05/02/2015 - 21:16

DU LỊCH VĂN HÓA TÂM LINH, LỄ HỘI

Tiềm năng mới của du lịch Cần Thơ

Bên cạnh thế mạnh du lịch sinh thái miệt vườn, Cần Thơ đang trở thành điểm đến về du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội. Mỗi dịp lễ Tết, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Khu di tích Giàn Gừa, Đình Bình Thủy thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan.

"Lâu nay, nghe nói Cần Thơ có thiền viện lớn nhất ĐBSCL, giờ được tận mắt chiêm ngưỡng, tôi cảm thấy thỏa lòng”- bà Nguyễn Thị Hiền, du khách đến từ Hậu Giang, chia sẻ khi vãn cảnh Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam. Chị Thanh Mỹ, con gái bà Hiền, cho biết: “Năm nào, mẹ tôi cũng hành hương về các chùa, thiền viện để cầu an, xin lộc cho con cháu. Nghe Cần Thơ có Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam, mẹ quyết tâm đến dù bà đã trên 70 tuổi”. Không chỉ với du khách lớn tuổi, thiền viện còn thu hút đông đảo nhiều bạn trẻ đến tham quan. Ngọc Hà, sinh viên ở TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Em và nhóm bạn về miền Tây chơi, theo kiểu du lịch bụi, ngang qua nơi nào thì ghé tham quan vài điểm. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam và nhà cổ Bình Thủy là hai điểm đến ở Cần Thơ trong hành trình dọc miền Tây của nhóm”.

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam nằm trên tuyến Lộ Vòng Cung, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, đi vào hoạt động từ tháng 5- 2014, đang trở thành điểm thu hút du khách. Đại đức Thích Bình Tâm, Trụ trì thiền viện, cho biết: “Trung bình mỗi ngày thiền viện đón khoảng 500 lượt khách, những ngày cuối tuần đón từ 1.000- 2.000 khách đến vãn cảnh. Vào những dịp lễ, Tết, lượng khách tham quan lên đến chục ngàn người”. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam thu hút du khách bởi kiến trúc độc đáo: ngôi chánh điện, nhà thờ Tổ được xây dựng theo kiến trúc văn hóa Lý- Trần; Lầu chuông, lầu trống được xây dựng theo tháp chuông chùa Keo (Thái Bình). Điểm nhấn ở 4 hạng mục trên là tất cả đều được làm bằng gỗ lim nhập từ Nam Phi. Riêng tượng phật Thích Ca Mâu Ni thờ ở chính điện được làm bằng đồng nặng 3,5 tấn; đại hồng chung nặng 1,5 tấn. Tượng Bồ Tát và các vị tổ sư được tạc bằng gỗ Du Sam có tuổi thọ 800 năm. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam có tổng diện tích 38.000m2, được phân chia thành nhiều khu như: Quan Âm điện, Di Lặc điện (Thủy tạ), chùa Một Cột, giảng đường, khách đường, trai đường, thư viện, tăng đường, vườn hoa… Dịp Tết Nguyên đán 2015 này, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam sẽ tổ chức đón giao thừa Lễ Phật đầu năm cầu quốc thái dân an, phát lộc đầu năm.

      Du khách tham quan Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Ảnh: KIỀU MAI

      Hát bội tại Lễ Kỳ Yên thượng điền Đình Bình Thủy. Ảnh: LỆ THU

Những ngày cuối năm, Đình Bình Thủy rộn ràng với nhiều hoạt động trong ngày Lễ Kỳ Yên hạ điền (14 đến 15 tháng chạp hàng năm): hội thi mâm xôi ngọt, trò chơi dân gian, hát tuồng cổ, hội thi hoa lan, triển lãm ảnh…thu hút nhiều du khách. Đình Bình Thủy (còn gọi là Long Tuyền Cổ Miếu) là một trong những ngôi đình cổ xưa nhất của đất Nam bộ và còn giữ nguyên hiện trạng. Đến đây du khách vừa ngắm kiến trúc cổ vừa tìm hiểu về quá trình ra đời của đình- gắn liền với quá trình hình thành Làng cổ Long Tuyền. Đình Bình Thủy thuộc di tích kiến trúc tôn giáo và công trình nghệ thuật, rộng hơn 4.000m2, cất trên nền cao ráo, nhà trước nhà sau đều hình vuông, chiều nào cũng có 6 hàng cột tạo thế vững chắc. Đình được chạm khắc công phu, tinh tế với những họa tiết trang trí đậm dấu ấn nghệ thuật dân tộc.

Hằng năm, Đình Bình Thủy có hai lễ hội lớn: Kỳ Yên thượng điền (rằm tháng 4 hàng năm) và Kỳ Yên hạ điền. Lễ hội nhằm chiêm bái các bậc Tiền hiền, Hậu hiền, các vị Anh hùng dân tộc có công khai hoang, mở đất, xây dựng và giữ gìn quê hương đất nước; nguyện cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an. Khác với các kỳ lễ trước, bắt đầu từ năm 2014, phần hội được nâng chất, thêm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phong phú như: đua thuyền truyền thống, các trò chơi dân gian, trưng bày trái cây, hát tuồng, cải lương… Theo đó, lượng khách tham quan đình ngày càng đông, có khi đến hàng chục ngàn người.

Cứ đến ngày 27 và 28- 2 âm lịch, hàng chục ngàn người từ các tỉnh thành đổ về vía Bà Cố Hỉ tại Khu di tích Giàn Gừa (ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền). Trong hai ngày này, Khu di tích Giàn Gừa diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: múa lân, đánh quyền, múa kiếm, múa côn, múa thương, múa võ bộ, biểu diễn đờn ca tài tử, múa bóng rỗi… Lễ chính diễn ra vào ngày 28-2 âm lịch (ngày trồng lại gừa và lập miếu Bà Cố Hỉ) cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt... Khu di tích Giàn Gừa nổi tiếng với cây gừa cổ thụ hơn 150 tuổi, có tán hơn 2.700m2, chiều cao trung bình khoảng 12m, phát triển rất nhiều chi, cành, đan xen với nhau tạo thành giàn lớn nên được gọi là “Giàn Gừa”, từng gắn liền với lịch sử khai hoang mở cõi của nhà Nguyễn. Đặc biệt, đây từng là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng của Khu ủy Tây Nam bộ, Tỉnh ủy Cần Thơ; nơi cất giấu vũ khí, tài liệu; huấn luyện, tập kết và chuyển quân. Sự kỳ lạ và sức sống mãnh liệt của cây gừa qua bom đạn chiến tranh đã tạo nên khung cảnh hoang sơ nhưng không kém phần ấn tượng, đưa Khu di tích Giàn Gừa trở thành điểm thu hút du khách vào các dịp lễ, Tết.

Chỉ mới manh nha, phát triển ở Cần Thơ trong khoảng hai năm nay, nhưng du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội đang trở thành xu hướng được du khách quan tâm khi ghé vùng đất Tây Đô. Đặc biệt, những điểm đến này càng trở nên hấp dẫn khi được nhiều tổ chức, tạp chí công nhận. Cụ thể, cây gừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam” vào năm 2013; Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam nằm trong “Top 100 điểm du lịch văn hóa, tâm linh tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2014” của Trung tâm UNESCO Văn hóa và Thông tin Truyền thông phối hợp cùng tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam khảo sát và biên soạn; tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa Làng cổ Long Tuyền vào “Top 5 ngôi làng cổ nổi tiếng có niên đại hàng trăm năm”.

KIỀU MAI

Chia sẻ bài viết