Bài, ảnh: MỸ THANH
Với kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,5-9 tỉ USD mỗi năm, Ðảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới lĩnh vực thủy sản. Theo đó, đã có 3 nghị quyết của Ðảng đề cập đến phát triển kinh tế thủy sản; Luật Thủy sản và 14 văn bản hướng dẫn thực thi luật được ban hành tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành thủy sản. Tuy nhiên, quá trình thực thi chính sách pháp luật về thủy sản còn nhiều bất cập, đòi hỏi Ðảng, Nhà nước nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện để ngành Thủy sản phát triển toàn diện và bền vững.
Bất cập
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các quy định hiện tại và dự thảo liên quan đến quy chuẩn Việt Nam (QCVN) nước thải chế biến thủy sản và quy chuẩn nước thải ao nuôi thủy sản đang tồn tại nhiều bất cập. Ðối với ao nuôi thủy sản, hiện nước thải từ ao nuôi thủy sản tập trung đang bị đưa vào chung QCVN nước thải công nghiệp, trong khi chăn nuôi lại có quy chuẩn riêng. Ðối với chế biến thủy sản, dự thảo quy chuẩn nước thải công nghiệp quy định về ngưỡng chỉ tiêu phospho đối với nước thải chế biến thủy sản sau xử lý bị đưa xuống quá thấp (chỉ 4-6ppm, so với mức 20ppm của QCVN-11/2015) và chưa xét đến yếu tố đặc thù của ngành cũng như chưa có giải pháp công nghệ để đáp ứng đặc thù nước thải của thủy sản (phospho hữu cơ đầu vào cao).
TP Cần Thơ tổ chức thả cá về sông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Nhiều tổ chức, cá nhân không thực hiện các quy định của pháp luật khi tham gia nuôi trồng, chế biến thủy sản bởi cả nguyên nhân khách quan (do trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế) và chủ quan (cố tình không thực hiện các quy định của pháp luật). Chính điều này đã dẫn đến việc không thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản; vi phạm về đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, ghi nhật ký khai thác, thiết bị giám sát hành trình tàu cá; không thực hiện giao, cho thuê đất mặt nước để nuôi trồng thủy sản…
Theo các chuyên gia, hiện nguồn nguyên liệu nuôi trồng chiếm khoảng 70% nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Do đó, việc mở rộng các vùng nuôi tập trung, bao gồm cả khu vực sản xuất giống tập trung là cần thiết và tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương đang trong tiến trình đô thị hóa nên có không ít biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất. Một số quy định bất cập về sử dụng đất và gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp đang là thách thức lớn cho doanh nghiệp và người nuôi thủy sản về quỹ đất để phát triển vùng nuôi. Việc quản lý điều kiện nuôi thủy sản qua mã số vùng nuôi đang tắc do một số quy định, đặc biệt là quy định về chứng nhận sở hữu đất. Bên cạnh đó, việc sử dụng mã số này vào công tác quản lý chưa được thể chế hóa, làm nhiều địa phương hiểu nhầm việc cấp mã số là để cho doanh nghiệp xuất khẩu chứ không phải cho công tác quản lý, phát triển nuôi ở địa phương.
Nỗ lực gỡ khó
Mới đây, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội tổ chức hội thảo Giải pháp tăng cường thực thi chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT, cho biết: Trước yêu cầu phục hồi kinh tế sau COVID-19, phát triển mạnh kinh tế biển theo Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII); yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong thương mại thủy sản và việc khẩn trương tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với Việt Nam; để đồng hành với Chính phủ tháo gỡ các khó khăn trên, Ủy ban KHCN&MT tổ chức giám sát chuyên đề: "Việc thực thi chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định". Qua đó, Ủy ban KHCN&MT đã đề nghị 8 bộ, 28 tỉnh có biển và 3 tỉnh nội đồng gửi báo cáo theo đề cương; thực hiện giám sát tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, An Giang và Sóc Trăng.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ngành tiếp tục đơn giản hóa thủ tục liên quan đến xác định vùng nuôi trồng thủy sản, cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản. Quan tâm bố trí nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển hậu cần nghề cá cũng như kinh phí triển khai các nhiệm vụ về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Ông Nguyễn Hoài Nam, kiến nghị: "Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xem xét sửa đổi để có một quy chuẩn nước thải riêng và phù hợp cho nuôi trồng thủy sản. Ðối với các địa phương tập trung cải cách thủ tục ban đầu để việc đánh mã số vùng nuôi phù hợp với thực tế sản xuất, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý cũng như xuất khẩu thủy sản.
Bên cạnh đó, để phát triển ngành hàng chủ lực quốc gia, ông Nguyễn Quang Hùng cho rằng, Chính phủ cần xem xét, đồng ý đối với các quy định về chế độ, chính sách của lực lượng kiểm ngư; thẩm quyền xử phạt của kiểm ngư địa phương; cơ chế đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong hoạt động sản xuất, lưu giữ và cung ứng giống thủy sản. Ðồng thời, đối với các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản để nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân; ban hành chính sách theo thẩm quyền để hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi nghề khai thác thủy sản, bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản…