15/07/2012 - 19:10

Tiếp nối truyền thống gia đình hiếu học

Chú La Thành Be chuẩn bị bài giảng trước khi lên lớp.  

Năm 2011, gia đình chú La Thành Be (khu vực 3 Sông Hậu, phường Cái Khế) được công nhận là Gia đình hiếu học cấp quận tiêu biểu xuất sắc, được chọn báo cáo điển hình về việc xây dựng Gia đình hiếu học và Dòng họ hiếu học tại Hội nghị tổng kết công tác khuyến học năm 2011 của quận Ninh Kiều. Cùng thời điểm này, UBND phường Cái Khế cũng đã công nhận Dòng họ hiếu học La Thành.

Chúng tôi đến nhà, trời đã xế trưa nhưng chú Be đi thăm ruộng ở quận Bình Thủy vẫn chưa về. Còn cô Nguyễn Thị Tần, vợ chú, đang chuẩn bị nấu đám giỗ cho một người quen. Mấy năm qua, nhờ dịch vụ nấu ăn lưu động và nấu muối, kinh tế gia đình chú Be cải thiện nhiều. Vốn tính hay làm, ngày nào cũng vậy, khoảng 3 giờ sáng, chú Be đã thức dậy nhóm lò nấu muối, sau đó đi thăm ruộng, tối đến lớp tình thương dạy chữ cho trẻ em nghèo trong phường. Nói về chồng, cô Tần và các con không giấu được niềm tự hào bởi chú Be không chỉ sống gương mẫu, trách nhiệm với gia đình mà còn là một tấm gương vượt khó, hiếu học, được nhiều người quý mến.

Chú Be xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở Cần Thơ, cha mẹ quanh năm lam lũ với ruộng đồng, vất vả nuôi con ăn học. Là con trai út trong gia đình 6 anh em, ai cũng có ý thức tự giác học tập, dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn, điều kiện đi lại, ăn học thiếu thốn. Không phụ kỳ vọng của cha mẹ, sau khi nhận bằng tú tài một rồi tú tài hai, năm 1973, chú Be thi đậu vào khoa Văn, Trường Đại học Cần Thơ. Sau giải phóng, khi chú Be đang học năm thứ hai thì các anh chị của chú lần lượt lập gia đình, ra riêng. Lúc đó, nếu muốn tiếp tục việc học, phải xuống tận Sóc Trăng, trong khi cha mẹ già yếu không người chăm sóc, vì chữ hiếu, chú Be đành nghỉ học. Chú Be tâm sự: “Tôi thay cha mẹ làm rẫy, trồng lúa, lo kế sinh nhai. Biết rằng nghỉ học thì không thể tiến thân, nhưng tôi vẫn vui vì sống có ích bên người thân”.

Năm 1976, chú lập gia đình với cô Nguyễn Thị Tần, lúc đó đang làm y sĩ tại An Giang. Thương chồng, cô Tần nghỉ việc, về Cần Thơ phụng dưỡng cha mẹ chồng. Sau đó, 3 người con lần lượt ra đời, gánh mưu sinh càng trĩu nặng. Sau này, khi nhà nước thu hồi và quy hoạch đất sản xuất, chú Be chuyển qua nghề nấu muối, tích cóp nuôi con ăn học. Khó thể quên những năm kinh tế khó khăn, 2 giờ sáng, cô chú đã chèo ghe đi bán muối dạo đến 21-22 giờ mới về. Ngoài giờ học, các con chú Be thay nhau phụ nấu muối để cha mẹ đi bán, rồi chịu khó hái rau, kiếm cá ăn qua ngày, giúp nhau học tập. Qua bao nỗ lực, hai con gái đầu của chú Be tốt nghiệp cao đẳng, còn con trai út sau thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự cũng hoàn tất chương trình cao đẳng nghề. Hiện nay, 3 người con của chú Be đều lập gia đình và có việc làm ổn định. Cô Tần kể: “Chúng tôi đồng lòng nuôi dạy con cái nên người, xem trọng việc học, trau dồi đạo đức, lễ nghĩa, kính trọng thầy cô, sống tốt với mọi người. Lúc ba má chồng tôi bị bệnh, gia cảnh thắt ngặt, nhiều người khuyên cho các cháu nghỉ học, đi làm kiếm tiền nhưng vợ chồng tôi không đành lòng. Đêm đêm, nhìn mấy cha con chong đèn học cùng nhau, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự nhủ phải duy trì nếp nhà hiếu học cho con cháu”.

