16/07/2011 - 17:22

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển bền vững

* NGUYỄN THỊ KIM NGÂN
Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

(Tiếp theo và hết)

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, thực hiện tốt chính sách chăm sóc, ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, mọi chính sách và sự biến động về an ninh - chính trị, kinh tế, xã hội ở mỗi nước, mỗi khu vực và trên thế giới đều có những tác động sâu sắc mang tính toàn cầu đến từng quốc gia, vùng, miền, địa phương, đến từng cộng đồng dân cư, từng gia đình, thậm chí đến mỗi con người và ngược lại. Vì vậy, vấn đề an sinh xã hội nói chung, đặc biệt ưu đãi, chăm sóc người có công để không ngừng nâng cao mức sống của họ nói riêng, có ý nghĩa và tác động không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn bị tác động không nhỏ bởi sự ảnh hưởng có tính quốc tế.

 Lãnh đạo quận Cái Răng và phường Hưng Thạnh trao quyết định và tặng quà tại lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách trên địa bàn phường. Ảnh: XUÂN ĐÀO.

Những biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới thời gian qua, như xu hướng giảm phát của kinh tế Nhật Bản, việc chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, những khó khăn về nợ công ở nhiều nước châu Âu, cuộc khủng hoảng chính trị tại 11 nước Bắc Phi, Trung Đông, thảm họa thiên tai ở Nhật Bản (ước tính lấy đi 0,5% tăng trưởng kinh tế toàn cầu), lạm phát,... đang là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia. Những biến động tiêu cực trên đang tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân, trong đó có một bộ phận là người có công với cách mạng và gia đình họ. Mặc dù trong năm 2010 chúng ta đã đạt được tới 17/21 chỉ tiêu đặt ra, tạo đà cho tăng trưởng những tháng đầu năm 2011, nhưng lạm phát cũng đang trở thành nguy cơ lớn đối với nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng 6,12%; giá lương thực, thực phẩm tăng liên tục; cán cân thương mại thâm hụt ở mức cao... Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương cùng nỗ lực vượt khó khăn. Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9-1-2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ đã đề ra một số các chính sách, giải pháp bước đầu ổn định nền kinh tế vĩ mô, phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế; tăng tiềm lực và quy mô nền kinh tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có bảo đảm mức sống cho người có công và thân nhân của họ.

Với mục tiêu chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp ba nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và bản thân đối tượng tự vươn lên, công tác chăm sóc người có công, bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách trong phát triển bền vững đòi hỏi cần thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách đối với người có công, trong đó xem xét hướng dẫn cụ thể hơn một số điểm trong các văn bản hướng dẫn về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận để giải quyết chính sách cho người có công hiện còn tồn đọng; bổ sung và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn việc quy tập, tìm kiếm mộ liệt sĩ, thủ tục và mức hỗ trợ thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng mộ và di chuyển hài cốt liệt sĩ, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin...; thường xuyên xem xét điều chỉnh, bổ sung các chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công phù hợp với thực tế và tình hình kinh tế – xã hội của đất nước.

Hai là, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhanh chóng, giảm phiền hà cho đối tượng chính sách nhưng vẫn bảo đảm chính xác, đầy đủ và minh bạch về chế độ thụ hưởng của người có công. Tổ chức, sắp xếp lại bộ máy quản lý trong lĩnh vực người có công từ khâu nghiên cứu, quản lý chỉ đạo đến tổ chức thực hiện. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu công việc; đồng thời rà soát, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ cả về đạo đức và năng lực trong lĩnh vực công tác người có công. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên công tác xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công. Phát hiện và giải quyết dứt điểm các vi phạm chính sách ưu đãi người có công để tạo sự đồng thuận xã hội cao, tập trung trọng tâm giải quyết những trường hợp đối tượng người thực sự có công còn tồn đọng vì nhiều lý do, nhất là những người do chiến tranh, thiên tai hay vì những lý do đặc biệt mà thất lạc, mất mát hồ sơ, chứng nhận cần thiết nên vẫn chịu sự thiệt thòi.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người có công với cách mạng, huy động tổng hợp các nguồn lực để dành sự ưu đãi chăm sóc tốt nhất cho đối tượng người có công. Phấn đấu để trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong tình hình kinh tế - xã hội đang có nhiều tác động bất lợi đến an sinh xã hội như hiện nay, để người có công và gia đình họ vẫn được bảo đảm ổn định đời sống.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, nhằm nâng cao nhận thức về công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Luôn coi việc chăm sóc người có công vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm cao quý, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ và người có công với cách mạng đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công, từng bước nâng cao đời sống cho các đối tượng chính sách phải vượt qua nhiều rào cản và thách thức. Chúng ta phải coi đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân vì sự phát triển một xã hội lành mạnh, an sinh xã hội bền vững. Làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng cũng là góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, thực hiện công bằng xã hội. Các cấp ủy và chính quyền, các ngành, các cấp, các địa phương phải luôn coi đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra.

(Theo Tạp chí Cộng sản)

Chia sẻ bài viết