 |
Dâng hương trong lễ giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. |
Trong chúng ta, nhiều người đã từng thắp hương (còn gọi là nhang theo phương ngữ Nam bộ). Nhưng ý nghĩa của việc thắp hương là gì? Việc thắp hương có tự bao giờ? Tại sao phải thắp hương? Lúc nào thì thắp hương? Các nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian đã có nhiều giải thích theo những tư liệu kinh điển dựa trên cơ sở các quan điểm thần học từ cổ xưa đến hiện đại
Theo Phật giáo, trong sáu lễ vật dâng cúng, gồm có: Hương, Hoa, Đăng, Trà, Quả, Thực (Nhang, Bông, Đèn, Trà, Trái, Thức ăn), thì đứng đầu là hương, đây là một phẩm vật tinh khiết, cơ bản là "mùi" thơm bốc lên sau khi đốt những cây hương.
Nghi thức dâng hương là tập quán mang dấu ấn tâm linh phổ biến nhất ở các dân tộc châu Á. Thắp hương là hành vi nhất thiết phải có trong các tục lệ cúng bái, cầu khẩn, cầu nguyện, tưởng niệm của một số tôn giáo lớn như Phật giáo, Nho, Lão, Hồi, Thiên chúa giáo, Ấn giáo
Nén hương không biết tự bao giờ đã ăn sâu vào trong tâm thức của người Việt Nam như một nét đẹp văn hóa truyền thống. Người ta tin rằng khi đốt lên, khói hương sẽ như một sợi dây huyền ảo nối kết giữa hai thế giới hữu hình và vô hình! Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu thông suốt về ý nghĩa của việc "đốt nhang"!
Dâng có nghĩa là đưa lên một cách cung kính. "Hương" có nghĩa là mùi thơm, thông thường là một vật dùng đốt lên để cúng các đấng thiêng liêng, thường là nhang và trầm. Ở Việt Nam, trong các gia đình theo đạo Phật và tín ngưỡng "thờ cúng ông bà" cùng một số tôn giáo có nguồn gốc Lão, Nho, mùi hương là mùi thơm quen thuộc hàng ngày. Trong đầu năm mới, chúng ta hay bắt gặp hình ảnh trên bàn thờ gia tiên, Phật Thánh, Ông Địa, Thần Tài, các Mẫu, các am Cô, Cậu, các đình miếu, những cụ ông, cụ bà, nam thanh, nữ tú, tay cầm hương khấn vái cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng
Đây là một nét đẹp về văn hóa đã định hình và tồn tại song hành cùng với chiều dài lịch sử dân tộc từ thủa rất xa xưa đến thời đương đại!
Từ buổi sơ khai, con người đã thấy rằng khi ngọn lửa cháy lên với một vật liệu dùng để đốt sẽ tỏa một mùi đặc trưng. Khi đốt hương, khói hương nghi ngút tạo nên không khí thanh tịnh, ấm áp và trang nghiêm.Theo tư liệu cổ, người ta đã dùng hương từ khoảng năm 3700 trước công nguyên ở Ấn Độ. Đến năm 618 sau công nguyên, vào đời nhà Tần các vị Tăng người Ấn đem hương trầm qua Trung Quốc, từ đó hình thức đốt nhang được phát triển mạnh mẽ, đến đời nhà Minh, nhang được dùng rất phổ biến trong cung đình và dân gian, từ đó lan ra khắp các nước láng giềng. Nhật Bản là nước xài rất nhiều trầm cho việc đốt hương thời ấy. Ở Trung cận Đông và vùng Lưỡng Hà trong các đền thờ của vua chúa Ai Cập, Ba Tư cổ đại có rất nhiều những hình vẽ hoặc hình chạm khắc trên tường mô tả nghi thức này.