Không chỉ gia đình chú Be, các anh chị của chú đều nỗ lực nuôi dạy con cái thành đạt. Từ đề nghị của địa phương, anh em chú đồng tâm đăng ký xây dựng Dòng họ hiếu học. Hiện dòng họ La Thành có 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ, 18 cử nhân, 5 cao đẳng, các cháu nội, ngoại đều noi gương ông bà, cha mẹ học rất giỏi, chăm ngoan. Những dịp lễ tết, giỗ chạp, ngày kỷ niệm, anh em quây quần sinh hoạt họ tộc, ôn lại truyền thống hiếu học của dòng họ để giáo dục con cháu siêng năng học hành, hiếu thảo và khen thưởng các thành viên đạt thành tích học tập xuất sắc.

Không chỉ góp sức vào phong trào khuyến học, khuyến tài, vợ chồng chú Be còn rất nhiệt tình với phong trào địa phương. Sau giải phóng, chú Be tình nguyện tham gia công tác bình dân học vụ ở khu vực cồn Khương, phường Cái Khế; xóa mù chữ và phổ cập giáo dục... ở một số khu vực trong phường. Chú cùng với Ban Giám hiệu và thầy cô Trường Tiểu học Cái Khế 1 tập hợp trên 50 em lang thang cơ nhỡ, mồ côi, tổ chức lớp học tình thương, dạy chữ và giáo dục lễ nghĩa. Bên cạnh đó, chú Be cùng nhiều người vận động các nhà hảo tâm đóng góp quần áo, tập viết, gạo, tiền để hỗ trợ các em, duy trì lớp học lâu dài đến khi hoàn thành chương trình tiểu học. Chú Be kể: “Năm học vừa qua, tôi tình nguyện hướng dẫn lớp học tình thương ở khu vực 7, vì thương tụi nhỏ không biết chữ. Tôi thấy lòng ấm áp vì đã giúp được cho các cháu những kiến thức cơ bản đầu đời để có thể tạo dựng tương lai sáng sủa, tốt đẹp hơn”. Hiện nay kinh tế gia đình đã ổn định, được vợ con động viên, ủng hộ, chú Be càng có điều kiện tham gia vào những hoạt động xã hội, hướng tới phục vụ cộng đồng. Trước đây, cô Tần là một nhân tố tích cực trong tổ tiết kiệm phụ nữ, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình... của khu vực. Khi gia đình mở dịch vụ nấu ăn đám tiệc, quá bận rộn nên cô Tần tạm ngưng tham gia một số công tác nhưng vẫn là Tổ trưởng tổ tự quản số 3 khu vực 3 Sông Hậu, phường Cái Khế. Còn chú Be là Tổ trưởng tổ thanh tra nhân dân, góp sức cùng bà con giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Cô Lê Thị Thanh Hằng, Phó trưởng khu vực 3 Sông Hậu, phường Cái Khế, cho biết: “Nhiều năm liền, gia đình chú Be được bình chọn là gia đình văn hóa, hiếu học, tiêu biểu của địa phương. Không chỉ nuôi dạy con cái học hành nên người, có uy tín, sống chan hòa với láng giềng, cô chú còn nhiệt tình tham gia phong trào đoàn thể và các hoạt động xã hội nên được nhiều người dân địa phương quý mến, tín nhiệm”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết