Hoài Phương
"Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch" là những chuẩn mực người Cần Thơ đã được hình thành và truyền thừa cùng sự phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội của đất này.
Từ điều kiện địa lý, lịch sử, xã hội
Khi khái quát về người vùng Tây Nam bộ, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất các đặc trưng: phóng khoáng, bộc trực, nhân ái và hào hiệp; biểu hiện qua phong cách ăn, nói, cư trú, đi lại, giao tiếp, ứng xử, suy nghĩ và hành động. Họ cũng cho rằng điều kiện địa lý, môi trường thiên nhiên- xã hội, hoàn cảnh lịch sử đã làm nên cốt cách con người như thế. Sách Gia Định thành thông chí đầu thế kỷ XIX đã ghi "Vùng Gia Định nước Việt ta rất rộng, thực vật phong phú, không lo đói rét, nên dân ít dự trữ, quen thói xa hoa, phong cách kẻ sĩ thì hiên ngang do người từ bốn phương tụ lại nên mỗi nhà đều có riêng phong tục"(1). Ở một trang khác lại ghi: "Khi khách đến nhà, đầu tiên gia chủ bày trầu cau, sau đón tiếp cơm bánh thết đãi chu đáo đầy đủ, không kể là người thân sơ, quen lạ, tông tích ở đâu
" (2).
Có thể nói người Cần Thơ mang phẩm chất tiêu biểu của con người vùng Tây Nam bộ. Bởi vì Cần Thơ là đất đồng bằng có điều kiện tự nhiên đặc trưng của vùng châu thổ, khí hậu điều hòa, ít bị thiên tai bão lụt, đất đai màu mỡ, giàu sản vật nên tác động đến đời sống tâm tư, tình cảm của con người rất lớn. Trong "Một tháng ở Nam kỳ", ở chương 6, phần VI, học giả Phạm Quỳnh đã mô tả: "Cần Thơ có cái vẻ mỹ miều xinh xắn, sạch sẽ phong quang, thật xứng tên làm tỉnh đầu về miền Tây (La Capitale de LOuest)". Trong cuốn "Nam kỳ phong tục nhân vật diễn ca", cụ Nguyễn Liên Phong cũng ca ngợi: "Cần Thơ xứ lắm bạc tiền/ Bởi vì thổ sản điền viên cả ngàn". Tác giả Nguyễn Hiến Lê, trong hồi ký của ông cũng có đoạn: "Mùa nước lớn, miền nầy (Cần Thơ) không bị ngập, đất tốt, dân đông, vườn tược sum suê, trái cây nhiều, đời sống rất dễ dàng, vui vẻ, đúng với câu gạo trắng nước trong".
Cần Thơ còn là nơi hợp lưu của nhiều dòng sông, trên bến dưới thuyền, thương hồ tứ xứ thường xuyên gặp gỡ. Việc mua bán trên sông lúc nào cũng rộn ràng, người thương hồ mưu sinh nhưng không kém phần lãng mạn. Tác giả Huỳnh Minh trong "Cần Thơ xưa và nay" đã tả: "Giữa đêm trường canh vắng, vọng lại nhiều câu ngâm thơ, hò hát, tiếng đàn, tiếng sáo hòa nhau nhịp nhàng. Chúa thầm khen về một cảnh quan sông nước hữu tình và ban cho con sông nầy cái tên đầy thơ mộng là Cầm Thi Giang" (3). Đất Tây Đô còn là nơi hội tụ các dân tộc Kinh- Hoa- Khmer cùng chung sống, trong đó đông nhất là người Kinh, có cả cư dân từ miền Bắc, miền Trung vào lập nghiệp. Tuy phong tục, tập quán, tín ngưỡng có khác nhau, nhưng lâu dần thì lại giao thoa và hòa hợp.
|
Người Cần Thơ từ xưa đến nay vẫn xem trọng đạo nghĩa, lấy nhân ái làm cốt lõi trong cuộc sống. Trong ảnh: Lễ tế Thần Nông, tạ ơn Trời Đất ở đình Thường Thạnh, quận Cái Răng. |
Tất cả yếu tố nêu trên đã làm nên những giá trị truyền thống và tính cách văn hóa của con người Nam bộ nói chung và Cần Thơ nói riêng.
Đến tính cách người Cần Thơ
Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ca ngợi: "Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh
Người An Nam và người Nhật Bản cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm"(4). Những tính cách đó được kế thừa và phát huy trên đất mới Cần Thơ, "Địa chí Cần Thơ" có đoạn viết: "Người Cần Thơ có những đặc điểm chủ yếu như tính hào hiệp, hiếu khách và tính giao lưu; tình cảm mãnh liệt, dứt khoát rõ ràng; trọng đạo nghĩa, giữ chữ tín, dũng cảm, bênh vực lẽ phải; tính thật thà bình dị, không quan cách". Tương tự, trong "Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ" do TS.Trần Ngọc Thêm chủ biên, trong chương nói về "Các đặc trưng tính cách văn hóa của người Việt vùng Tây Nam bộ" đã nêu lên 7 tính cách đặc trưng của người nơi đây gồm: tính sông nước, tính trọng nghĩa, tính bộc trực, tính bao dung, tính thiết thực, tính mở thoáng và tính hệ thống.
