22/04/2013 - 22:24

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp để giảm nghèo bền vững

(CT)- Ngày 22-4-2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững Trung ương đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc thực hiện chương trình giảm nghèo 2 năm (2011-2012), triển khai nhiệm vụ năm 2013 và định hướng đến năm 2015. Tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, đã đến dự.  

2 năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn tập trung nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo như: hỗ trợ người nghèo về khám chữa bệnh, về giáo dục - đào tạo, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chuyển giao khoa học kỹ thuật, trợ giúp pháp lý; nhà ở; tiền điện; tín dụng ưu đãi… đảm bảo cơ bản đời sống hộ nghèo. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6% (năm 2012), bình quân giảm 2,3%/năm. Cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo ĐBSCL còn 9,24%. Riêng TP Cần Thơ, thông qua thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,19% (giảm 2,65% so với đầu giai đoạn), bình quân mỗi năm giảm 1,32%. Tổng nguồn vốn bố trí cho Chương trình giảm nghèo 2 năm là 10.735,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo còn một số hạn chế, như: kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giảm nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng nhiều nơi vẫn còn cao. Tình trạng có quá nhiều chính sách hỗ trợ cũng dẫn đến manh mún, dàn trải nguồn lực, chồng chéo, trùng lắp, hiệu quả chưa cao. Việc chậm hướng dẫn, sửa đổi một số chính sách, các địa phương gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện…

Theo kế hoạch, đến năm 2013, cả nước phấn đấu đạt mục tiêu giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo; đến cuối năm 2015, giảm còn dưới 5% theo chuẩn hiện hành. Theo đó, các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá lại toàn bộ các chính sách giảm nghèo hiện hành; giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, tăng các chính sách khuyến khích tính chủ động, vươn lên của hộ nghèo. Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu khả năng điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách; trong đó, có chính sách cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục hưởng các chính sách ưu đãi như đối với hộ nghèo thêm từ 2-3 năm về khám chữa bệnh, giáo dục - đào tạo, vay vốn tín dụng ưu đãi, nhà ở… Các địa phương tổ chức thực hiện lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giảm nghèo; huy động thêm các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh biểu dương kết quả giảm nghèo từng địa phương, góp phần thúc đẩy tiến độ giảm nghèo cả nước. Phân tích nguyên nhân làm hạn chế công tác giảm nghèo, Phó Thủ tướng lưu ý, các Bộ, ngành cần thống nhất và lồng ghép các chính sách phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ mới, theo hướng mở rộng thêm đối tượng, hạn chế tái nghèo. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ  hộ nghèo vay vốn lãi suất ưu đãi; tạo việc làm gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, xây dựng và nhân rộng điển hình giảm nghèo hiệu quả, làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo và cộng đồng về chủ trương giảm nghèo. Ghi nhận kiến nghị để nghiên cứu, xem xét, Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương cụ thể hóa chỉ tiêu giảm nghèo cả nước vào kế hoạch và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội từng năm cũng như chủ động lồng ghép, bố trí kinh phí và hướng dẫn hộ nghèo thực hiện, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

ANH PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết