27/04/2018 - 21:23

Tìm đường hội nhập cho Bánh dân gian Nam bộ 

Mỗi năm, Cần Thơ đều tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ và câu chuyện tìm đường hội nhập cho chiếc bánh quê hương lại được nhắc đến. Tạo diện mạo mới cho bánh dân gian từ khâu bao bì, đóng gói đến công nghệ bảo quản được xem là điều kiện tiên quyết để giải bài toán đó.

Câu chuyện của chị Bảy

Tại Hội thảo “Công nghệ bảo quản và bao bì đóng gói bánh dân gian” trong khuôn khổ lễ hội, câu chuyện của nghệ nhân trẻ Lê Thị Bé Bảy (Bình Thủy) được các chuyên gia, nhà kinh doanh chú ý. Chuyện bắt đầu từ chiếc bánh phu thê do mẹ chị truyền lại và giờ đã vang danh, được du khách trong và ngoài nước biết đến. Chiếc bánh với vỏ lá dừa xinh xắn, nhưn bánh đặc biệt, từng được trao Huy chương vàng tại Hội thi Bánh dân gian Nam bộ 2014. Không chỉ là người giữ bếp lửa gia truyền, chị Bảy còn được nhắc đến như một trong những người “khai phá” du lịch cồn Sơn (Bình Thủy). Từ một cù lao nhỏ trên sông Hậu, cồn Sơn vang danh khắp chốn bởi tài nghệ làm bánh dân gian và ẩm thực truyền thống của cư dân. Từ đó hơn 20 hộ dân trên đất cồn đã thoát nghèo nhờ làm du lịch và một trong những điểm thu hút du khách là đến đây thưởng thức, trải nghiệm những loại bánh dân dã: bánh lá mít, bánh kẹp…

Bánh dân gian Nam bộ rất phong phú, hấp dẫn. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Bánh dân gian Nam bộ rất phong phú, hấp dẫn. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chị Bảy cho biết, khi học sinh Trường Việt Úc xem chị trình diễn bánh dân gian đã từ chối gọi chị là “nghệ nhân” bởi với các em, nghệ nhân phải là bà cụ móm mém, đầu đội khăn rằn… Vậy nên, sự trẻ trung và năng động của chị làm các em bỡ ngỡ. Trong khi đó, bánh dân gian Nam bộ rất cần đội ngũ kế thừa trẻ trung này.

Điều làm chị Bảy trăn trở và cũng là nỗi trăn trở của hầu hết nghệ nhân là sự nhỏ lẻ, manh mún khiến bánh dân gian chưa thể đi xa. Chị Bảy chia sẻ thành công bước đầu khi chị làm đầu mối liên kết khoảng 15 hộ dân làm bánh dân gian ở Bình Thủy để cung ứng bánh vào nhà hàng, các điểm du lịch và đang rất thành công. Điều làm nhiều người đau đầu vẫn là phân khúc thị trường bánh dân gian: bánh nào khách đến tận nhà vườn thưởng thức, bánh nào đến nhà hàng. “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong tìm các loại bánh đồng dạng để đóng gói bao bì, bảo quản; giúp chiếc bánh để lâu hơn, đi xa hơn. Sức của nghệ nhân chúng tôi không thể làm nổi” - chị Bảy nói.

Đông tay mới vỗ nên kêu

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA, ví von rằng bánh dân gian chính là: “Sức sáng tạo của người xưa, thử thách với người nay trong xây dựng thương hiệu, nhãn mác và bao bì”. Ông Tuyên cũng đề xuất nghệ nhân rất cần được tiếp cận với công nghệ, nhà quản lý, thị trường. Trong đó, việc xây dựng chiến lược thương hiệu, không chỉ gắn với tôn vinh nghệ nhân mà phải xây dựng môi trường thuận lợi cho các thế hệ kế thừa.

Liên kết - câu chuyện được bàn khá nhiều khi tìm đường cho bánh dân gian theo kiểu “đông tay thì vỗ nên kêu”. Ông Nguyễn Thanh Tùng, đại diện Trung tâm Du lịch nông dân An Giang, cho biết, chính sự liên kết các nông dân người Kinh - Khmer - Chăm trong quảng bá nghề truyền thống, trong đó có bánh dân gian, đã làm nên thương hiệu riêng của du lịch An Giang. Nhờ sự liên kết này mà những loại bánh như bánh Kà Tum, cốm dẹp (người Khmer), bánh vú, bánh Hapal (người Chăm)… đã vang xa, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Rõ ràng, trong thời buổi hội nhập, việc mạnh ai nấy làm bằng bí quyết gia truyền, nhỏ lẻ, thiếu đầu tư sẽ khiến hành trình hội nhập của chiếc bánh quê hương thêm đơn độc.

Tham gia hội thảo còn có nhiều chuyên gia đến từ Nhật Bản. Họ chia sẻ kinh nghiệm rằng, cách đây 20-30 năm, nhiều loại bánh dân gian Nhật Bản cũng chỉ được sản xuất nhỏ lẻ. Vậy nhưng, việc đưa vào công nghệ sản xuất, bảo quản và bao bì, nhãn mác đã giúp bánh dân gian vươn tầm thế giới. Ông Noboru Kondo, Giám đốc điều hành Tập đoàn Brainworks, cho biết sẵn sàng làm cầu nối để xí nghiệp Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong khâu này. Ông cũng cho biết, tháng 11-2018, sẽ có một đoàn doanh nghiệp Nhật Bản khoảng 200 người đến thăm ĐBSCL. “Các bạn có đủ niềm tin làm tất cả các loại bánh dân gian để giới thiệu đến họ không? Nếu được, đó sẽ là cách quảng bá rất tốt”, ông Noboru Kondo đặt vấn đề.

Cũng theo các chuyên gia Nhật Bản, kinh nghiệm thành công của bánh dân gian xứ sở Hoa Anh Đào chính là gầy dựng lòng tin. Người tiêu dùng phải biết rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; nghệ nhân phải chứng tỏ được bánh dân gian họ làm sạch, an toàn. Lòng tin sẽ kết nối người tiêu dùng và nghệ nhân.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết