27/05/2019 - 13:54

Trẻ em Trung Quốc béo phì, ngành thời trang “hốt bạc” 

Báo cáo mới đây do Viện  Sức khỏe Trẻ em và vị thành niên thuộc Đại học Bắc Kinh phối hợp với nhiều tổ chức khác thực hiện cho thấy 19,4% trẻ em Trung Quốc tuổi từ 7-18 bị thừa cân hoặc béo phì trong năm 2014, tăng gấp nhiều lần so với mức chỉ 2,6% năm 1985.  Dự kiến đến năm 2030, 28% trẻ em Trung Quốc sẽ bị thừa cân hoặc béo phì, khiến cho quốc gia đông dân nhất thế giới “đau đầu”. Song, tình trạng này lại được xem là cơ hội dành cho ngành công nghiệp thời trang.

Trẻ em Trung Quốc nỗ lực giảm béo. Ảnh: CBSNews

Trẻ em Trung Quốc nỗ lực giảm béo. Ảnh: CBSNews

Theo đó, các nhà bán lẻ sẽ “hốt bạc” trong ngành thời trang dành cho trẻ em Trung Quốc. Trong đó, thị trường quần áo dành cho trẻ em béo phì dự kiến trị giá khoảng 9,1 tỉ USD vào năm 2020. Hazel Clark, giáo sư nghiên cứu về thiết kế và thời trang tại Trường Thiết kế Parsons (Mỹ) cho biết, các nhà bán lẻ Trung Quốc ăn nên làm ra một phần là nhờ vào bán hàng trực tuyến. “Hiện rất nhiều người chuộng mua sắm trực tuyến. Một nhà bán lẻ do đó có thể thiết lập một thương hiệu quần áo trẻ em cỡ lớn trên mạng và có thể hoạt động hiệu quả hơn so với việc phải mở một cửa hàng truyền thống trong bối cảnh giới trung và thượng lưu ở Trung Quốc đổ xô mua hàng trực tuyến” – bà Clark nói. Ước tính, năm 2018, hơn 610 triệu người ở Trung Quốc mua hàng trực tuyến, cao hơn nhiều so với con số chỉ 74 triệu người vào năm 2008.

Charlie Poon, chuyên gia phân tích Hong Kong làm việc tại công ty nghiên cứu thị trường Coresight Research, nói rằng trong khi các nhà bán lẻ quy mô lớn Trung Quốc dường như chưa mặn mà đối với mặt hàng thời trang dành cho trẻ em béo phì thì một số nhà bán lẻ quy mô nhỏ và vừa đã bắt đầu chiếm thị phần khi “tận dụng thị trường thời trang quá khổ ở Trung Quốc”.

Béo phì trẻ em do lỗi của ông bà?

Tình trạng trẻ em béo phì ở Trung Quốc hiện nay được cho là lỗi của ông bà, việc tăng thu nhập cũng như thói quen ăn uống không lành mạnh. Nhiều người già Trung Quốc phải trải qua thời kỳ nghèo đói và thiếu lương thực, do đó họ có thể không muốn con cháu mình rơi vào tình cảnh tương tự. “Bây giờ họ có nhiều tiền tiêu xài hơn, vì vậy họ muốn có nhiều thực phẩm hơn. Họ đang có nhận thức sai lầm về việc ăn uống lành mạnh. Không những vậy, trong cách họ nấu ăn, họ thường thêm nhiều chất béo, đường và dầu ăn, tất cả đều góp phần làm gia tăng lượng calorie trẻ tiêu thụ” - Bai Li, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Ứng dụng thuộc Đại học Birmingham (Anh), cho hay.

 Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, mức chi tiêu hàng năm/người dành cho thực phẩm đối với các hộ gia đình Trung Quốc ở thành thị đã tăng gấp 10 lần trong gần 3 thập kỷ, đạt hơn 1.000 USD vào năm 2017 so với 103,5 USD hồi năm 1990. Chính việc tiêu thụ nhiều thực phẩm hơn cùng với việc ít hoạt động thể chất, chỉ số khối cơ thể của trẻ em Trung Quốc ngày càng tăng lên. “Trước đây trẻ em thường dành nhiều thời gian hơn để chơi ngoài môi trường. Hiện nay chúng tiêu tốn thời gian ở trong nhà, trước màn hình tivi và máy tính. Hơn nữa, hiện có rất nhiều chuỗi thức ăn nhanh được mở ra tại Trung Quốc và người Trung Quốc rất dễ tiếp cận và thích các loại thức ăn nhanh này” – bà Li cho biết thêm.

Tuy nhiên, không chỉ ở Trung Quốc, vấn nạn béo phì ở trẻ em đang tăng nhanh trên khắp thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới gọi béo phì trẻ em là "một trong những thách thức sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21". 

TRÍ VĂN (Theo CBSNews, CNN)

Chia sẻ bài viết