(CT) - Ngày 16 và 17-7-2024, Hội đồng xét xử - Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo: Trần Tiến Lực (sinh năm 1987, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng là nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á), Phạm Ngọc Thùy (sinh năm 1987, ngụ phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) và Đỗ Thị Yến Phương (sinh năm 1990, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cùng là nhân viên xét nghiệm của Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ về tội tham ô tài sản. Qua quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ số tiền các bị cáo chiếm đoạt.
Bị cáo Trần Tiến Lực tại phiên tòa sơ thẩm
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Cần Thơ, từ năm 2017 đến năm 2021, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ sử dụng kit xét nghiệm kèm hóa chất để xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C... do Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất, theo gói thầu mua sắm tập trung do Sở Y Tế TP Cần Thơ tổ chức đấu thầu rộng rãi mà Công ty Việt Á trúng thầu.
Năm 2017, Lực thông tin với Thùy và Phương nếu quá trình xét nghiệm có tiết kiệm được hóa chất thì Công ty Việt Á sẽ hỗ trợ mua lại. Từ gợi ý của Lực, Phương và Thùy bàn bạc cùng nhau tính toán số lượng kít và hóa chất đi kèm dùng làm chứng âm, chứng dương, dôi, dư khi xét nghiệm để chiếm đoạt tiền của bệnh viện. Theo quy trình xét nghiệm sinh học phân tử, ngoài việc sử dụng kit xét nghiệm tương ứng với từng loại bệnh, còn phải sử dụng 1 kit chứng âm, 1 kit chứng dương (kit chứa mẫu bệnh đã biết kết quả âm tính, dương tính) và những hóa chất đi kèm khác trong một lần thực hiện xét nghiệm. Với loại máy móc của phòng xét nghiệm, Phương và Thùy báo cho Lực biết có thể tiết kiệm được. Cả ba sau đó thống nhất cách thực hiện.
Cụ thể, cuối tháng khi kiểm tra kho và dự trù mua sắm cho tháng tiếp theo, Thùy, Phương dự trù số lượng kit và hóa chất cần sử dụng cộng thêm số lượng kit và hóa chất tương ứng với số lượng dôi dư báo cáo về bộ phận liên quan đặt hàng từ Công ty Việt Á. Sau đó, Thùy, Phương thông tin cho Lực biết đơn hàng có bao nhiêu kit và hóa chất hàng thật, bao nhiêu kit và hóa chất hàng khống để Lực chuyển về Phòng kinh doanh Công ty Việt Á, ghi chú số lượng hàng khống để phòng chuyển đến bộ phận sản xuất hàng giống hàng thật nhưng bên trong là nước lọc, có đánh dấu để Phương, Thùy biết.
Khi Công ty Việt Á giao hàng, những người tham gia kiểm và nhận hàng gồm nhân viên Khoa Dược, bộ phận kế toán khoa Dược, nhân viên Khoa xét nghiệm thường là Phương và Thùy. Hàng nhận xong giao cho Phương, Thùy thì cả hai đưa vào tủ đông của phòng xét nghiệm sinh học phân tử, hàng khống thì cả hai lấy bỏ đi. Từ đó, các bị can thống nhất cách thực hiện, bằng cách đưa vào đơn hàng mua sắm của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ số lượng kit và hóa chất xét nghiệm nhiều hơn số lượng cần sử dụng. Số lượng nhiều hơn đó được giao bằng hàng khống là nước lọc. Qua đó, Bệnh viện đã chi trả cho hàng khống với số tiền hơn 1,9 tỉ đồng, trong đó Công ty Việt Á giữ lại hơn 672 triệu đồng, chi trả lại cho Phương, Thùy thông qua Lực số tiền hơn 1,2 tỉ đồng.
Tại phiên toà bị cáo Phương và Thùy khai mỗi người chỉ nhận 400 triệu đồng, bị cáo Lực cho rằng không có hưởng lợi từ vụ việc. Các luật sư bảo vệ cho các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh cũng như làm rõ số tiền các bị cáo chiếm đoạt. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Tin, ảnh: H.Y