Ngày nay, ở các quốc gia phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái, Myanmar
nhang được sử dụng rất nhiều trong các ngày Tết, Rằm tháng bảy, Vu Lan, Phật đản, và những ngày quan trọng trong gia đình như cúng giỗ, đám tang, đám cưới, ăn tân gia
Người ta thường đốt nhang theo số lẻ (1, 3, 5, 7, 9). Theo lý giải của nhà Phật, số lẻ mang nhiều ý nghĩa, ví dụ số 3 (lần đốt 3 cây), tượng trưng cho:
Tam bảo (Phật Pháp Tăng), Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới),
Tam thời (Quá khứ Hiện tại Vị lai),
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quang Khang, đốt nhang có ý nghĩa theo từng nén (từng cây):
1.tâm nhang (lòng thành)
2.giới nhang (theo lời răn, giới luật)
3.định nhang (không thay lòng đổi dạ)
Phái Nho gia, Đạo giáo dù có quan niệm khác nhau về vũ trụ quan và nhân sinh quan, nhưng cả hai phái với chủ trương nhập thế hay xuất thế đều lấy số 3 làm căn bản:
Tam tài: Thiên Địa Nhân
Tam đa: Phúc Lộc Thọ
Tam thế: Thượng, Trung, Hạ ngươn
Tam đẳng: thượng đẳng, trung đẳng, hạ đẳng
Ít thấy người ta khi cúng kiến, tế lễ sử dụng những nén nhang chẵn như 2,4,6,8.
Theo Lão Trang, nén hương còn có thêm một ý nghĩa khác biệt nữa, đó là thắp hương để cảm nhận sự vô thường. Vô thường tức là chớp mắt, ảo, tạm, không vĩnh viễn - nén hương tắt cháy tượng trưng cho đời người ngắn ngủi, vô thường như thời gian của nén hương. Theo quan niệm truyền thống và tôn giáo, mỗi lần dâng hương trước bàn thờ: không những ta dâng hương bằng tấm lòng thành kính của mình, mà còn phải có chánh niệm, còn gọi là sự tập trung. Cắm từng nén hương với hai tay và cắm cho ngay thẳng, thể hiện lòng thành, không cần phải cỗ bàn yến tiệc, thịt cá linh đình
Ngoài những nén hương dùng lửa để đốt cháy lên, chúng ta còn có thể dùng đức tin của mình thắp lên những nén Tâm hương- tức là hương từ trong tâm.
Người theo đạo Thiên Chúa cũng dùng hương trong các ngày lễ của mình, như xông hương trong các thánh lễ, trước bàn thờ, trước Kinh Thánh, mình Thánh, rượu Thánh và cả linh cữu của người đã mất... Kinh Thánh có nói, đại ý, khi Chúa Giê-su mới sinh ra đời, có ba vị vua đem ba thứ châu báu quý nhất trong nước thời đó để dâng lên cho ngài - đó là: vàng, trầm hương và dầu thơm. Sự việc này chứng tỏ hương trầm từ xa xưa đã được xem như một sản vật quý giá, thiêng liêng.
Theo đạo Khổng thì khói hương tượng trưng cho bậc đại trượng phu - chỉ bay lên chứ không bao giờ lặn xuống.
Ở một số địa phương Nam Bộ, khi cúng kiếng, người ta còn thắp hương cho những gốc cây, xó nhà, tảng đá
Họ cho rằng mọi vật thể đều có đời sống tâm linh riêng biệt, cũng như thần thánh, hoặc những "vong hồn, người khuất mặt" thường thích hấp thụ hương linh thanh khiết.
Ngày nay do xã hội phát triển, đời sống vật chất của một bộ phận dân cư đã khá đầy đủ, dư dả, người ta bắt đầu hướng tới những nhu cầu tinh thần. Lễ hội, hành hương, đi chùa chiền, cúng kiếng, giỗ chạp là sinh hoạt tâm linh ngày càng phổ biến. Hương nhang được dùng rất nhiều trong các dịp lễ hội, cúng kiếng. Có nơi người ta đốt hương mù mịt, vô tội vạ gây ô nhiễm môi trường không khí cũng như hoài của, lãng phí, vô ích! Người ta quên rằng đốt nhang cốt ở lòng thành chứ không phải đốt nhiều, nhang to, nhang tốt thì mới được thánh thần, trời phật chứng giám. Đã có không ít những đám cháy nhà, hỏa hoạn gây thiệt hại rất to lớn về mạng người và của cải do sự thắp hương cẩu thả không kiểm soát.
HOÀNG THÁM
Tư liệu tham khảo:
- Giỗ Tết xưa và nay (Trần Ngọc Lân- NXB VHTT 2009)
- Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính NXB Hồng Đức 2012)
- Sổ tay Văn hóa Việt Nam (Đặng Đức Siêu NXB Lao Động 2005)