29/06/2017 - 20:52

Tìm tiếng nói chung

Trong mối quan hệ gia đình, các bạn trẻ thường gặp khó khăn khi không thể trò chuyện với cha mẹ. Điều này khiến các bạn lạc lõng, thiếu định hướng, đôi khi dẫn đến sa ngã…

Nhiều lý do mâu thuẫn

 Xây dựng tốt mối quan hệ gia đình sẽ giúp các bạn trẻ thêm tự tin, vững bước trên đường đời. Trong ảnh: Các đoàn viên thanh niên thành phố giao lưu bóng chuyền với cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân.

Đối thoại thường xuyên sẽ giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ chọn cách im lặng, "tẩy chay" cha mẹ khi không hài lòng. Minh Hoàng (24 tuổi) cho biết: "Hơn nửa năm nay, tôi không nói chuyện nhiều với cha và mẹ. Tôi thấy rất bất mãn từ khi cha mẹ không tôn trọng ý kiến của tôi". Theo lời Hoàng, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Hoàng muốn đi theo con đường nghệ thuật nhưng cha em không đồng ý. Cha giới thiệu Hoàng vào làm ở một công ty nhưng Hoàng không hứng thú. Hoàng chống trả "ngầm" bằng cách thường xuyên xin nghỉ phép; làm rất chậm hoặc không hoàn thành công việc lãnh đạo giao. Bên cạnh đó, hết giờ làm việc, Hoàng không về nhà mà đi chơi với bạn bè đến khuya. Buổi sáng, Hoàng rời khỏi nhà rất sớm để không gặp cha mẹ. Mẹ Hoàng cho biết: "Tôi rất khổ tâm vì nhiều lúc muốn trò chuyện với con nhưng không được vì Hoàng đi sớm về muộn. Nhiều đêm tôi đợi con về để bắt chuyện nhưng chưa nói được câu thứ hai, Hoàng vội vào phòng, đóng chặt cửa. Hoàng cứ như vậy mãi, tôi biết làm sao".

Sau khi tìm được việc làm, V.H (27 tuổi) ở nhà trọ dù cách nhà không xa. Bởi, mỗi lần về nhà, mẹ cứ hỏi mượn tiền của H. Dù làm thêm buôn bán quần áo qua mạng, luôn rủng rỉnh tiền, nhưng H. rất mệt mỏi khi phải thường xuyên trả nợ cho mẹ. H. cho biết, mẹ H. kinh doanh cứ thua lỗ. Có lần, mẹ hỏi mượn tiền nhưng H. không đồng ý. Thế là mẹ chì chiết H. suốt mấy tháng. Cha mẹ H. thường cự cãi chuyện tiền bạc nên H. rất chán ngán không khí gia đình. Nhiều lúc được nghỉ làm nhưng H. vẫn không muốn về nhà. Giọng H. ỉu xìu: "Bận rộn suốt tuần, tôi rất mong về nhà nghỉ ngơi cuối tuần nhưng nhớ tới cảnh cãi vã nên thôi. Mỗi tháng, tôi chỉ về nhà đúng một lần".

Tìm cách dung hòa tình cảm

Hải Đoàn (sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ) đam mê công tác Đoàn từ thời THPT nhưng cha mẹ phản đối vì lo Đoàn bỏ bê học hành. Lúc đầu, Hải Đoàn thấy khó chịu nhưng khi hiểu ra thì rất thông cảm với cha mẹ. Sau khi Đoàn học cao đẳng, cha mẹ rất ủng hộ Đoàn tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Hiện nay, Đoàn là cán bộ Đoàn năng động ở trường. Nhưng cũng như nhiều bạn trẻ khác, Đoàn cũng có nhiều vấn đề mâu thuẫn với cha mẹ. Mới đây, cha mẹ động viên Đoàn tham gia kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào một trường đại học. Dù cảm thấy không cần thiết nhưng Đoàn vẫn nghe lời cha mẹ. Đoàn chia sẻ: "Thật ra tôi là người sống tình cảm, không muốn gây tổn hại tình cảm gia đình. Cha mẹ luôn muốn tốt cho tôi, chỉ cần cha mẹ vui vẻ, thoải mái là được".

Do ở trọ nên cuối tuần Đoàn tranh thủ về nhà. Những ngày không về, thì Đoàn điện thoại hỏi thăm cha mẹ. Cha mẹ Đoàn cũng thường xuyên động viên Đoàn cố gắng học tập và những lời động viên đó giúp Đoàn thêm vững vàng trong cuộc sống. Khi gặp những vấn đề không tự giải quyết được, Đoàn đều nhờ cha mẹ tư vấn, định hướng. Trong khi đó, Bảo Toàn (29 tuổi, ở phường An Phú, quận Ninh Kiều) cho biết, các thành viên trong gia đình Toàn đều đi làm nên buổi tối mới gặp nhau. Lúc này, cả gia đình quây quần ăn cơm, bàn luận thời sự trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần thắt chặt thêm tình cảm giữa các thành viên. Bảo Toàn nói: "Không phải cha mẹ không lắng nghe con cái mà do con cái không chịu chia sẻ để tìm sự đồng cảm. Đôi lúc, tôi không hài lòng việc này việc khác nhưng luôn đặt mình vào vị trí của cha mẹ để cảm thông thay vì hờn trách".

Khi xã hội phát triển, các bạn trẻ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp gia đình vì bị chi phối bởi công việc, học tập, bạn bè… Vì vậy, việc các bạn trẻ trao đổi với cha mẹ là vấn đề quan trọng để kết nối các thành viên, tạo dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều bạn cũng cho rằng, cha mẹ cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến con cái nhiều hơn, thay vì áp đặt suy nghĩ. Hải Đoàn chia sẻ: "Tôi nghĩ cha mẹ cần lắng nghe con cái để có thể tìm thấy tiếng nói chung trong cuộc sống cũng như giúp các bạn trẻ định hướng tương lai".

Bài, ảnh: CHUNG CƯỜNG

Chia sẻ bài viết