20/10/2014 - 14:59

Tìm cách vượt khó    

Trong 9 tháng đầu năm 2014, thành phố Cần Thơ triển khai nhiều giải pháp, trọng điểm là các chính sách, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, điều hành ngân sách gắn với đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố tiếp tục duy trì ở mức khá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tình hình kinh tế- xã hội thành phố vẫn còn khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa thoát khỏi chu kỳ suy thoái kinh tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của năm 2014 và áp lực cho năm 2015.

Tăng trưởng nhưng vẫn khó

Tăng trưởng kinh tế thành phố trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng 10,5% (cùng kỳ năm 2013 tăng 10,24%); trong đó, khu vực nông lâm nghiệp – thủy sản tăng 0,75%, khu vực công nghiệp- xây dựng tăng 10,11%, thương mại- dịch vụ tăng 12,68% so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 7% so cùng kỳ năm 2013; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) thực hiện 55.882,9 tỉ đồng, mới đạt 57,3% kế hoạch năm nhưng vẫn tăng 8,4% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ 9 tháng thấp và mới đạt 92,5% so với 9 tháng năm 2013, nhưng một số sản phẩm có mức tiêu thụ tăng như: sản xuất đồ uống tăng 14,6%, tôm đông lạnh tăng 14,5%, sản xuất trang phục tăng 14%, sản xuất thuốc- hóa dược- dược liệu tăng 8,2%... Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mới đạt 51,5% kế hoạch năm, giảm 11,7% so cùng kỳ và chỉ đạt 798,6 triệu USD. Theo Sở Công thương thành phố, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu giảm do mặt hàng gạo giảm 30,5% về sản lượng và gần 30% về giá trị; gạo và thủy sản là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố, nhưng mặt hàng thủy sản dù có tăng 1,3% so với cùng kỳ cũng không thể kéo kim ngạch xuất khẩu tăng.

Theo báo cáo của thành phố, tổng thu ngân sách nhà nước theo dự toán được giao 9 tháng đạt 5.428,8 tỉ đồng, đạt 75% dự toán, tăng 13,1% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 4.633,8 tỉ đồng, đạt 71,8% dự toán, tăng 10,9% so cùng kỳ (một số nguồn thu vượt dự toán, gồm: thu từ DN nhà nước vượt 1,3%, thu tiền sử dụng đất vượt 33,5%, thu tiền mặt đất- mặt nước vượt 170,9%); thu thuế hải quan vượt 4,1% dự toán (đạt 765 tỉ đồng), tăng 29% so cùng kỳ. Dù nguồn thu ngân sách tính chung của thành phố tăng, nhưng nhiều quận, huyện vẫn chật vật để đảm bảo thu đạt dự toán được giao. Bởi sản xuất kinh doanh của nhiều DN chưa thoát khỏi sự trì trệ, chính sách thuế thay đổi, điều chỉnh đã tác động rất lớn đến thu ngân sách của các quận, huyện. Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: "Thu ngân sách 9 tháng của huyện mới đạt hơn 50% dự toán giao, huyện hụt khoảng 31,8 tỉ đồng do không thu nguồn từ DN xuất khẩu, thủy sản theo chủ trương điều chỉnh chính sách thuế. Từ nay đến cuối năm, huyện tập trung lắm chỉ có thể đạt 57 tỉ đồng/87,7 tỉ đồng chỉ tiêu mà thành phố giao từ đầu năm". Việc giảm nguồn thu không riêng gì Thới Lai. Theo lãnh đạo quận Ninh Kiều, 9 tháng thu ngân sách của quận đạt 1.567 tỉ đồng, đạt kế hoạch của quận nhưng tính từng nguồn thu thì nguồn thu thuế thu nhập cá nhân mới đạt 64% dự toán, công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt dưới 67%. Do đó, quận phải tăng cường khai thác các nguồn thu khác để bù phần hụt thu như nguồn thu từ tiền sử dụng đất...   

Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Trà Nóc 1, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Sức mua của thị trường chưa cao, DN xuất khẩu ngành gạo, thủy sản vẫn loay hoay vượt khó và thị trường xuất khẩu chưa sáng sủa trong khi rất nhiều rào cản thương mại, kỹ thuật gây bất lợi cho DN. Từ thực tế này, nhiều DN đang khó khăn xoay trở để đạt kế hoạch kinh doanh của năm 2014 và tính bài toán đầu tư cho năm 2015. Làm gì để đảm mục tiêu tăng trưởng, đạt các kế hoạch đề ra trong năm là thách thức rất lớn cho thành phố trong chặng đường tới.

Để vượt rào cản

Trong phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa qua, từ phản ánh của các sở, ngành và quận, huyện, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng yêu cầu lãnh đạo đầu ngành phải chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu kinh tế- xã hội. Đồng thời, phải có khen thưởng kịp thời cho các địa phương, đơn vị hoàn thành tốt công tác thu ngân sách nhà nước. Có kế hoạch cụ thể giúp DN vượt khó, góp phần giữ vững mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. "Muốn đạt chỉ tiêu chung thì các quận, huyện và sở, ngành phải làm hết sức mình, vận dụng nhiều giải pháp khả thi"- Chủ tịch thành phố nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: "Kim ngạch xuất khẩu khó đạt chỉ tiêu năm. Bởi 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo, thủy sản đang vấp rất nhiều rào cản. Gạo xuất theo đường chính ngạch đang khó khăn, các DN đang nỗ lực đi đường tiểu ngạch và đạt kết quả tốt. Cách làm này của DN vừa mang ngoại tệ về cho thành phố, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị; đồng thời đảm bảo giá lúa gạo có lợi cho người nông dân". Để hỗ trợ DN xuất khẩu trên địa bàn, theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2014, thành phố sẽ triển khai giai đoạn 2 của Chương trình Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho DN nhỏ và vừa thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương do Bộ Công thương chủ trì. Đồng thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ DN Cần Thơ đẩy mạnh xuất hàng hóa sang thị trường Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN.

Thời gian qua, các sở, ngành chuyên môn của thành phố còn hỗ trợ DN giới thiệu và bán hàng tại các hội chợ trong nước, quốc tế; giúp DN kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Thực hiện có hiệu quả Chương trình "Kết nối nhà sản xuất- nhà phân phối", đến nay, thành phố đã ký kết 7 biên bản hợp tác cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa giữa TP Cần Thơ và Đà Nẵng; ký kết 9 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cần Thơ và tỉnh Lâm Đồng. Theo ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, kiêm Tổ trưởng Tổ hỗ trợ DN thành phố, từ đầu năm đến nay, các thành viên của Tổ hỗ trợ đã phối hợp cùng các Hiệp hội DN xuống cơ sở và mời DN lên đối thoại để nắm tình hình hoạt động của DN, riêng quý II/2014, Tổ đã làm việc với 15 DN. Nhiều ý kiến kiến nghị của DN đề nghị thành phố xem xét về tiền thuê đất, thuế, vốn sản xuất, cước vận tải,… đồng thời hỗ trợ DN tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Sở NN&PTNT thành phố- thành viên của Tổ hỗ trợ cũng đang hỗ trợ 2 DN trên địa bàn đầu tư xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn theo Quyết định 62 của Chính phủ. Ngoài ra, tổ còn tuyên truyền, phát sổ tay cho DN tìm hiểu quy trình đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ thị trường cho DN thông qua các đợt xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp. Riêng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính cho DN, hiện các DN khởi sự kinh doanh lần đầu đến sở làm thủ tục chỉ trong 2 ngày đã có kết quả (theo quy định là 5 ngày). Từ những việc làm thiết thực này, nhiều DN có cái nhìn tích cực hơn về Tổ hỗ trợ DN và sẵn sàng hợp tác. Thời gian tới, tổ sẽ tiếp tục nâng cao vai trò hơn nữa trong việc giải quyết các kiến nghị của DN để tích cực cùng DN vượt qua khó khăn.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết