Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH
"Những miền đất nhớ" không chỉ là vần thơ mà còn là cung bậc tình người về những nơi đã đi qua, những người đã gặp gỡ và nhất là về chuỗi ngày bộn bề lo âu vì dịch COVID-19.
Nhà thơ Ðặng Tuyết ký tặng thơ cho bạn đọc.
Đó là cảm nhận của người viết sau khi đọc tập thơ vừa ra mắt của nhà thơ Ðặng Tuyết, với tựa đề "Những miền đất nhớ" (NXB Hội Nhà văn ấn hành). Vẫn là mạch cảm xúc về quê hương, xứ sở, nỗi lòng của người con xa xứ từ 3 tập thơ đã ra mắt trước đây là "Quê hương nỗi nhớ trong tôi", "Ðiệu ví tình quê" và "Về miền sông Hậu", nhưng "Những miền đất nhớ" được bổ túc bởi rất nhiều cảm xúc đầy tính nhân văn và thời sự, với một giọng thơ "chín muồi" hơn.
Tập thơ gồm 4 phần: "Những miền đất nhớ", "Vần thơ viết trong những ngày giãn cách", "Thơ tặng mẹ và cháu" và "Thơ phổ nhạc". Với phần đầu, nhà thơ Ðặng Tuyết kể lại những hành trình đã đi qua bằng thơ và bằng cảm nhận rất tình của một nhà thơ. Bỏ lại sau lưng những dấu chân đã qua, nhà thơ Ðặng Tuyết mang về Cần Thơ bao hoài niệm. Nhân chuyến về miền Trung tặng quà san sẻ với đồng bào bị bão lụt hồi năm 2020, nhà thơ Ðặng Tuyết viết bài thơ "Những miền đất nhớ":
"Miền Trung ơi trăm nhớ ngàn thương
Mảnh đất hẹp nhưng tình người rộng mở".
Rồi khi về lại cố hương Hà Tĩnh, bà lại cảm nhận và cố tìm "Hương quê" ngày cũ đã nuôi dưỡng tâm hồn mình:
"Ði tìm
một chút hương quê
Ðể người xa xứ
tìm về chốn xưa"
Hay trong một chuyến đến vùng đất cuối trời Tổ quốc, bà viết nên những câu thơ như réo gọi lòng người:
"Về Cà Mau nghe anh!
Thăm bến sông dặt dìu câu hát"
Có lẽ, ấn tượng nhất trong tập thơ này là phần "Vần thơ viết trong những ngày giãn cách". Ở đó, nhà thơ Ðặng Tuyết viết về những hy sinh thầm lặng của tuyến đầu chống dịch COVID-19, về tình người dành cho nhau giữa đại dịch, về những tổn thương, mất mát... do dịch bệnh gây ra. Tất cả được bà thể hiện bằng nhãn quan nhân hậu, sẻ chia. Trong "Ðiều anh có thể" đề tặng các lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19, bà viết:
"Cuộc đời là dâu bể
Khi đất nước đang cần
Hạnh phúc mình gác lại
Xin em nhớ đừng buồn"
Viết trong những ngày giãn cách, tháng 8-2021, bài "Chiều loang tím" có câu:
"Vẳng nghe
tiếng còi hú vang
Mắt cay cay...
lòng ngổn ngang tơ vò"
Nhà thơ Ðặng Tuyết còn viết về những lần chạm mặt nhau trong thời gian giãn cách, lời động viên qua ánh mắt gửi trao; về những san sẻ, tình người dìu nhau qua mùa dịch; về những tấm gương có thật được bà cảm tác thành thơ... Những vần thơ vì vậy mà "nóng hổi" thời sự. Như lời của nhà phê bình văn học Lê Xuân: "Trong thơ Ðặng Tuyết có nỗi nhớ, niềm thương, có nỗi đau về nhân tình thế thái, có những trăn trở, hoài vọng và niềm tin, cứ trải dài theo mỗi bước chân của chị trên mỗi cung đường. Thơ chị mang tính thời sự nhưng không kém phần lãng mạn, trữ tình".
Cuộc đời của nhà thơ Ðặng Tuyết có một quãng đời chịu nhiều tổn thương. Nay thì bà hạnh phúc bên con cháu và chọn công việc làm thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo là niềm vui tuổi "bóng xế". Ngay như với số tiền bán được từ tập thơ này, bà cũng sẽ chung góp vào để thực hiện chương trình tặng quà cho trẻ em nghèo dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6). Thơ và đời, đời và thơ - nhà thơ Ðặng Tuyết sống hết tình và hết mình cho tất cả. Ðể rồi dù đời hay thơ, người ta vẫn nhận ra sự nhân hậu và nghĩa tình của người phụ nữ vừa bước qua tuổi 60.