22/12/2019 - 06:48

Trên mặt trận Cần Thơ năm ấy 

Bài, ảnh: NGUYỄN HIỆP 
 


Anh hùng lực lượng vũ trang TRẦN CÔNG BẰNG

Trần Công Bằng (tên thường gọi Tám Bằng), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, quê Giá Rai, Bạc Liêu. 15 tuổi, tham gia đánh Pháp, 21 năm đánh Mỹ, anh đã chiến đấu trên 250 trận, có 182 trận đánh với địch từ cấp đại đội trở lên. Qua 24 lần thương tật, anh bị cụt bàn tay trái, gãy xương tay phải, gãy xương đùi, vỡ sọ não, đứt 5 khúc ruột và hàng trăm vết thương nhỏ khác. Còn nhiều mảnh đạn trong người, sức sống của anh chỉ còn 11%. Đi vào lửa đạn, tên anh đã gắn với nhiều chiến công lịch sử.

Mùa xuân 1968, quân giặc đánh mạnh vào vùng nông thôn giải phóng. Đơn vị của anh Tám đã lập chiến công lớn, đánh tiêu diệt sân bay Lộ Tẻ Cần Thơ. Đứng bên bờ công sự, anh đưa mắt lên vòm trời đầy sao. Pháo từ các phía làm rung chuyển đất trời. Sau 7 phút điểm hỏa, cứ điểm sân bay bị ngập chìm trong biển lửa. Đơn vị của anh Tám đã làm tan xác trên 60 máy bay Mỹ. Trong đó 18 trực thăng vũ trang, 2 trực thăng kéo pháo, 5 đa cô ta, 32 phản lực và đầm già (4-19). Phá hủy 1 kho bom, 2 kho nhiên liệu. Hàng trăm xe pháo cùng quân lính đóng giữ sân bay đã bị tiêu diệt.

Sân bay Lộ Tẻ Cần Thơ bị mất, giặc phản kích ác liệt. Anh Tám đã bị thương gãy xương đùi chân phải. Một ngày nằm lại bên ụ trực thăng, chịu với nắng lửa, đói khát anh cảm thấy sao lâu như thể một năm! Vết thương sưng căng đau nhức. Đêm đến, anh bò ra được 12 lớp rào gai thì trời sáng. Rồi tiếp tục bò đi qua hết 25 vòng rào gai, mương hào đầy chông và mìn. Cứ thế, đêm đi ngày ém lại, anh cố sức lặn lội để tìm đến các điểm hẹn, nhưng chỉ một thân anh còn sót lại trên chiến trường. 15 ngày sau hậu cứ sân bay, thân anh gầy như que củi, còn một chân với một tay vẫn phải lao động kiếm sống. Thức ăn của anh là những cây chuối nhỏ, cái chân gãy cứ bám theo như con vật chết. Qua những cơn sốt mê man, chập chờn, làm anh nhớ lại buổi đầu cùng người yêu nên vợ nên chồng chưa được 4 hôm thì lên đường chiến đấu. Sau hơn 3 tháng gặp lại người vợ trẻ thì mình đã mất hết một bàn tay, các anh và chị của mình phải đi ở đợ cho bọn chủ điền, vào lửa đạn lần này đầy gian lao thử thách! Đang trong mơ bỗng đâu có xuồng ai khua động, anh vừa mừng cũng vừa lo, cái gì đến rồi sẽ đến, nếu là đối thủ, thì phần thắng không thuộc về mình. Nhìn qua lau sậy lưa thưa, anh nhận ra tên lính ngụy trong sắc áo vàng lờ mờ, hắn trên con xuồng nhỏ, chở nhiều lọp, đi khuất dần về phía sân bay. Càng suy nghĩ “giữa cái sống và cái chết”, rồi anh Tám quyết định phải gặp hắn tại đây...

