Năm nay, nước lũ được dự báo về chậm và ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, tạo thuận lợi cho nông sản xuất lúa thu đông. Song, thời tiết, triều cường và nhiều loại dịch hại diễn biến phức tạp có thể đe dọa đến sản xuất, đặc biệt giá nhiều loại vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến giá thành sản xuất lúa vụ này. Trước thực tế trên, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã hướng dẫn nông dân thực hiện giải pháp giảm chi phí sản xuất, chủ động ứng phó với các điều kiện sản xuất bất lợi để đảm bảo vụ lúa thắng lợi.

Nông dân ở huyện Thới Lai chăm sóc ruộng lúa vụ thu đông 2021.
Nỗ lực kéo giảm chi phí sản xuất
Ông Nguyễn Ngọc Thuận, ngụ ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, xuống giống 15 công lúa vụ thu đông 2021 được 20 ngày tuổi, giống lúa OM 5451. Lúa phát triển tốt, chưa phải phun thuốc bảo vệ thực vật lần nào và ông mới bón phân một lần, với số lượng khá hạn chế ở mức khoảng 8 kg/công. Ông Thuận, cho biết: “Sản xuất lúa thu đông khá thuận lợi cả về điều kiện thời tiết và nguồn nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, giá nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất đã tăng mạnh, đặc biệt là giá nhiều loại phân bón đã tăng từ 250.000-270.000 đồng/bao (50kg) so với cùng kỳ và đang ở mức rất cao, nhiều loại Urê ở mức 600.000-620.000 đồng/bao, DAP 850.000-870.000 đồng/bao. Do đó, tôi phải hạn chế bón phân cho lúa và đẩy mạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất. Vụ hè thu rồi, mỗi công lúa tôi sử dụng tới 50kg phân bón các loại nhưng vụ này tôi dự kiến giảm còn 35-40 kg/công”.
Ðến nay, hơn 10 công lúa sạ giống OM 380 của anh Phan Văn Nhiều ở ấp Ðịnh Hòa A, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai đã được 25 ngày tuổi và lúa đang phát triển khá tốt. Anh Nhiều cho biết: “Ở đây, nguồn nước phục vụ cho sản xuất khá thuận lợi vì đã được Nhà nước đầu tư các hệ thống đê bao và công trình thủy lợi chủ động được nước tưới tiêu. Tuy nhiên, nông dân lo lợi nhuận trong vụ lúa này sẽ khó đạt cao, thậm chí có thể bị thua lỗ do nhiều chi phí sản xuất đầu vào tăng mạnh, trong khi giá lúa đầu ra chưa biết thế nào và tình hình thời tiết, sâu bệnh còn có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều ruộng lúa lên không đều do bị chuột và ốc bươu vàng cắn phá nên tôi phải giặm lúa “lấy công làm lời”, chứ thuê mướn nhân công phải tốn chi phí gần 300.000 đồng/người/ngày, tương đương gần 3 giạ lúa. Ngoài ra, xăng dầu tăng giá, nên giá thuê mướn các loại máy móc làm đất trong vụ thu đông 2021 như: xới, trục... cũng tăng đáng kể so với trước”.
Theo ông Thái Văn Chung, ngụ phường Long Hưng, quận Ô Môn, dù gặp bất lợi do các chi phí sản xuất đầu vào tăng nhưng với sự quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, nông dân tin tưởng có vụ thu đông đạt hiệu quả. Ðặc biệt, điều kiện nguồn nước phục vụ sản xuất trong vụ này là cơ bản thuận lợi, trong khi trình độ sản xuất của nông dân được nâng cao, có khả năng đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất và chủ động ứng phó với các điều kiện sản xuất bất lợi.
Chủ động sản xuất “ăn chắc”
Ðến ngày 7-7, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống gieo trồng lúa vụ thu đông 2021 (còn gọi là lúa vụ 3) được 58.923ha, đạt 101% so với kế hoạch. Lúa thu đông chủ yếu trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, đang phát triển khá tốt và ít sâu bệnh. Hiện một số đối tượng dịch hại như: ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu, bọ trĩ, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá... có xuất hiện trên một số trà lúa nhưng với mật số thấp, gây hại rải rác.
Dự báo của ngành chức năng, năm nay lũ ở mức thấp so với trung bình nhiều năm nhưng có những đợt triều cường ở mức cao hơn cùng kỳ, có thể đe dọa cho sản xuất tại những vùng có hệ thống đê bao và bờ bao chưa đảm bảo. Nông dân cần lưu ý, đặc biệt cần phòng tránh nguy cơ lũ kết hợp với triều cường và mưa bão cực đoan có thể gây ngập úng và thiệt hại cho lúa thu đông. Bên cạnh đó, một số đối tượng dịch hại như: chuột, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá... còn có những diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, ngay từ khá sớm Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất lúa vụ thu đông 2021 và đề ra các giải pháp, khuyến cáo cụ thể nhằm đảm bảo sản xuất lúa thu đông năm 2021 đạt năng suất, sản lượng, chất lượng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết, thiên tai và dịch hại. Theo đó, thành phố khuyến cáo ngành chức năng và nông dân tại các địa phương chủ động rà soát, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, đập đảm bảo điều tiết nước thuận lợi trên đồng ruộng... Bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm, chú ý bón phân lân giai đoạn lúa đẻ nhánh và bón kali để hạn chế đổ ngã, bổ sung phân trung lượng, vi lượng. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường, nhất là các giải pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, tưới ngập - khô xen kẽ, công nghệ sinh thái. Tăng cường cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ thu hoạch bằng cơ giới, sấy sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát và đảm bảo chất lượng sản phẩm...
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG