07/05/2015 - 09:57

Thực thi quyền của người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khóa 12 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng (NTD) cũng như các doanh nghiệp chân chính. Tuy nhiên, công tác quản lý, tuyên truyền để NTD biết quyền và nghĩa vụ của mình đúng luật còn nhiều vấn đề nan giải.

* Thực trạng

Cùng với sự phát triển, mở rộng của ngành thương mại dịch vụ, các vụ vi phạm quyền lợi NTD có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Trong những năm qua, hàng loạt các vụ vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của NTD đã xảy ra như: xăng A83 bán với giá A92, nước tương nhiễm chất 3-MCPD, nước mắm ghi độ đạm sai sự thật, sản xuất kinh doanh mỡ động vật, da heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, sữa có chứa chất melamine, nón bảo hiểm không đảm bảo an toàn chất lượng, hàng dệt may, đồ chơi trẻ em, thực phẩm, trái cây… có chất độc hại. Cùng đó, nhiều điểm kinh doanh không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ trách nhiệm bảo hành hàng hóa hay từ chối bảo hành cho NTD vì cho rằng hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đã quá thời hạn bảo hành; từ chối trách nhiệm về việc bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho NTD… Khi Luật BVQL NTD có hiệu lực thi hành, các Hội BVQL NTD tại các địa phương phát triển rất nhanh về số lượng. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của các Hội này còn nhiều hạn chế. Nhiều thành viên trong Ban thường trực của Hội không phải là người nắm vững các quy định pháp luật nên việc hòa giải, tư vấn pháp luật cho NTD chưa chính xác, chưa phù hợp với các quy định pháp luật, gây hậu quả xấu cho NTD. Được thành lập từ năm 1999, Hội BVQL NTD TP Cần Thơ đã tạo được “điểm tựa” cho NTD. Hội đã tiếp nhận xử lý và hòa giải các vụ việc về chất lượng sản phẩm hàng hóa, giá cả hàng hóa giao không đúng chất lượng, nghĩa vụ bảo hành…

 Nhiều đơn vị sản xuất đã thành lập các điểm bán hàng đối chứng, mở rộng các kênh bán hàng trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng.

Trong năm 2014, Hội BVQL NTD TP Cần Thơ cùng phối hợp với đội QLTT số 6 (đội chống hàng giả), Chi cục QLTT TP Cần Thơ kiểm tra phát hiện 17 vụ kinh doanh bột ngọt giả và 1 công ty có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ và phạt tiền trên 143 triệu đồng, đồng thời tiếp nhận nhiều đơn khiếu nại về dấu hiệu hàng hóa kém chất lượng. Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Giang, Thư ký Hội BVQL NTD TP Cần Thơ, hoạt động của Hội còn nhiều hạn chế, khó khăn. Hội không có nguồn thu ổn định, chỉ giải quyết trực tiếp tại văn phòng Hội khi NTD khiếu nại. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ NTD chưa được quy định một cách rõ ràng, hoạt động chưa gắn kết chặt chẽ. Công tác kiểm tra, xây dựng củng cố các Chi hội tại các quận, huyện chưa làm được. Trong giải quyết các vụ khiếu nại đều phải dùng phương tiện cá nhân; kinh phí không có nên chưa thực hiện được thường xuyên việc tuyên truyền sâu rộng đến NTD… Do đó, các vụ việc vi phạm quyền lợi NTD thường không được phát hiện kịp thời và xử lý triệt để. Mặt khác, NTD với tổ chức, cá nhân kinh doanh khi có tranh chấp thường là những tranh chấp nhỏ và ngại làm đơn khiếu nại; chưa biết sử dụng hoặc sử dụng chưa tốt quyền của mình một cách có hiệu quả. Mặt khác, tâm lý của hầu hết NTD thường không muốn đến cơ quan Nhà nước để giải quyết vì ngại tốn kém chi phí, mất thời gian... Lợi dụng điều này, nhiều tổ chức cá nhân kinh doanh thường xem nhẹ việc bảo vệ quyền lợi cho NTD.

*NTD cần được bảo vệ quyền lợi

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát tốt; cùng đó, hoạt động của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo vệ quyền lợi cho NTD còn nhiều hạn chế, do vậy NTD phải biết tự bảo vệ tốt cho quyền của mình. NTD cần: Xác nhận với nhà cung cấp sản phẩm xem sản phẩm có được bảo hành hay không ngay trước khi tiến hành giao dịch. Đề nghị nhà cung cấp sản phẩm cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch mua bán. Đề nghị nhà cung cấp sản phẩm cung cấp giấy chứng nhận bảo hành. Đề nghị nhà cung cấp sản phẩm cung cấp, giải thích hướng dẫn sử dụng sản phẩm, cảnh báo tính an toàn của sản phẩm, các biện pháp phòng ngừa, giải thích những lưu ý trong quá trình sử dụng sản phẩm để NTD được hưởng dịch vụ bảo hành đầy đủ… Theo Luật BVQL NTD quy định, NTD không có nghĩa vụ phải chứng minh lỗi của nhà sản xuất. Nếu NTD phát hiện sản phẩm “có vấn đề”, để được bảo vệ tốt nhất thì cần giữ nguyên hiện trạng sản phẩm, mời chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, Hội BVQL NTD đến làm chứng.

NTD có thể khiếu nại đến:
- Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam
Số 214/22 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: : 04.35745757
- Văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD
Việt Nam
Số 49 Pasteur - quận 1, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08.38215294 - 38294274
Fax: 838293012
- Hội BVQL NTD TP Cần Thơ
Số 8-10 Trần Phú, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Điện thoại: (0710) 3820780 - 3830814
Di động: 0918758156

BVQL NTD cũng chính là bảo vệ các doanh nghiệp chân chính. Do vậy, nhiều đơn vị sản xuất đã ý thức được vấn đề và nêu cao trách nhiệm trong việc BVQL cho khách hàng của mình. Đó là việc thành lập các điểm bán hàng đối chứng, mở rộng các kênh bán hàng trực tiếp đến tận tay NTD. Đồng thời, các doanh nghiệp tích cực đầu tư mạnh bao bì, nhãn mác để phòng ngừa hàng nhái, tích cực phối hợp các cơ quan chức năng chống hàng gian, hàng nhái, hàng kém chất lượng và tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Theo Hội BVQL NTD TP Cần Thơ, để đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi NTD, việc củng cố tổ chức Hội cần được quan tâm; đồng thời, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo vệ quyền lợi cho NTD và bảo vệ cho chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cần phải đăng ký, quản lý nhãn hiệu hàng hóa theo đúng qui định của pháp luật, cần có đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời các dấu hiệu vi phạm. Các cơ quan quản lý Nhà nước về BVQL NTD cần hỗ trợ tích cực hơn nữa với Hội BVQL NTD thành phố và tiến tới xã hội hóa công tác bảo vệ NTD để công tác BVQL NTD sẽ phù hợp hơn với sự phát triển của thành phố và đạt hiệu quả cao nhất.

NTD được xem là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Do vậy, NTD phải được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe khi mua và sử dụng hàng hóa của các nhà sản xuất hay kinh doanh mà còn có quyền yêu cầu pháp luật bảo vệ trong trường hợp hàng hóa khi mua gây thiệt hại đến tài sản của NTD và môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực của cơ quan chức năng, NTD cũng cần ý thức rõ về việc liên kết để tự bảo vệ quyền cho mình.

Bài, ảnh: Khánh Nam

NTD có 8 quyền:

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua, sử dụng.
3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.
6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
NTD phải thực hiện 2 nghĩa vụ:
1. Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
2. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của NTD.

(Theo Luật BVQL NTD ban hành ngày 17-11-2010)

Chia sẻ bài viết