20/06/2022 - 15:06

Tiếng sáo Mèo ở Trường Sa 

Vượt qua núi rừng trùng điệp, tiếng sáo Mèo của người Mông đến với Trường Sa như một món quà đặc biệt của hải trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2022. Tiếng sáo ngân nga, bay bổng mang hơi thở của núi rừng Tây Bắc ngân vang giữa sóng, nước đại dương đã mang đến cho Trường Sa một cảm giác thật yên bình và gần gũi.

Đã thành thông lệ, hằng năm Quân chủng Hải quân phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” gồm cán bộ, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trong cả nước ra thăm, động viên, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Hải trình năm nay có một vị khách đặc biệt đại diện cho tuổi trẻ vùng cao Tây Bắc, đó là Giàng A Hải, Bí thư Chi đoàn Trung tâm văn hoá, thể thao-Truyền thông huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Anh Giàng A Hải là một người con của dân tộc Mông, vinh dự được Trung ương Đoàn lựa chọn là một trong 80 đại biểu là cán bộ đoàn tiêu biểu hoạt động trên các lĩnh vực tham gia chương trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2022”.

Giàng A Hải biểu diễn sáo Mèo tại đảo Trường Sa

Hành trình anh mang theo không chỉ là những thành tích suất sắc trong hoạt động công tác đoàn, anh còn mang đến những âm thanh quyến rũ của núi rừng Tây Bắc qua tiếng sáo Mèo. Anh Giàng A Hải chia sẻ: Bản thân lần đầu tiên được đến với Trường Sa thật sự hồi hộp không biết mang gì, tâm sự gì với bộ đội Trường Sa, thôi thì cứ mang những gì mình vốn có, là bản sắc của dân tộc mình gửi đến các anh lính đảo. Qua những giai điệu của tiếng sáo mèo với các tác phẩm: Xuân về trên bản Mông, Chị Mai xuống chợ, Ước gì em là một đóa hoa... tôi hy vọng sẽ giúp các chiến sĩ có tinh thần lạc quan, vững chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất, ngọn sóng của Tổ quốc.

Trong các chương trình giao lưu văn nghệ giữa bộ đội đảo và đội văn nghệ xung kích của đoàn, sau những màn hát, múa, mỗi khi khi tiếng sáo của Giàng A Hải cất lên, mang theo những cung bậc trầm bổng  tạo nên cảm giác thật bình yên giữa muôn trùng sóng nước Trường Sa. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trên đảo và thành viên đoàn công tác không khỏi ngỡ ngàng khi được nghe tiếng sáo của núi rừng Tây Bắc vang lên giữa khơi xa.

Binh nhất Lý Dân Dương, Chiến sĩ đảo Đá Nam, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là người con của miền đất Nam Bộ chia sẻ: Lần đầu tiên tôi được nghe tiếng sáo Mèo, mà lại ở nơi đặc biệt như thế này, khi tiếng sáo vang lên tôi thấy một cảm giác thật bình yên, thấy được tình cảm chan chứa yêu thương của nhân dân cả nước nói chung, đồng bào Tây Bắc nói riêng gửi đảo xa. Tôi cũng thấy yên lòng và vững tâm hơn với nhiệm vụ mình được giao.

Còn chị Hà Thị Hương Giang, Bác sĩ, Bệnh viện Y học cổ truyền, Hội thầy thuốc trẻ TP. Hà Nội tâm sự: Là một bác sĩ trẻ thường xuyên tham gia các chương trình khám, chữa bệnh tại vùng sâu, xa, là người đã được lên Tây Bắc công tác nhiều lần, bản thân cũng đã được nghe, thưởng thức tiếng sáo Mèo của các chàng trai nơi núi rừng bao la. Lần này tôi được nghe tiếng sáo Mèo nơi đảo xa, tôi có một cảm giác tựa như từ Tây Bắc đến Trường Sa nói riêng và đất liền với biển, đảo không còn khoảng cách.

Trong đêm giao lưu văn nghệ giữa đoàn công tác với quân dân thị trấn Trường Sa nhân kỷ niệm 132 ngày năm sinh Bác Hồ kính yêu, dưới cột mốc chủ quyền, những lời ca dâng Bác dường như ngọt ngào và cảm xúc hơn lạ thường khi tiếng sáo của Giàng A Hải vang lên giai điệu “Bản Người Mèo ơn Đảng”. Tiếng sáo Mèo khi vút cao trên đỉnh núi sương mù, khi hạ xuống mượt mà trên bản làng, nương rẫy…, tiếng của núi, của sông, của người xưa, tiếng con gái, con trai trong ngày hội, tiếng thủ thỉ tình yêu... tất cả như một bản hòa tấu dệt nên một Trường Sa bình yên và hạnh phúc.

Quang Thanh (Báo Hải quân Việt Nam)

Chia sẻ bài viết