Du lịch chuyên đề là dòng sản phẩm thu hút thị trường khách nhất định. Sản phẩm của du lịch chuyên đề thường mang tính đặc trưng, chuyên sâu và kén người làm nhưng lại tạo lợi thế cạnh tranh có một không hai. Một số địa phương đã nhìn ra lợi thế này và đang chú trọng đầu tư phát triển.
Du khách quốc tế với sản phẩm xà bông hữu cơ khi trải nghiệm workshop về rác tại Mekong Silt Ecolodge. Ảnh: Mekong Silt Ecolodge
Khi rác được đưa vào câu chuyện du lịch
Biến rác thành sản phẩm trong chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch và đưa rác trở thành câu chuyện "bán" được là chuyện nghe có vẻ không khả thi. Nhưng thực tế, những tour và những sản phẩm vận hành từ rác lại đang tạo sức hút riêng biệt tại Mekong Silt Ecolodge (huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ). Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, cho biết: "Nhiều du khách quốc tế mà chúng tôi tiếp xúc đều nhìn nhận rằng Việt Nam và ÐBSCL rất đẹp, thú vị về văn hóa và con người nhưng họ luôn đặt câu hỏi rằng: vì sao rác vẫn xuất hiện ở nhiều nơi? Câu hỏi đó khiến tôi trăn trở. Tôi bắt đầu tìm hiểu về việc xử lý rác và đó là hành trình để ra đời những sản phẩm về rác trong hoạt động du lịch như hiện nay". Tại Mekong Silt Ecolodge, rác được tái sử dụng theo những mục đích khác nhau với giá trị tuần hoàn. Sau khi phân loại, tùy theo rác hữu cơ hay vô cơ sẽ có những phương pháp xử lý phù hợp. Từ rác hữu cơ, các sản phẩm qua xử lý sẽ có: xà bông, nước rửa chén, nước lau sàn, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học..., thậm chí tạo ra hương liệu, tinh dầu. Với rác vô cơ, các sản phẩm sẽ được tái chế thành những chậu hoa, bóng đèn… trang trí trong khuôn viên của khu nghỉ dưỡng. Từ những sản phẩm này, Mekong Silt Ecolodge đã hình thành nên những workshop, tour để du khách tham gia đồng hành xử lý, tái chế rác tạo những sản phẩm hữu ích, vừa lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền cho biết thêm: "Hiện nay có nhiều đơn vị, du khách quốc tế, trong đó có các nhà nghiên cứu, chuyên gia về môi trường tìm đến chúng tôi tham quan, trải nghiệm mô hình này. Khi làm sản phẩm chuyên đề về rác, tôi chỉ có mong muốn là góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm với môi trường đến với mọi người. Không nghĩ rằng có thể tạo được sức hút và lan tỏa tốt như vậy".
Câu chuyện biến rác thành sản phẩm du lịch của Mekong Silt Ecolodge không chỉ là sự sáng tạo tạo sản phẩm khác biệt mà còn cho thấy sức hút của các sản phẩm chuyên đề. Thực tế, các tour chuyên đề về rác đã được hình thành tại Quảng Nam, giúp địa phương này định vị thương hiệu du lịch xanh trong nhiều năm qua. Cho đến nay, các tour bảo vệ môi trường tại Quảng Nam vẫn có sức hút và thường trở thành điểm đến lựa chọn của nhiều du khách, các chuyên gia môi trường và cả những đơn vị muốn học tập mô hình du lịch xanh.
Hình thành những tour chuyên biệt
Theo tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch chuyên đề về bản chất là các hoạt động đi đến các địa điểm nổi tiếng, bên cạnh tham quan, ngắm cảnh, trải nghiệm tại điểm đến, du khách còn nghiên cứu, tìm hiểu sâu các giá trị cốt lõi về văn hóa, con người và thiên nhiên. Du lịch chuyên đề rất đa dạng: du lịch tham dự thể thao, du lịch dã ngoại, du lịch ẩm thực, du lịch bảo tàng, du lịch giáo dục, du lịch hành hương, du lịch sức khỏe, du lịch văn hóa, du lịch biển đảo… Tại Việt Nam có thể phát triển đa dạng nhiều sản phẩm du lịch với các tour chuyên đề: du lịch lịch sử, du lịch về nguồn, du lịch ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch giáo dục, du lịch tham dự thể thao, du lịch điện ảnh…
Du khách với trải nghiệm khám phá đường sông bằng cano. Ảnh: Kiều Mai
Thực tế, một số địa phương đã chú trọng xây dựng phát triển những sản phẩm chuyên đề. Ví như tại Ninh Thuận hay Côn Ðảo... du khách có thể tham gia thả rùa biển. Tại TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội... cũng đang triển khai nhiều chương trình tour độc đáo chuyên đề lịch sử tại Củ Chi, Hỏa Lò. Những sản phẩm này đều tạo được ấn tượng với những phân khúc khách riêng biệt.
Tuy nhiên, phát triển du lịch chuyên đề vẫn còn rất hạn chế bởi nhiều khó khăn. So với các sản phẩm phổ thông, sản phẩm du lịch chuyên đề cần phải có nhân sự nắm vững chuyên môn để thiết kế các trải nghiệm chuyên sâu. Mặt khác, các sản phẩm du lịch chuyên đề phải dựa trên lợi thế, tài nguyên có sẵn ở điểm đến, bên cạnh bản sắc văn hóa địa phương. Do đó, nhiều tiềm năng về du lịch chuyên đề thường bị bỏ quên bởi chưa biết cách khai thác phù hợp.
Tại ÐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng, sản phẩm du lịch chuyên đề không nhiều vì chưa được chú trọng khai thác. Tuy nhiên vẫn có các đơn vị dấn thân, khai thác những sản phẩm độc đáo. Ðiển hình như hành trình khám phá các cửa sông bằng cano của Công ty TNHH Du lịch thám hiểm và sự kiện đồng bằng Mekong. Ðó là sản phẩm chuyên đề về hành trình trải nghiệm văn hóa sông nước miền Tây theo dòng về các cửa sông. Theo đó, du khách còn khám phá cuộc sống của người dân bản địa ở các cồn, cù lao trên sông. Những sản phẩm chuyên đề này không dễ xây dựng và thực hiện, nhưng tạo nên sự khác biệt và có sức hút riêng. Ông Ðỗ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch thám hiểm và sự kiện đồng bằng Mekong, cho biết: "Khi tham gia tour này, du khách sẽ có những trải nghiệm độc đáo không phải nơi đâu cũng có được, ví dụ như nét đặc trưng nuôi thủy hải sản dưới tán rừng ở ÐBSCL. Vùng đất này có hệ sinh thái rất đa dạng và độc đáo, từ hệ sinh thái nước ngọt, nước mặn đến cồn ngọt, cồn mặn… chắc chắn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị khi du khách tìm hiểu và tiếp xúc người địa phương".
Xây dựng du lịch chuyên đề sẽ tạo ra những sản phẩm độc đáo, có một không hai để thu hút du khách. Tuy nhiên để làm những sản phẩm này phải có sự đầu tư nghiêm túc, sự liên kết chặt chẽ từ nhiều phía. Sản phẩm du lịch chuyên đề không chỉ tạo dấu ấn khác biệt mà còn góp phần định vị giá trị điểm đến.