, Lô căn 20g, Tri mẫu 12g, Thăng ma 8g, Cam thảo 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

* Hư hỏa: do Vị âm hư, Thận âm hư, tân dịch giảm sinh ra

- Triệu chứng: các vết loét sưng đỏ, đau nhẹ. Đôi khi có chảy máu ở vết loét. Mỗi khi sức khỏe giảm hoặc khi mệt mỏi, bệnh dễ tái phát. Mạch tế sác.

- Phép trị: Dưỡng âm thanh nhiệt.

- Bài thuốc: dùng một trong hai bài sau:

+ Bài 1: Sa sâm 12g, Mạch môn 12g, Hoàng bá 12g, Tri mẫu 8g, Sinh địa 16g, Ngọc trúc 12g, Huyền sâm 12g, Cỏ mực 12g, Đơn bì 8g, Cam thảo 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

+ Bài 2: Lục vị tri bá thang gia vị: Sinh địa 16g, Sơn thù 8g, Hoài sơn 12g, Trạch tả 8g, Đơn bì 8g, Bạch phục linh 8g, Hoàng bá 12g, Tri mẫu 8g, Huyền sâm 8g, Bạch thược 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Ngoài ra, còn có thể điều trị loét miệng theo bài Băng bằng tán: Băng phiến 2g, Bằng sa 20g, Chu sa 2,4g, Huyền Minh phấn 20g. Các vị trên tán bột mịn, mỗi lần dùng 1-2g, bôi trên vết loét 3-4 lần/ ngày.

Trên đây là quan điểm điều trị loét miệng theo y học cổ truyền. Thiết nghĩ, bệnh ở miệng cũng do từ miệng mà sinh ra. Vì vậy, để phòng bệnh và tránh tái phát, nên giữ vệ sinh răng miệng tốt, đồng thời, ăn uống điều độ, ăn nhiều rau, quả, hạn chế rượu bia và thức ăn cay, béo, ngọt...

Chia sẻ bài viết