07/12/2018 - 20:34

Tích cực chuẩn bị Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Công văn số 5480/BGDĐT-QLCL về việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia (Kỳ thi) năm 2019. So với năm 2018, Kỳ thi năm 2019 có một số điểm mới quan trọng, nhằm hướng đến một kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Ghi nhận từ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trên địa bàn TP Cần Thơ, những điểm mới này vừa siết chặt kỷ luật Kỳ thi, vừa giúp học sinh giảm áp lực ôn luyện. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm cần làm rõ để giáo viên, phụ huynh và học sinh an tâm hướng đến Kỳ thi.

Thí sinh dự Kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Ðồng tình phương án siết chặt Kỳ thi

Một trong số điểm mới quan trọng của Công văn 5480 liên quan đến việc siết chặt công tác thi, chấm thi nhằm đảm bảo một Kỳ thi an toàn nghiêm túc, đúng quy chế. Điều này nhận được sự đồng tình cao của cán bộ quản lý ngành giáo dục, các trường đại học, cao đẳng và thầy trò các trường THPT trên địa bàn thành phố. Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: Chúng tôi ủng hộ cao những điểm mới của Kỳ thi 2019; trong đó có việc siết chặt công tác coi thi và chấm thi. Việc Bộ sẽ điều động cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng đến các Hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình, là hợp lý. Việc tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh, sẽ trên nguyên tắc không tạo xáo trộn và không thay đổi lớn so với 2018. Trên cơ sở này, công tác tuyển sinh năm 2019 của trường không thay đổi, vẫn dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia của thí sinh.

Dư luận cũng đồng tình những thay đổi kỹ thuật trong kỳ thi, như: quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật; đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày; Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép… Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận Cái Răng, cho biết: Việc xử lý bài thi trắc nghiệm như một hình thức “đánh phách” điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh, để tránh người dùng can thiệp trong suốt quá trình xử lý bài thi, sẽ hạn chế tiêu cực, đảm bảo công bằng, khách quan của Kỳ thi.

Tích cực chuẩn bị cho thí sinh

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với phương án thi THPT Quốc gia năm 2019 của Bộ GD&ĐT, nhiều học sinh, thầy cô giáo vẫn còn một số băn khoăn liên quan đến nội dung đề thi, vì phạm vi kiến thức ôn tập. Có ý kiến cho rằng “Nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12” là thuật ngữ mơ hồ, bởi chưa nói rõ trong nội dung đề thi có bao nhiêu phần trăm kiến thức lớp 12 và còn lại bao nhiêu phần trăm có thể liên quan đến lớp 10, 11. Nếu điều này được làm rõ, thầy trò các trường sẽ có định hướng ôn tập tốt hơn. Nguyễn Minh Kha, học sinh lớp 12A12, Trường THPT Thới Lai, cho biết: “Khi biết thông tin về kiến thức chủ yếu trong nội dung đề thi, em rất mừng vì giảm áp lực học tập, ôn luyện sẽ nhẹ nhàng hơn. Nhưng em vẫn lo, vì nếu nói “chủ yếu là chương trình lớp 12” thì không biết có bao nhiêu phần là của lớp 10 và lớp 11”. Theo thầy Đặng Huỳnh Giúp, giáo viên Trường THPT Thới Lai, việc phân bổ tỷ lệ rõ ràng trong nội dung đề thi, sẽ giúp thầy và trò chủ động điều chỉnh nội dung ôn tập sao cho phù hợp, nâng cao hiệu quả ôn luyện. 

Giờ học môn Hóa học của học sinh lớp 12, Trường THPT Thới Lai.

Năm nay, Trường THPT Thới Lai có 574 học sinh lớp 12. Từ đầu năm học, trường định hướng cho học sinh lớp 12 đăng ký theo tổ hợp môn (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). Sau đó, trường xếp lớp tổ chức nâng cao chất lượng đại trà trái buổi; đồng thời phân luồng học sinh theo năng lực để có lịch ôn tập phù hợp... Thầy Đồng Văn Khuyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, nói: “Trường còn tổ chức cho những học sinh yếu (4 lớp) ôn tập trái buổi, giúp các em nắm vững sâu, nhớ lâu kiến thức. Ngay sau khi Bộ ban hành công văn mới, trường chỉ đạo các tổ bộ môn, giáo viên điều chỉnh một số nội dung ôn thi, để nâng cao hiệu quả Kỳ thi”.

Đối với Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng), những năm qua trường có chủ trương tập trung ôn thi cho học sinh khối 12 chương trình lớp 12 và một số kiến thức trọng tâm, cơ bản của khối lớp 10, 11 nên khi Bộ công bố những điểm mới thì trường không quá bị động. Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết: “Năm nay, trường có 318 học sinh lớp 12 dự thi, nên ngay sau khai giảng năm học mới, trường đã bắt tay ôn tập cho các em, tránh bị động và nâng cao hiệu quả học tập”. Tuy nhiên, thầy Bằng cũng bày tỏ băn khoăn liên quan đến cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT. Năm 2019, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi Kỳ thi THPT Quốc gia và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh cộng với điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Điều này đồng nghĩa với tỷ trọng điểm bài thi trong tương quan với tỷ trọng điểm trung bình cả năm lớp 12 là 70-30. Trong khi, năm 2018, tỷ trọng này là bằng nhau 50-50. Thầy Bằng phân tích: Với cách tính này, chúng tôi băn khăn liệu điểm nghề của học sinh sẽ cộng vào cụ thể như thế nào, nên Bộ cần quy định rõ hơn.

Hiện nay, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã triển khai những công văn liên quan đến Kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Tất cả 33 trường THPT trên địa bàn thành phố đều đã triển khai các điểm mới về thi THPT Quốc gia đến giáo viên, học sinh; cũng như đã có động thái chủ động tổ chức ôn thi cho học sinh. Theo thầy Nguyễn Phúc Tăng, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP Cần  Thơ, trong hai điểm mới liên quan trực tiếp đến học sinh, thì sự thay đổi trong tỷ trọng để xét tốt nghiệp THPT là rất quan trọng. Năm 2018, thí sinh đạt điểm trung bình lớp 12 được 7,0 điểm thì điểm trung bình các bài thi Kỳ thi THPT Quốc gia chỉ cần đạt 3,0 điểm là đậu tốt nghiệp THPT. Song, năm 2019, thí sinh phải đạt điểm trung bình các bài thi Kỳ thi THPT Quốc gia 4,14 điểm mới đậu tốt nghiệp THPT. Điểm mới này cho thấy Bộ GD&ĐT nâng cao giá trị của Kỳ thi, học sinh không nên chủ quan và cần nỗ lực tập trung ôn thi nghiêm túc. Thầy Tăng nhấn mạnh: “Sở GD&ĐT thành phố chỉ đạo các trường nhanh chóng triển khai điểm mới của Kỳ thi; điều chỉnh kế hoạch dạy học, theo hướng tập trung truyền tải nội dung kiến thức lớp 12. Các trường tiến hành dạy kiến thức mới đồng thời tổ chức ôn tập với hình thức cuốn chiếu, giúp học sinh nắm vững kiến thức một cách có hệ thống. Đồng thời yêu cầu các trường phổ thông chỉ đạo các tổ chuyên môn phân tích kỹ cấu trúc của đề thi minh hoạt mà Bộ GD&ĐT vừa công bố; trên cơ sở đó, các tổ chuyên môn xây dựng đề cấu trúc tương tự đề minh họa để học sinh thi thực không bỡ ngỡ, thi đạt hiệu quả”. 

*

*     *

Với những thay đổi tích cực được hình thành trên cơ sở những bài học kinh nghiệm từ các Kỳ thi trước, Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 được kỳ vọng sẽ đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT.

Bài, ảnh: Bích Ngọc

Chia sẻ bài viết