Tất cả ý kiến trên, suy ra cho cùng cũng đều nằm gọn trong cụm từ "Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch" mà Cần Thơ đang dùng làm chuẩn mực để xây dựng con người theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Khách quan mà nhìn, tính cách con người cũng có hay- dở, tiến bộ- lạc hậu, nhưng nói đến giá trị truyền thống thì chỉ có những ưu điểm được lưu truyền và phát huy. Trong Biên khảo lịch sử Phong Điền- Cần Thơ khẳng định:"Tính cách con người mạnh mẽ, dứt khoát "nói một là một, hai là hai","nói như đinh đóng cột", không ưa "nói nhiều lời" hoặc "nói một đàng làm một nẻo", rất ghét kẻ "ăn ở hai lòng", thấy ai bị ức hiếp thì không chịu ngồi yên"(6) .
|
Nét thanh lịch của người Cần Thơ thể hiện qua trang phục, cách nói năng, ứng xử văn minh, lễ độ. |
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, Cần Thơ đã xuất hiện nhiều nhân sĩ được hậu thế kính trọng như cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, nhà nho yêu nước Phan Văn Trị, Lê Quang Chiểu, các ông Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Giác Nguyên, Trương Duy Toản, Nguyễn Trọng Quyền, bà đồ Nguyễn Thị Nguyệt và nhiều nhân sĩ khác. Thời chống Pháp, chống Mỹ, Cần Thơ có rất nhiều chiến sĩ cách mạng xuất thân từ Collège Cần Thơ (Trung học Phan Thanh Giản), từ Trường Đại học Cần Thơ. Cần Thơ hiện là trung tâm giáo dục của vùng. Trong sản xuất, làm giàu, từ thời khai hoang mở cõi, ông cha ta đã năng nổ sáng tạo trong lao động. Thành phố Cần Thơ hôm nay có những bước tiến nhảy vọt, đó là nhờ tính năng động. Như toàn quyền Đông Dương Paul Doumer khái quát: Họ cũng là những người lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh.
Người Cần Thơ trọng chữ "Nhân" và thêm vào chữ "Nghĩa". Người Cần Thơ xưa nay luôn ứng xử với nhau bằng tinh thần "nhường cơm sẻ áo", "chị ngã em nâng" và "một miếng khi đói bằng gói khi no". Sự hào hiệp của người Cần Thơ được cụ thể hóa bằng tâm hồn bao dung và cởi mở, trọng nghĩa khinh tài, coi "Tiền tài như phấn thổ. Nghĩa trọng tự thiên kim". Con người hào hiệp bao giờ cũng lạc quan, yêu đời và có niềm tin vào bản thân mình, được thể hiện qua câu ca dao chí tình chí nghĩa: Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi / Kẻo giông gió đèn bờ bụi tối tăm. Đó chính là đạo thương hồ, lúc nào cũng tỏ lòng nghĩa hiệp giúp đỡ lẫn nhau.
Cần Thơ tuy là "đất mới" so với những trung tâm khác của cả nước (như Hà Nội chẳng hạn), nhưng nếp sinh hoạt đề cao lễ nghĩa, văn hóa ứng xử, nếp ăn nếp mặc cũng không kém phần chú trọng. Sự thanh lịch của người Cần Thơ được nhắc nhiều qua ca dao và tục ngữ ở nhiều địa danh khác nhau. Như Trai Nhơn Ái, gái Long Xuyên hay Cần Thơ là cảnh, Cao Lãnh là quê hoặc Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú / Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu. Ngoài ra còn có Ô Môn lúa tốt đầy đồng / Vàm Nhon, Ba Mít đượm nồng ý thơ. Hoặc Trường Long nước trong con gái đẹp / Rạch Ông Hào cảnh lịch người xinh. Cụ Nguyễn Liên Phong đã ca ngợi Cái Răng - Cần Thơ: Chợ Cái Răng xứ hào hoa / Phố lầu hai dãy xinh đà nên xinh / Có trường hát cất rộng thinh / Để khi hứng cảnh thích tình xướng ca.
***
Những phẩm chất được giữ gìn và phát triển từ truyền thống "Trí tuệ- Năng động- Nhân ái- Hào hiệp- Thanh lịch" của người Cần Thơ là nền tảng vững chắc để đất Tây Đô không ngừng vươn xa.
...............................
Chú thích:
(1) Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. NXB Tổng hợp Đồng Nai- 2005, trang 179.
(2) Sách đã dẫn ở trên, trang 184
(3) Cần Thơ xưa và nay của Huỳnh Minh. NXB Cánh Bằng- 1966
(4) Xứ Đông Dương (LIndo Chine francaise)- Hồi ký của Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương), bản dịch của nhiều tác giả, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính. NXB Thế giới, trang 92,93.
(5) Địa chí Cần Thơ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cần Thơ- 2002
(6) Biên khảo Lịch sử Phong Điền- Cần Thơ của Ban Chấp hành Đảng bộ Phong Điền- 2007, trang 40.