03/07/2009 - 22:36

Bà Võ Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP Cần Thơ:

Thường xuyên cập nhật thông tin để kịp thời hỗ trợ cho lao động mất việc

 

Trước tình hình suy giảm kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp cũng như tác động đến việc làm, thu nhập, đời sống người lao động, ngày 23-2-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các ngành chức năng TP Cần Thơ cũng triển khai thực hiện Quyết định này. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này, bà Võ Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho biết:

Trong năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, tình hình suy giảm kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng, tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Vì vậy, có những doanh nghiệp phải giảm bớt giờ làm việc và sắp xếp lại lao động, do đó thu nhập hàng tháng của người lao động cũng giảm theo.

Tuy nhiên, việc thực hiện hiệu quả các giải pháp triển khai gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ đã kịp thời giải quyết các vướng mắc, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh được duy trì tương đối ổn định và từng bước phát triển. Tăng trưởng kinh tế giữ được mức khá so với mức tăng chung của cả nước; các khoản thu chủ yếu của ngân sách nhà nước đều đạt so với dự toán; đồng thời, khôi phục lại thu nhập của người lao động. Ngoài ra, đầu năm 2009, Chính phủ nâng mức lương tối thiểu chung từ 540.000 đồng lên mức 650.000 đồng và tăng mức lương tối thiểu vùng lên 690.000 đồng và 740.000 đồng. Nếu so sánh, tiền lương của người lao động không bị giảm khi làm việc đủ thời gian theo quy định.

* Theo bà, ngành chức năng đã làm gì để nắm được thông tin về tình trạng phá sản của doanh nghiệp ở TP Cần Thơ, qua đó kịp thời bảo vệ quyền lợi cho người lao động?

- Theo quy định của Thông tư số 20/2003/TT BLĐTBXH, các doanh nghiệp báo cáo tình hình sử dụng lao động 6 tháng đầu năm và dự kiến tuyển lao động 6 tháng cuối năm cho Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ. Qua đó, ngành chức năng mới nắm được tình hình diễn biến của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có những diễn biến đột xuất thì ngành chức năng sẽ có công văn đề nghị doanh nghiệp báo cáo cụ thể tình hình lao động tại thời điểm đó; đồng thời, bộ phận thanh tra, bộ phận quản lý lao động - việc làm các cấp có kế hoạch kiểm tra đột xuất tình hình lao động, việc làm theo pháp luật lao động.

Các doanh nghiệp luôn chú trọng ổn định sản xuất để tạo việc làm cho công nhân.
(Trong ảnh: Giờ sản xuất của công nhân Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành).  

Tính đến thời điểm này, ở TP Cần Thơ chưa có doanh nghiệp nào phá sản. Việc tuyên bố phá sản do tòa án tuyên bố và đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định của Luật Phá sản và các văn bản quy định của Chính phủ. Trường hợp người lao động bị mất việc, thôi việc không tìm đến cơ quan chức năng thì vẫn có thể thống kê được theo báo cáo của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để nắm chắc số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH đang chỉ đạo các quận, huyện tiến hành rà soát tình hình lao động, việc làm của khoảng 2.087 doanh nghiệp trên địa bàn.

Qua thực hiện Công văn số 564/UBND - KT, trong tháng 2-2009, Sở LĐ-TB&XH kết hợp với các ngành chức năng thành phố đã khảo sát và thống kê tình hình sản xuất cũng như việc làm, thu nhập của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Kết quả cho thấy, lao động nghỉ việc là lao động thời vụ hoặc lao động tự ý nghỉ việc sau Tết... nhưng các doanh nghiệp cũng tuyển được lao động thay thế nên biến động lao động không nhiều. w Theo bà, có khó khăn, vướng mắc gì trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở TP Cần Thơ? - Sau khi tiếp nhận các văn bản: Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế và Thông tư số 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC, ngày 27-2-2009 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ở địa phương được ban hành, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ đã tổ chức triển khai 2 cuộc cho 435 doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo cho Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện tổ chức triển khai đến các doanh nghiệp còn lại trên địa bàn.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ vẫn chưa nhận phương án sắp xếp lao động theo quy định trên của doanh nghiệp, cũng như chưa nhận được phản ánh nào về những vướng mắc và khó khăn của người lao động đối với tình hình vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để tự tạo việc làm, học nghề.

* Xin bà cho biết, ngành chức năng thành phố đã, đang và sẽ làm gì để triển khai thực hiện tốt Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg kịp thời hỗ trợ đối với doanh nghiệp và người lao động?

- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, Sở LĐ-TB&XH thành phố chỉ đạo các Trung tâm Giới thiệu việc làm trên địa bàn tổ chức các đợt giới thiệu việc làm (theo hình thức sàn giao dịch việc làm), tiếp tục tổ chức các Điểm hẹn việc làm ở các quận, huyện. Trong đó, chú trọng việc ưu tiên giải quyết việc làm cho người lao động bị mất việc sớm có việc làm, thu nhập ổn định để nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, ngành sẽ tiến hành rà soát tình hình lao động việc làm ở các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố, kịp thời nắm tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp, để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn. Song song đó, ngành sẽ tiếp tục quan tâm và thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình lao động, việc làm và yêu cầu các quận, huyện liên hệ thường xuyên với cơ sở, cập nhật kịp thời số lao động nghỉ việc, mất việc trở về địa phương để kết hợp các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tuyển lao động theo hướng chuyển đổi ngành nghề.

* Xin cảm ơn bà!

ANH PHƯƠNG (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết