31/03/2025 - 21:55

Thưởng tiền cho doanh nghiệp liên kết trồng lúa giảm phát thải 

Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV vừa phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tổ chức trao giải thưởng cho các doanh nghiệp có thành tích trong thực hiện Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ÐBSCL (TRVC), giúp giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, có 8 doanh nghiệp đã được tặng thưởng tiền, với tổng số tiền thưởng hơn 3,18 tỉ đồng. Ðây là động lực rất lớn để các doanh nghiệp tiếp tục tham gia liên kết với nông dân để nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất lúa gạo bền vững, giảm phát thải.

Sản phẩm gạo của doanh nghiệp tham gia Dự án TRVC được trưng bày, giới thiệu trong dịp trao giải vụ đầu tiên của dự án vừa được tổ chức ở TP Cần Thơ.

Doanh nghiệp được thưởng tiền tỉ

Trong khuôn khổ Dự án TRVC, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV vừa phối hợp Bộ NN&MT tổ chức lễ trao giải vụ 1 (vụ hè thu 2024) cho các doanh nghiệp có thành tích trong thực hiện Dự án TRVC. Kết quả đã có 8 doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân để sản xuất lúa gạo bền vững và giảm phát thải đã được tặng thưởng tiền, với tổng số tiền thưởng hơn 3,18 tỉ đồng. Trong vụ mùa đầu tiên của dự án, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính (Công ty Chơn Chính) là đơn vị đã đạt được số tiền thưởng cao nhất, với hơn 1,16 tỉ đồng. Công ty Chơn Chính đã đăng ký dự thi với diện tích hơn 1.514ha, đạt mức giảm phát thải khí nhà kính trung bình 6,57 tấn CO2/ha và lợi nhuận trung bình của nông hộ đạt 68,41%.

Cùng với Công ty Chơn Chính, còn có các doanh nghiệp khác được tặng thưởng tiền gồm Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam được thưởng hơn 456,18 triệu đồng; Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An hơn 372,63 triệu đồng; Công ty TNHH Xuân Phương Kiên Giang hơn 351,69 triệu đồng; Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed được thưởng hơn 318,7 triệu đồng; Công ty CP lương thực A An hơn 301,98 triệu đồng; Công ty TNHH Angimex-Kitoku hơn 147,86 triệu đồng và Công ty CP TPTN King Green hơn 69,84 triệu đồng.

Ðược sự tài trợ của Ðại sứ quán Úc tại Việt Nam, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV phối hợp Bộ NN&MT và Sở NN&MT 3 tỉnh An Giang, Ðồng Tháp và Kiên Giang triển khai Dự án TRVC. Dự án TRVC đi tiên phong sử dụng cơ chế trao giải thưởng dựa trên kết quả để khuyến khích và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo để đẩy mạnh việc ứng dụng trên quy mô lớn các công nghệ sản xuất lúa tiến bộ nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho các nông hộ nhỏ và toàn thể tác nhân trong chuỗi. Nâng cao chất lượng lúa gạo và các giá trị xã hội bao trùm, đồng thời đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Ở vụ đầu tiên của Dự án, đơn vị kiểm định độc lập đã tính toán và tổng hợp các kết quả từ từng ô ruộng đăng ký tham gia dự án của các doanh nghiệp. Sự nỗ lực của doanh nghiệp và bà con nông dân liên kết với các doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực cả về kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt các ruộng lúa đều giảm được phát thải khí nhà kính. Dự án TRVC đặt mục tiêu đạt mức lợi nhuận tối thiểu là 30% cho các nông hộ sản xuất nhỏ, nhưng trên thực tế, mức lợi nhuận của nông dân trong vụ đầu tiên triển khai dự án đã đạt rất cao, với mức bình quân đạt hơn 59%, ngoài ra nông dân còn được doanh nghiệp chia tiền thưởng từ dự án. Về hiệu quả môi trường, tổng lượng giảm phát thải là 27.161,98 tấn CO2 tương đương/tổng diện tích 6.165,51ha. Về hiệu quả xã hội, 100% các doanh nghiệp tham gia dự án đã lồng ghép các chính sách và thực hiện các biện pháp đảm bảo công bằng xã hội trong chính nội tại doanh nghiệp và tại các chuỗi liên kết ở 3 tỉnh thực hiện dự án… Qua đó, dự án đã thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và góp phần thực hiện mục tiêu của Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030. Dự án cũng góp phần trực tiếp vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tiếp tục phát huy

Việc được Dự án TRVC tặng thưởng tiền khi tham gia liên kết với nông dân để sản xuất lúa gạo bền vững và giảm phát thải đã mang lại niềm vui và vinh dự lớn cho doanh nghiệp. Ðồng thời, tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp tục phát huy, nhân rộng diện tích sản xuất lúa giảm phát thải.

Bà Trần Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Angimex-Kitoku, cho biết: “Công ty rất vinh dự được nhận giải thưởng và nó là nguồn động lực rất lớn để đơn vị tiếp tục nhân rộng thực hiện trong các vụ lúa tiếp theo”. Còn theo bà Trần Thị Trà, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed, bà rất vui và vinh dự khi ThaiBinh Seed được tặng thưởng tiền. Trong vụ đầu tiên của Dự án TRVC, công ty đã đăng ký tham gia với diện tích 661,3ha và liên kết với 165 hộ dân tại các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp và Kiên Giang. Kết quả đã giúp giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính hơn 2.716 tấn CO2, tương đương giảm bình quân 4,11 tấn CO2/ha và lợi nhuận trung bình của nông hộ đạt 45% - cao hơn so với mức yêu cầu của dự án là 30%. Công ty vô cùng vinh dự và tự hào khi đóng góp vào kết quả ý nghĩa này. Công ty cũng xác định có trách nhiệm trong việc thúc đẩy chuyển đổi hệ thống sản xuất lúa gạo theo hướng giảm phát thải. Công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích thực hiện dự án trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Công ty TNHH Chơn Chính được nhận giải thưởng vụ 1 với số tiền hơn 1,16 tỉ đồng.

Dự án TRVC được triển khai thực hiện từ năm 2023 và kéo dài đến năm 2027. Theo Ban quản lý Dự án TRVC, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, xuất khẩu gạo, nhà máy xay xát, doanh nghiệp sản xuất giống, phân bón và cung ứng vật tư được thành lập và đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có cơ hội bình đẳng và được khuyến khích nộp hồ sơ và tham gia dự án. Qua đó, có cơ hội giành các giải thưởng tiền mặt và phi tiền mặt hấp dẫn, đồng thời được công nhận là doanh nghiệp đi tiên phong, sản phẩm hoặc công nghệ dự thi của doanh nghiệp được kiểm định và chứng nhận giảm phát thải nhà kính của đơn vị kiểm định quốc tế… Theo bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án TRVC, dự án sử dụng vai trò “đầu tàu kéo” của doanh nghiệp để giúp nông hộ trồng lúa cải thiện về sinh kế và giảm được phát thải nhờ áp dụng các biện pháp sản xuất lúa bền vững và cải thiện liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo. Dự án cũng hỗ trợ phát triển thương hiệu gạo carbon thấp và sử dụng bằng chứng của dự án để góp phần giúp các cơ quan chức năng cập nhật các chính sách nhằm giúp chuyển đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải thấp. Dự án sẽ thực hiện trong 6 vụ, hiện đã hoàn thành vụ đầu tiên và đang triển khai vụ thứ 2 là đông xuân 2024-2025. Qua vụ đầu tiên đạt nhiều kết quả tích cực và doanh nghiệp có được động lực rất mạnh mẽ nên diện tích lúa đăng ký tham gia trong vụ thứ 2 đạt hơn 33.570ha, tăng hơn 5,5 lần so với vụ đầu tiên.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Chia sẻ bài viết