21/06/2012 - 14:22

Trái sơn tra

Trái sơn tra.

Sơn tra (hay còn gọi là Táo Mèo) là cây trồng kinh tế của người Mông sau cây lúa nước trồng trên ruộng bậc thang. Xưa là cây mọc hoang, đến nay sơn tra trở thành cây trồng đặc trưng mà người Mông gọi đó là cây “xóa đói giảm nghèo”.

Đến Mù Cang Chải và các vùng lân cận, đâu đâu cũng thấy trái sơn tra. Người Mông bản địa dùng trái sơn tra để chế biến thành những vị thuốc trị bệnh và hiện được nhiều người tin dùng. Trái sơn tra đem ngâm rượu, ngâm đường và làm giấm là đặc sản địa phương được nhiều du khách ưa chuộng.

Mùa này, sơn tra đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, kéo dài cho đến tháng 10. Vào mùa, người ta bày bán sơn tra ở khắp mọi nơi, từ chợ búa đến bản làng. Được biết, mỗi năm, người Mông ở Mù Cang Chải thu hoạch được khoảng 3.000-3.500 tấn trái sơn tra, giá trị tương đương hơn 4.000 tấn lúa. Nhiều người Mông chế biến sơn tra thành các vị thuốc hoặc phơi khô để tăng giá trị sản phẩm, thay vì chỉ bán trái tươi.

Sơn Tra hiện là một vị thuốc trong Đông y. Các lương y dùng sơn tra bổ sung vào các thang thuốc, giúp người bệnh tiêu hóa thức ăn tích trệ, giảm cholesterol, bảo vệ gan, hạ huyết áp, chống ôxy hóa... Nhiều người dùng trái sơn tra ngâm rượu trắng để uống như một loại rượu thuốc giúp tiêu hóa tốt. Ăn sơn tra hoặc sắc nước uống có thể chữa được bệnh gan nhiễm mỡ, chữa cao huyết áp và mỡ trong máu. Không ít người muốn giảm cân, chữa béo phì bằng cách nấu sơn tra lấy nước uống như nước trà vì người ta cho rằng, dùng sơn tra nấu trong thức ăn, nấu nước uống... thường xuyên sẽ ngăn ngừa được bệnh liên quan đến trực tràng, bàng quang. Tuy nhiên, các thầy thuốc khuyên bệnh nhân không nên tự tiện dùng mà phải qua tư vấn của chuyên môn để sử dụng sơn tra hiệu quả.

Bài, ảnh: VY TƯỜNG

Chia sẻ bài viết