Ba hôm sau hắn trở lại, cũng trên con xuồng nhỏ, anh quay nòng súng bám vào mục tiêu... xuồng hắn dừng lại bên cái lọp – giây phút căng thẳng, anh Tám gọi to: “Anh ơi”. Hắn giật nảy người, lảo đảo... Anh Tám nói tiếp: “Anh sờ tay vào bao súng, tôi sẽ siết cò, tôi xin hứa giữ mạng sống cho anh. Tôi chỉ nhờ anh một việc nhỏ”. Hắn bất động như kẻ mất hồn... “Tôi là giải phóng quân, đánh vào sân bay, đã bị thương nặng không thể sống được nhưng trước khi tôi chết, phải để lại cho người đang sống việc gì có lợi. Còn bây giờ chúng ta là người Việt Nam... vậy anh hãy đến lấy súng tôi rồi bắn tôi, sau đó anh đi lập công với giặc để nuôi vợ con anh”. Với giọng cứng rắn, anh Tám bảo với hắn nhiều lần. Tên trung úy “Không quân” vẫn đứng lặng người, rồi những giọt nước mắt của hắn từ từ lăn dài xuống mặt. Suy nghĩ giây lâu, anh Tám nói tiếp: “Nếu anh không giết tôi, hay là anh phải cứu tôi”. Tên trung úy như chợt nhớ lại điều gì: “Vâng, vâng tôi phải cứu anh, anh cần phải sống”...

Gió từ đồng nội thổi về, làm xóa đi những căng thẳng, họ càng hiểu nhau hơn, cả hai người cùng một tuổi. Qua thời học sinh, hắn lớn lên trong gia đình lao động ở Sài Gòn, rớt đại học phải đi sĩ quan rồi về giữ kho ở sân bay này.

Là một sĩ quan ngụy quân, tâm hồn của T. như đã bị giam hãm với những chuỗi ngày lạc lõng trong vòng kẽm gai bao bộc lạnh lùng. Ngày đầu được tiếp xúc với một chiến thương quân giải phóng. T. đã tự thấy mình sao quá bé nhỏ. Tình hình chiến sự trên khắp miền Nam ngày càng diễn ra bất lợi, làm cho T. phải nghĩ đến cuộc sống tự do.

Hôm nay, T. đi thăm lọp sớm hơn mọi khi, dừng xuồng trên điểm hẹn, vắng lặng, T. chống xuồng đi, rồi chống xuồng lại mấy vòng, không lẽ... anh ấy đã... T. gọi to: “Bằng ơi! Anh Bằng ơi!”. Nãy giờ anh Tám quan sát kỹ: “Tôi đây, tôi đây... xin lỗi anh, tôi dời điểm khác, đời lính luôn cảnh giác, mong anh thông cảm”. T. rời xuồng, ôm anh Tám đi tìm nơi khô ráo. Vết thương đã hơn 20 ngày vẫn còn quấn chặt trong tấm vải ngụy trang. Cuộc “giải phẫu” chỉ có hai người. Rồi T. trao thêm cho anh Tám áo quần và thuốc điều trị, với 10 hộp sữa do vợ T. đã luộc chín, đề phòng bất trắc anh Tám có thể sử dụng được nhiều ngày. Anh Tám được chăm sóc sau hậu cứ đến khi ổn định.

Sáng hôm đó, T. cải trang đi phép về Sài Gòn, trên chiếc xuồng nhỏ được phủ kín. T. lội kéo xuồng đưa anh Tám đi tắt để tránh qua 3 đồn giặc. Qua bờ, qua mương, qua những đồng lúa chín vàng. Nhìn T. đẫm mồ hôi, anh Tám càng xúc động, “sao mà yêu thương nhau như tình đồng chí”... xuồng dừng lại bên bờ kinh nhỏ, T. nói: “Ta đã đến vùng mất an ninh và anh hãy ở đây, khi mặt trời xuống sẽ được gặp những người phía bên kia”. Họ ôm nhau lần sau cùng, anh Tám nghe trong mắt mình đã cay cay.

Ngày giải phóng Cần Thơ, anh Tám đi tìm T. khắp nơi, ơn đền nghĩa trả, giữ trọn thủy chung... anh Tám xin lãnh T. ra khỏi trại cải huấn, rồi đề nghị Nhà nước tặng thưởng cho người lính ấy.

Cà Mau, ngày 20 tháng 11 năm 2019

Chia sẻ bài viết