18/11/2017 - 19:17

Ông Hồ Khải Hoàng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội C23 Tiểu đoàn Tây Đô 1

Trận đánh mở màn 

Năm 1959, lộ Vòng Cung gồm có 6 xã là Giai Xuân, Long Tuyền, Mỹ Khánh, Tân Thới, Phước Thới và Thới An Đông. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, chú ruột tôi tham gia trong kháng chiến 9 năm chống Pháp, làm cơ sở bí mật, bị địch bắt đánh đập, giam ở nhà tù Phú Lợi nên tôi sớm giác ngộ cách mạng. Khi được anh em vận động vào Đội Du kích xã, tôi đồng ý ngay.

Đội Du kích xã lúc bấy giờ do ông Trần Văn Voi là xã đội trưởng. Lực lượng của Đội chỉ có 10 người, được trang bị 3 khẩu súng, còn lại là mã tấu. Khi đã thành lập được lực lượng du kích, chủ trương của trên là phải đánh được trận mở đầu cho tuyến lộ Vòng Cung. Do lúc đó, lực lượng của đội mỏng và chỉ có 3 khẩu súng nên đội lên kế hoạch phải phối hợp với đội du kích của xã giáp ranh Thới An Đông (gồm 6 người và được trang bị 3 khẩu súng). Khi đó, chúng tôi hoạt động nửa công khai, nửa bí mật. Cứ đêm xuống là chúng tôi phát loa kêu gọi anh em binh sĩ trở về với cách mạng, đến chạng vạng sáng thì rải truyền đơn để nắm quy luật đi lại của địch. Khi đó, cơ sở mật của ta báo tình hình: sau khi ta rải truyền đơn thì khoảng 6 giờ sáng địch sẽ xuống thu lượm truyền đơn. Ta thực hiện 4, 5 lần như vậy để nắm giờ giấc và số quân địch đi thu lượm truyền đơn. Trên cơ sở này, du kích của 2 xã so sánh tương quan lực lượng và lên kế hoạch, phương án tác chiến. 

Tôi còn nhớ trận đánh diễn ra vào một ngày trong tháng 7 âm lịch năm 1960. 12 giờ đêm, du kích của 2 xã kết hợp đưa quân mai phục ở khu vực Vàm Kinh. Khi đó lực lượng chia ra tổ mai phục phía sau và tổ chính diện. Tổ chính diện có 3 đồng chí được trang bị súng, gồm: đồng chí Phạm Văn Hạp (tự Năm Chim), đồng chí Sỹ và đồng chí Trưng. Theo lệnh của chỉ huy, khi nào địch cách nơi mai phục khoảng 3m thì tổ chính diện mới được nổ súng. Tôi cùng các anh em ở phía sau rất hồi hộp, nằm rạp người xuống ruộng vì đây là trận đánh mở màn cho khu vực lộ Vòng Cung sau đình chiến năm 1954. Chờ đợi suốt một đêm, ngâm mình dưới sình bùn, mặc cho muỗi đốt, dù có chút buồn ngủ nhưng anh em vẫn cố gắng căng mắt quan sát động tĩnh. Trời tờ mờ sáng, cảm giác chờ đợi, hồi hộp càng tăng lên, tim tôi đập loạn xạ. 6 giờ sáng, chưa thấy địch xuống nhặt truyền đơn, anh em bắt đầu lo lắng. Chỉ huy ra lệnh tiếp tục mai phục đến 7 giờ sáng nếu địch không xuống thì rút lui. Sau một đêm căng mắt chờ đợi, cơn buồn ngủ bắt đầu kéo đến thì đúng 6 giờ 30 phút, tiếng của tên chỉ huy địch vang lên: “Hồi hôm Việt cộng rải truyền đơn hồi nào…”. Chúng tôi bừng tỉnh, quan sát. Địch từ đồn Giáo Dẫn kéo xuống một tiểu đội khoảng 10 tên. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia đánh giặc, dù hãnh diện nhưng không khỏi hồi hộp, bụng dạ cứ bồn chồn lo lắng. Khi địch cách nơi phục kích khoảng 3m, tổ chính diện nổ súng, tên chỉ huy của địch bị trúng đạn ngã xuống, nhưng vẫn bắn trả lại làm đồng chí Hạp bị thương vào chân. Tổ chính diện tiếp tục nổ súng hạ tên chỉ huy. Nghe tiếng súng hòa lẫn mùi thuốc súng, tôi cùng anh em như được tiếp thêm sức mạnh, quên hết những lo lắng, vùng dậy cầm mã tấu tấn công địch khi có lệnh xung phong và hạ được thêm 2 tên. Bị bất ngờ, những tên địch còn lại hoảng hốt chạy tán loạn. Trận đánh này, Đội thu được thêm 3 khẩu súng. 

Sau khi trận đánh kết thúc, dù chúng tôi tận tình chăm sóc vết thương và tìm cách đưa đồng chí Hạp lên tuyến trên để điều trị thương tích, nhưng do địch vây ráp rất dữ nên 2 ngày sau chúng tôi mới đưa được đồng chí Hạp đến nơi điều trị. Khi đó, chân của đồng chí Hạp đã bị nhiễm trùng, phải cắt mất chân bị thương.

Trận đánh này là trận đánh đầu tiên của ta sau đình chiến năm 1954, lại đánh thắng nên tạo được khí thế phấn khởi trong nhân dân. Trận đánh này tuy không lớn lắm nhưng đã mở màn cho phong trào cách mạng ở các xã lộ Vòng Cung, thu hút được nhiều người dân tham gia phá ấp chiến lược và mở màn cho trận lộ Vòng Cung. Sau trận đánh này, địch có phần co cụm lại, ta có điều kiện mở rộng vùng kháng chiến.  

 LAN PHƯƠNG (ghi)

Chia sẻ bài viết