02/06/2023 - 08:43

Tìm đội ngũ nhạc công đờn tài tử kế thừa 

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Nhà hát Tây Đô vừa bế giảng lớp truyền nghề cho các nhạc công đờn tài tử. Những nhạc công trẻ, yêu nghề, tài hoa tham gia lớp học, với sự trao truyền của các nghệ nhân gạo cội, là tín hiệu đáng mừng cho sự kế thừa...

Nghệ sĩ Phương Anh ca tài tử với phần đệm đờn của các học viên.

Lớp học có 14 học viên là nhạc công đang làm nghề đờn tài tử, cải lương trên địa bàn thành phố và các bạn trẻ đam mê lĩnh vực này. Trong buổi bế giảng, một chương trình biểu diễn thật sự ấn tượng, với những khúc nhạc bổng trầm, được vang lên từ ngón đờn của học viên. Đó là hòa tấu “Long Hổ hội - Lưu Thủy đoản - Kim Tiền Huế”, đờn ca tài tử Ngũ Đối hạ “Thành phố yêu thương”, hòa tấu liên khúc “Chiêu Quân” - “Ái Tử kê”...

Ông Nguyễn Thanh Phú, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, cho biết: Dù thời gian tổ chức lớp không dài nhưng các giảng viên đã truyền dạy những nội dung cơ bản như nâng cao kỹ năng đệm nhạc sân khấu, diễn tấu nhạc tài tử, kỹ năng thực hành 20 bài bản Tổ của đờn ca tài tử cùng một số bài bản quen thuộc của sân khấu cải lương. “Ban Tổ chức hy vọng sau lớp truyền dạy, các học viên sẽ vận dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào công việc thực tế tại cơ quan và đam mê, sở trường của mình thật hiệu quả. Đồng thời, đây chỉ là những kiến thức, kỹ năng cơ bản, các học viên sẽ phải trau dồi, học tập thêm để là những nhạc công đờn tài tử tâm huyết, giỏi nghề”, ông Phú chia sẻ.

Ở lớp truyền nghề này, sự có mặt của nhiều học viên là sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố cho thấy sự kế thừa đáng mừng cho đội ngũ nhạc công đờn tài tử. Em Nguyễn Nhật Khang, sinh viên ngành Sư phạm Tin học, Trường Đại học Cần Thơ, là điển hình. Khang thích đờn tranh và biết đờn từ 2 năm trước. Dù đều đặn tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Trường Đại học Cần Thơ nhưng về kỹ năng, cách sắp chữ đờn, nhấn nhá trong thể hiện... Khang tự nhận thấy vẫn còn chưa điệu nghệ. Khi biết Nhà hát Tây Đô mở lớp, Khang mạnh dạn đăng ký học. “Qua lớp học này, tôi đã tự tin hơn rất nhiều, học thêm nhiều kỹ năng bổ ích”, Khang chia sẻ.

Cũng đến từ Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Trường Đại học Cần Thơ, Lý Văn Như Đệ, sinh viên ngành Việt Nam học, cho biết quê Bạc Liêu, lớn lên trên quê hương có truyền thống đờn ca tài tử nên rất đam mê nghệ thuật này, nhất là đờn tranh. Đệ tự học và dần sử dụng thành thạo cây đờn này, nhưng để chuyên nghiệp thì chưa. “Để thành thạo một cây đờn cần thời gian rất dài. Nhưng qua 1 tuần tham gia lớp học, tôi hiểu hơn về quy cách của lòng bản, sắp câu, nhịp, chữ đờn để thành bản nhạc hoàn chỉnh. Từ đây, tôi sẽ mày mò, học hỏi nhiều hơn nữa để có ngón đờn chuyên nghiệp hơn”, Đệ chia sẻ.

Trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, sân khấu cải lương, lực lượng đờn tài tử luôn gặp khó vì nghề này đòi hỏi sự khổ luyện, đam mê nhưng thu nhập không cao, ít người biết đến. Đó là những người lặng thầm sau cánh màn nhung nhưng lại rất quan trọng. Việc Nhà hát Tây Đô mở lớp truyền nghề là hoạt động thiết thực trong tìm kiếm, bồi dưỡng nhân lực đờn tài tử và cũng là cách nhóm ngọn lửa yêu nghề.

Chia sẻ bài viết