Nắng hạn và xâm nhập mặn đang xảy ra khốc liệt nhiều địa phương vùng ĐBSCL, đe dọa đến các vùng trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, nhà vườn trồng cây ăn trái tại nhiều địa phương: Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng… phải dồn sức và tiền của để tìm nguồn nước ngọt cứu vườn cây.
Bị động ứng phó
Nhiều vườn sầu riêng tại ĐBSCL có nguy cơ giảm năng suất và chết cây do thiếu nước tưới.
Những nỗ lực của nông dân đã và đang góp phần hạn chế được nhiều thiệt hại trước mắt nhưng nếu hạn mặn tiếp tục kéo dài, tình trạng “hụt hơi” rất dễ xảy ra. Đặc biệt, khi hiện phần lớn các giải pháp được người dân đưa ra để ứng phó với hạn mặn còn mang tính tình thế và còn thiếu các giải pháp căn cơ lâu dài. Song, người dân lại phải bỏ ra một khoảng chi phí quá cao, nhiều nơi bà con phải thuê xe và sà lan chở nước ngọt với giá từ 100.000-150.000 đồng/m3, thậm chí 200.000 đồng/m3 để tưới cho cây trồng.
Ông Nguyễn Văn Ngộ ngụ xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, lo lắng: “Gia đình tôi có 4 công trồng sầu riêng và hơn 2 công đất ươm cây giống nhưng giờ không có nước tưới cho cây. Nước ngọt dự trữ trong mương vườn cạn kiệt từ cách nay hơn 1 tháng, buộc phải đầu tư hơn 2 triệu đồng mướn thợ làm một giếng khoan sâu hơn 12m để lấy nước ngầm. Tuy nhiên, nước từ giếng khoan bơm lên yếu, nhiễm phèn, lấy nước tưới cầm chừng, một số cây đã bị héo. Chỉ mong trời sớm có mưa, chứ hạn mặn kéo dài sẽ còn bị thiệt hại nặng”.
Trường hợp của ông Võ Văn Tư ngụ ấp Hưng Nhơn, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre càng đáng lo hơn, bởi hơn 2 công đất trồng sầu riêng của gia đình ông được hơn 15 năm tuổi, đang cho trái non và rất sai, nhưng có nguy cơ rụng hết, thậm chí chết cây do thiếu nước tưới. Ông Tư cho biết: “Nước trong mương vườn khô cạn từ lâu, nước ở dưới sông rạch đã có độ mặn trên 4%o không thể lấy nước tưới. Sầu riêng rất nhạy cảm với nước mặn, chỉ cần độ mặn 0,4%o đã không chịu. Gần 20 ngày nay, mỗi ngày tôi phải thuê xe chở 3m3 nước ngọt từ nơi khác về để cứu vườn cây, với giá tới 100.000 đồng/m3. Nếu đồng loạt hái bỏ hết trái non, cây cũng có thể bị mất sức mà chết, do vậy phải dốc tiền mua nước ngọt cứu cây dù đã quá sức chịu đựng”.
Cần “tiếp sức”
Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre có hơn 8.575ha vườn cây ăn trái, với nhiều loại trái ngon, đặc sản: sầu riêng Cái Mơn, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh... Vùng đất Chợ Lách còn được mệnh danh là “vương quốc” sản xuất cây giống của cả nước, với sản lượng hằng năm trên 40 triệu cây giống và hơn 18 triệu sản phẩm hoa kiểng, với hơn 6.000 hộ dân tham gia sản xuất. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách - Bùi Thanh Liêm, Chợ Lách là huyện nằm cách xa biển nhất của tỉnh Bến Tre, có nước ngọt quanh năm rất thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất cây giống. Thế nhưng, năm nay nước mặn từ 4-10%o đã xuất hiện hầu khắp các xã, thị trấn của huyện. Tình trạng này kéo dài khiến nông dân “hụt hơi” trong việc ứng phó, nhất là khi huyện chưa có các công trình trữ nước ngọt với quy mô lớn do Nhà nước đầu tư. Về lâu dài, ngành nông nghiệp huyện rất mong các cấp chính quyền tỉnh và Trung ương hỗ trợ cho địa phương có công trình trữ nước ngọt, đảm bảo nước cho sản xuất từ 3-4 tháng mùa khô để ổn định và phát triển nghề sản xuất cây giống. Để ổn định sinh kế, từng hộ dân cũng phải có công trình trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt mang tính “dài hơi” hơn hiện nay.
Thời gian qua, các vùng trồng cây ăn trái tại huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) và một số xã tại huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) vốn nằm cách xa biển nhưng hiện cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của độ mặn trên 3%o. Nhiều nông dân tính đến chuyện ứng phó lâu dài với nước mặn bằng giải pháp đầu tư mua hệ thống máy lọc nước mặn thành nước ngọt nhưng còn gặp khó về nguồn vốn đầu tư. Nông dân rất cần Nhà nước có chương trình cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ, kết nối nông dân với các công ty cung cấp máy lọc nước có uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý. Việc đầu tư máy lọc nước mặn không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm.
Theo phản ảnh của người dân tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, để lấy được nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, phải đầu tư khoan giếng tầm sâu từ 400m trở lên, chi phí đầu tư khoảng 120 triệu đồng/cái. Đầu tư giếng khoan tầm cạn (độ sâu 12-20m) hiện có chi phí khoảng 2-3 triệu đồng/cái, nhưng kém hiệu quả do nước bị nhiễm phèn, kim loại nặng và lượng nước lấy được không nhiều. Tuy nhiên, để bảo vệ nguồn nước ngầm và tránh sụt lún đất, hầu như các địa phương đều không cho phép người dân khoan giếng, nhất là giếng tầm sâu... Nhà nước cần khẩn trương xem xét, nghiên cứu xây dựng ngay các công trình trữ nước ngọt hay nhà máy lọc nước mặn với quy mô lớn ngay tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi hạn, mặn, cũng như xây dựng các hệ thống đường ống vận chuyển nước ngọt từ nơi khác về, giúp người dân có nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất ổn định với chi phí thấp.
ĐBSCL có khoảng 307.000ha cây ăn trái, chiếm gần 40% diện tích trồng cây ăn trái của cả nước, sản lượng trái cung cấp ra thị trường khoảng 4 triệu tấn/năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Theo dự báo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong sẽ tiếp tục ảnh hưởng ngày càng nhiều đến tài nguyên nước ngọt ở ĐBSCL...
Bài, ảnh: VĂN CỘNG