Sáng 21-11, Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết: Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Đánh giá kết quả kỳ họp thứ tư và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII; Xem xét thông qua Pháp lệnh Công an xã và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên; Xem xét thông qua Nghị quyết về điều chỉnh tên Tòa án quân sự Quân khu Thủ đô Hà Nội, Tòa án quân sự khu vực Quân khu Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về việc điều chỉnh tên Viện kiểm sát quân sự Quân khu Thủ đô Hà Nội và Viện kiểm sát quân sự khu vực Quân khu Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Biểu khung thuế xuất khẩu.
Trong phiên họp sáng 21-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ tư và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng của các kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu rút kinh nghiệm để có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan hữu quan trong công tác chuẩn bị các nội dung, bảo đảm yêu cầu về chất lượng và tiến độ; cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan khi không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với các dự án luật. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao các cơ quan hữu quan để đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án; chủ động chuẩn bị sớm, chu đáo hơn để thực hiện hiệu quả nội dung chất vấn và trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề, tạo cơ sở thông tin đầy đủ cho việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về chất vấn một cách thiết thực. Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình chuẩn bị, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước để giảm dần tính hình thức, thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của Quốc hội; cách thức tổ chức, tiến hành kỳ họp, trong đó thảo luận tại hội trường cần phải chú trọng tranh luận, phản biện, tập trung vào những vấn đề mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn, còn có ý kiến khác nhau; đồng thời xác định rõ mục đích và giá trị sử dụng kết quả thảo luận tổ để có cách làm phù hợp...
Ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất với những đánh giá được nêu trong báo cáo. Qua tiếp xúc cử tri, nhiều đại biểu cho biết cử tri cả nước đánh giá tốt về kỳ họp thứ tư.
Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII để các đại biểu thảo luận, góp ý kiến cho biết kỳ thứ năm này sẽ trình Quốc hội thông qua 13 dự án luật và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010; trình Quốc hội cho ý kiến 9 dự án luật... Dự kiến Quốc hội làm việc 29 ngày chưa kể ngày nghỉ và bắt đầu vào ngày 5-5-2009; kết thúc khoảng 9-6-2009.
Đa số ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình và đề nghị nên ấn định một ngày khai mạc Quốc hội. Theo tờ trình, dự kiến ngày 5-5-2009 sẽ khai mạc Quốc hội kỳ thứ năm. Đại biểu Phùng Quốc Hiển đề nghị lui xuống khoảng trước hay sau ngày 19-5 để có thời gian chuẩn bị cho kỳ họp tốt hơn.
* Chiều 21-11, phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII tiếp tục chương trình làm việc dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc Hội Huỳnh Ngọc Sơn. Với 100% đại biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Pháp lệnh Công an xã.
Thảo luận trước khi thông qua dự thảo Pháp lệnh, các ý kiến tập trung góp ý vào quy định về tổ chức của Công an xã (điều 10); nơi làm việc và trang bị của Công an xã (điều 15); đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng Công an xã (điều 17); tiền lương và phụ cấp đối với Công an xã (điều 18); chế độ, chính sách với Công an xã (điều 19)... Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nêu ý kiến về quy định tại khoản 3 điều 10, theo đó Trưởng Công an cấp huyện sau khi trao đổi, thống nhất với Chủ tịch UBND xã, đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã nhưng Phó trưởng Công an xã là bán chuyên trách, vậy có thể điều động đi nơi khác được không? Trưởng ban Dân nguyện của QH Trần Thế Vượng yêu cầu làm rõ thêm về khái niệm đào tạo đối với Trưởng, Phó Công an xã và nhấn mạnh đã là đào tạo phải có chương trình cụ thể. Ông Hà Văn Hiền (Chủ nhiệm UB Kinh tế QH) góp ý nên quy định nơi làm việc của Công an xã tại trụ sở UBND xã; cơ chế chính sách đối với Công an xã phải cân đối với các lực lượng khác tại địa phương. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc QH Ksor Phước tán thành ý kiến trên và cho rằng nên quy định lực lượng Công an xã được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập nơi gần nhất. Có ý kiến nêu lên cần bổ sung cụm từ “ trong thời gian công tác” vào quy định về việc khám chữa bệnh của Trưởng, Phó Công an xã và Công an viên.
QUỲNH HOA (TTXVN)