12/09/2015 - 09:17

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG TÒA ÁN NHÂN DÂN (13/9/1945 - 13/9/2015)

Tòa án nhân dân Cần Thơ - 40 năm xây dựng và trưởng thành

* Nguyễn Thanh Thiên
Chánh án TAND thành phố Cần Thơ

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là bước ngoặt lịch sử của dân tộc ta, xóa bỏ ách thống trị của chế độ phong kiến và thực dân Pháp xâm lược, mở ra kỷ nguyên mới đối với đất nước ta - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều sắc lệnh về xây dựng bộ máy nhà nước, trong đó có Sắc lệnh số 32 ngày 13/9/1945 bãi bỏ hai ngạch quan hành chính và quan tư pháp, Sắc lệnh số 33c ngày 13/9/1945 thiết lập ngay các Tòa án quân sự trên 3 miền với nhiệm vụ "xét xử tất cả người nào phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trừ trường hợp phạm nhân là binh sĩ thì thuộc về nhà binh tự xử lấy theo quân luật", đã đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án nước ta. Từ đó đến nay, Tòa án nhân dân (TAND) đã trải qua những bước phát triển khác nhau, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn đặt ra trong từng giai đoạn lịch sử.

Đồng chí Phạm Gia Túc, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ thừa ủy nhiệm Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Ba cho TAND quận Bình Thủy.

Trong bối cảnh miền Bắc được giải phóng bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, một số phần tử phản cách mạng tăng cường hoạt động chống phá; những phần tử bất mãn, cơ hội, biển thủ của công, xâm phạm tài sản công dân, hiếp dâm xảy ra nhiều, các Tòa án quân sự, Tòa án binh đã đưa ra xét xử nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng và xét xử nhiều vụ án hoạt động biệt kích, gián điệp, góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng miền Bắc. Các Tòa án quân sự ở miền Nam với danh nghĩa Tòa án quân sự cách mạng, Tòa án quân sự mặt trận được tổ chức và hoạt động xét xử trên khắp các chiến trường, kịp thời trừng trị bọn ác ôn và những phần tử gây tội ác với nhân dân.

Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất nước nhà. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tòa án quân quản ở một số địa phương được hình thành và thực hiện nhiệm vụ xét xử trong một khoảng thời gian nhất định nhằm trừng trị các phần tử có nợ máu với cách mạng và nhân dân, thiết lập trật tự trị an, góp phần xây dựng chính quyền mới.

Tháng 11 năm 1976, Nhà nước lần lượt thành lập hệ thống TAND ở các tỉnh phía Nam, trong đó có TAND tỉnh Hậu Giang - tiền thân của TAND thành phố Cần Thơ ngày nay. Ngay trong những ngày đầu thành lập, TAND tỉnh Hậu Giang được tiếp quản Pháp đình cũ làm trụ sở làm việc (chung với cơ quan Viện kiểm sát). Lúc bấy giờ, biên chế cán bộ TAND tỉnh rất ít, bao gồm các đồng chí trong kháng chiến được cử sang làm công tác xét xử và một số cán bộ được tăng cường, biệt phái từ miền Bắc vào, cùng với một vài nhân viên có thời gian làm việc Tòa án chế độ cũ được giữ lại công tác. Tiếp đó, Tỉnh ủy điều động một số cán bộ từ Công an, quân đội, cơ quan nhà nước đến nhận nhiệm vụ tại Tòa án, đồng thời tuyển dụng thêm cán bộ trẻ để đào tạo, bồi dưỡng căn bản hơn về nghiệp vụ và đã trở thành nguồn nhân lực quan trọng sau này.

Năm 1992, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, tỉnh Hậu Giang chia tách thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng. Sau khi chia tách, biên chế TAND hai cấp của tỉnh Cần Thơ lại càng thiếu hụt. Cuối năm 1992, theo Hiến pháp mới chuyển sang chế độ bổ nhiệm Thẩm phán; tiêu chuẩn về chuyên môn đối với Thẩm phán cũng có thay đổi, trong khi trình độ chuyên môn của cán bộ TAND Cần Thơ chưa được chuẩn hóa. Năm 2000, số đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Cần Thơ tăng thêm 2 (huyện Vị Thủy và Châu Thành A), nhưng cán bộ Tòa án không được bổ sung bao nhiêu. Gần cuối năm 2003, Sở Tư pháp tỉnh Cần Thơ đã bàn giao công tác tổ chức các Tòa án cấp huyện sang TAND tỉnh. Cũng từ đây việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND địa phương lại có sự thay đổi, do Chánh án TAND tối cao bổ nhiệm.

Tại kỳ họp cuối năm 2003, Quốc hội khóa XI đã ra Nghị quyết về việc chia tách tỉnh Cần Thơ thành lập mới tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương; TAND hai cấp thành phố Cần Thơ lại có sự biến động lớn về tổ chức. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, TAND thành phố Cần Thơ đã không ngừng kiện toàn tổ chức, bổ sung biên chế, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu Thẩm phán kéo dài, nhất là ở cấp huyện. Đến nay, biên chế ngành Tòa án thành phố được tăng thêm và đã thực hiện đủ; trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên, nhiều đồng chí được đào tạo, bồi dưỡng cử nhân, cao cấp chính trị, thạc sĩ luật học. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý TAND hai cấp được kiện toàn, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Về tổ chức bộ máy và thẩm quyền xét xử, lúc đầu TAND cấp tỉnh chỉ có 2 Tòa chuyên trách là Tòa Hình sự và Tòa Dân sự, từ ngày 01/7/1994 Trọng tài kinh tế sáp nhập vào Tòa án và thành lập thêm Tòa Kinh tế; ngày 01/7/1996 thành lập thêm 2 Tòa Hành chính và Lao động trực thuộc TAND cấp tỉnh. TAND cấp huyện có lúc chỉ được quyền xét xử các vụ án hình sự có khung hình phạt đến 7 năm tù; từ giữa năm 2004 lần lượt được tăng thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự và các loại án khác.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, thông qua Luật Tổ chức TAND năm 2014. Theo đó, hệ thống Tòa án đã thay đổi căn bản gồm 4 cấp (thay vì 3 cấp như trước đây); chức năng, nhiệm vụ của Tòa án được đề cao, vì lần đầu tiên xác định rõ TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có vai trò, vị trí đặc biệt trong bộ máy Nhà nước. Tái khẳng định các ngạch Thẩm phán đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm và nhiệm kỳ của Thẩm phán cũng có điều chỉnh, kể từ nhiệm kỳ thứ hai hoặc được nâng ngạch Thẩm phán thì nhiệm kỳ là 10 năm (thay vì 5 năm như trước đây).

Về công tác xét xử, chỉ tính từ ngày tái lập tỉnh Cần Thơ năm 1992 đến tháng 6 năm 2015, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Cần Thơ, thành phố Cần Thơ đã thụ lý, giải quyết trên một trăm ngàn vụ án các loại. Đáng chú ý là từ năm 1992 trở về sau không có xét xử vụ án xâm phạm an ninh quốc gia nào nghiêm trọng, tuy nhiên các tội phạm khác từng lúc xảy ra nhiều và rất nghiêm trọng. Dân chủ càng mở rộng nhiều loại việc người dân có quyền khởi kiện đến Tòa án để phân xử, TAND hai cấp đã xét xử nghiêm khắc những hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả lớn, khoan hồng đối với những người nhất thời phạm tội, biết ăn năn hối cải, đặc biệt là không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội nào. Đối với án dân sự, hôn nhân gia đình mỗi năm đều tăng, chủ yếu là tranh chấp đất đai, vay mượn tài sản; thời gian gần đây phát sinh nhiều vụ ly hôn với người nước ngoài…cũng được các Tòa án giải quyết khá kịp thời và đã kiên trì hòa giải thành khối lượng lớn án dân sự, đạt tỷ lệ cao. Ngoài việc xét xử tại trụ sở, các Tòa án còn tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa chung và giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Uy tín của Tòa án và hiệu quả công tác xét xử ngày được nâng cao, người dân tin tưởng hơn vào công lý tại Tòa án, xóa bỏ dần quan niệm "vô phúc đáo tụng đình". Đây là thành quả quan trọng, sự trưởng thành vượt bậc về tổ chức và hoạt động của TAND hai cấp sau 40 năm thành lập và sau 10 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, là kết quả tích cực thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 trong hệ thống TAND nói chung và TAND hai cấp thành phố Cần Thơ nói riêng.

*****

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, TAND Việt Nam đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng đất nước, được Đảng và Nhà nước phong tặng Huân chương Sao Vàng. TAND tỉnh Cần Thơ, nay là thành phố Cần Thơ đã kế thừa truyền thống tốt đẹp đó và kế tục sự nghiệp của các bậc lão thành trong ngành. Trải qua gần 40 năm hoạt động, đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, công chức Tòa án thành phố hôm nay luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ngày càng đề cao ý thức "Phụng công thủ pháp, chí công vô tư" như Bác Hồ đã dạy, đoàn kết vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống (13/9/1945 - 13/9/2015), cán bộ, công chức TAND hai cấp thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục phấn đấu, trung thành với Đảng, với Hiến pháp và chế độ, giữ gìn đoàn kết thật tốt, phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục khuyết điểm, hạn chế, đề cao kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, liêm khiết, chí công vô tư, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện tốt quyền tư pháp theo hiến định và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

Chia sẻ bài viết