18/10/2014 - 15:38

Tìm nguồn vốn vay ưu đãi phát triển đô thị Cần Thơ

Thời gian qua, được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB), TP Cần Thơ đã có điều kiện thực hiện các dự án nâng cấp đô thị (NCĐT), từng bước phát triển các cơ sở hạ tầng, giao thông, cải thiện môi trường sống và phát triển các khu vực nghèo ở đô thị. Làm việc với Đoàn công tác WB khảo sát tình hình thực hiện NCĐT, lãnh đạo thành phố đã kiến nghị WB hỗ trợ vốn vay ưu đãi để tiếp tục thực hiện thêm dự án NCĐT…

* Nhiều người dân được hưởng lợi

Theo đề xuất của TP Cần Thơ, dự án mới là Phát triển- NCĐT TP Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) được thực hiện từ năm 2014-2020. Dự án dự kiến có 6 hợp phần gồm: xây dựng công trình chống ngập khu nội thị; hạ tầng ưu tiên, giao thông kết nối; vệ sinh môi trường; nâng cấp đô thị; đầu tư xây dựng khu tái định cư; hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực quản lý. Dự án này hoàn thành sẽ giúp khoảng 200.000 người dân tại các quận, huyện của TP Cần Thơ được hưởng lợi trực tiếp và khoảng 1 triệu người được hưởng lợi gián tiếp. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 312,5 triệu USD (tương đương 6.562,5 tỉ đồng), trong đó nguồn vốn IDA (vốn vay ưu đãi dành cho các nước nghèo và kém phát triển của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới) là 250 triệu USD, tương đương 5.250 tỉ đồng, chiếm 80% tổng mức đầu tư, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.

 Một con hẻm ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ đã được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn của Dự án NCĐT vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ.

Việc đầu tư thực hiện dự án trên là rất cần thiết đối với sự phát triển của TP Cần Thơ trong hiện tại và tương lai. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh cho rằng: “Dự án này sẽ tạo sự kết nối, giúp hoàn thiện các cơ sở hạ tầng và phát huy tốt nhất hiệu quả 2 dự án nâng cấp đô thị mà WB đã hỗ trợ thành phố thực hiện trước đó, đồng thời cũng sẽ là mô hình kiểu mẫu về thích ứng BĐKH cho các tỉnh vùng ĐBSCL”. Thực tế cho thấy, TP Cần Thơ sau 120 năm phát triển đã đạt nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của vùng. Trong địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khu vực dân cư đang sống trong cảnh thiếu thốn về cơ sở hạ tầng và các điều kiện sống tối thiểu. Dù được Trung ương quan tâm đầu tư và thành phố cũng tăng cường huy động các nguồn lực xã hội nhưng nguồn vốn đầu tư vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh đó, các dự án do WB tài trợ và hỗ trợ vốn để nâng cấp, phát triển các khu vực nghèo ở đô thị, hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội là rất thiết thực và mang lại hiệu quả rất lớn cho thành phố và vùng ĐBSCL.

Thời gian qua, Dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ (dự án 1) với nguồn vốn ưu đãi IDA là 38,5 triệu USD đã thực hiện nâng cấp 245 hẻm với tổng chiều dài 40.883m, giúp 450.000 hộ dân hưởng lợi, đấu nối cải tạo nguồn nước cho 42.714 hộ dân, đấu nối và cải tạo hệ thống thoát nước cho 9.863 hộ dân. Có 9km đường kênh rạch và 9km hệ thống thoát nước đô thị được hoàn thành, trong đó điểm nhấn của dự án là cải tạo kênh và Hồ Xáng Thổi có diện tích 6,5ha đã mang lại diện mạo mới cho khu trung tâm đô thị thành phố. Bên cạnh đó,Dự án phát triển cơ sở Hạ tầng giao thông ĐBSCL (WB5) cho 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh được thực hiện từ năm 2008-2015 với vốn IDA là 207,66 triệu USD đã mang lại lợi ích cơ sở hạ tầng giao thông rất lớn cho người dân ĐBSCL.

Hiện nay, TP Cần Thơ và 5 tỉnh ĐBSCL gồm Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh đang tiếp tục thực hiện Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL, với số vốn IDA là 292 triệu USD, thực hiện trong giai đoạn 2012-2017. Dự án này hoàn thành sẽ giúp 275.900 người hưởng lợi trực tiếp và khoảng 1.576.000 người hưởng lợi gián tiếp. Trong đó, Dự án NCĐT vùng ĐBSCL-Tiểu dự án TP Cần Thơ được hỗ trợ 69,95 triệu USD vốn IDA để đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng cấp 3 trong 31 khu thu nhập thấp (LIA), nâng cấp hạ tầng cấp 1 và cấp 2 gồm: nạo vét, chống sạt lở các kênh, hồ như: Bún Xáng, Rạch Ngỗng, Rạch Sao; làm đường giao thông; hỗ trợ thiết bị quản lý nước thải và vệ sinh môi trường. Dự án này hoàn thành sẽ mang lại cho 45.000 người hưởng lợi trực tiếp và gần 500.000 người hưởng lợi gián tiếp.

* Cần làm tốt các dự án

Đối với đề xuất về dự án NCĐT mới của TP Cần Thơ, Đoàn công tác WB cho biết, WB đã đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ hỗ trợ 250 triệu USD vốn IDA cho dự án này, nhưng Cần Thơ cần bổ sung hoàn chỉnh dự án trình WB xem xét và trình cấp thẩm quyền trong nước phê duyệt trước khi tiến hành các bước tiếp theo. Đoàn công tác WB khuyến nghị TP Cần Thơ và đơn vị tư vấn thực hiện dự án cần gom 6 hợp phần thành 3 hợp phần (gồm: hợp phần hạ tầng ưu tiên, chống ngập lụt; phát triển đô thị và các hạ tầng kết nối; nâng cao năng lực quản lý đô thị), đồng thời có các điều chỉnh về tên gọi cho phù hợp… Sau chuyến công tác, Đoàn công tác WB và phía TP Cần Thơ sẽ tiếp tục duy trì việc liên lạc, trao đổi thông tin nhằm xúc tiến thực hiện dự án mới này.

Đến TP Cần Thơ lần này, Đoàn công tác WB không chỉ quan tâm đến đề xuất của TP Cần Thơ về dự án mới mà còn rất chú trọng việc đi khảo sát thực tế, cũng như có các buổi làm việc trực tiếp với Ban quản lý Dự án NCĐT vùng ĐBSCL- Tiểu dự án TP Cần Thơ và lãnh đạo UBND thành phố, các sở ngành và quận, huyện có liên quan nhằm nắm rõ tình hình thực hiện dự án tại TP Cần Thơ. Qua các báo cáo và khảo sát thực tế tại địa phương, các thành viên Đoàn công tác WB đánh giá cao nỗ lực của TP Cần Thơ trong thực hiện dự án này, với nhiều gói thầu đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó có không ít gói thầu đã hoàn thành vượt tiến độ, chỉ có một số là chậm tiến độ. Nguồn vốn đối ứng được đảm bảo và có tốc độ giải ngân tương đối tốt. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vốn IDA của dự án còn chậm, Đoàn công tác WB đề nghị thành phố đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới để đảm bảo đạt tỷ lệ giải ngân 16% trên tổng vốn IDA vào cuối năm 2014 và đạt 36% vào tháng 6-2015. Bà Hoàng Thị Hoa, Chuyên viên cao cấp Phát triển cộng đồng của WB (đồng Chủ nhiệm Dự án NCĐT vùng ĐBSCL), cho rằng: “ Thành phố cần đẩy tiến độ và tiếp tục làm tốt dự án 2 này để tạo thuận lợi cho việc xúc tiến thực hiện thêm dự án mới”.

Theo Ban quản lý Dự án NCĐT vùng ĐBSCL- Tiểu dự án TP Cần Thơ, dự án này có tổng mức đầu tư 90,4 triệu USD, trong đó vốn IDA 69,95 triệu USD và vốn đối ứng 20,45 triệu USD. Đến đầu tháng 10-2014 đã giải ngân được 172,62 tỉ đồng vốn đối ứng, chiếm tỷ lệ 41,7% trên tổng vốn đối ứng và giải ngân 104,043 tỉ đồng vốn IDA (tương đương 4,95 triệu USD), đạt tỷ lệ 7,08%. Giải ngân vốn IDA còn chậm do nhiều nguyên nhân như: trong giai đoạn đầu còn tập trung nhiều vào việc làm các hồ sơ thủ tục; tỷ lệ giảm giá các gói thầu xây lắp ở mức cao so với dự toán ban đầu từ đó làm nguồn vốn kết dư, chưa sử dụng khá cao; nhiều gói thầu đã có khối lượng thi công nhưng còn vướng thủ tục chưa giải ngân kịp…Theo ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý dự án NCĐT vùng ĐBSCL-Tiểu dự án TP Cần Thơ, tuy tốc độ giải ngân vốn IDA còn chậm, nhưng Ban đã chủ động thực hiện được nhiều công việc để có thể tạo bứt phá trong giải ngân vốn thời gian tới. Trong đó, Ban cũng đã có kế hoạch sử dụng các nguồn vốn kết dư để tăng cường đầu tư thêm nhiều công trình và hiện có nhiều gói thầu đã hoàn tất hồ sơ, đang chuẩn bị mời thầu, mở thầu, triển khai thi công…”.

Để triển khai thực hiện tốt các dự án nâng cấp đô thị tại thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh yêu cầu các sở, ngành thành phố tiếp thu đánh giá và khuyến nghị của Đoàn công tác WB để có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thời gian tới, đồng thời có sự chuẩn bị tốt cho dự án mới. Dù khó khăn, nhưng TP Cần Thơ cam kết đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL- Tiểu dự án TP Cần Thơ theo kế hoạch. Thành phố sẽ có các giải pháp cụ thể gắn với xây dựng các kế hoạch chặt chẽ về tiến độ, chỉ đạo các sở ngành, địa phương và đơn vị có liên quan thúc đẩy thực hiện và kiểm tra tiến độ hằng tuần…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết