28/04/2012 - 08:07

Thực hiện chính sách đồng bộ, đưa ĐBSCL bứt phá

Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL” chiều 27-4 tại TP Cần Thơ do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Ngân hàng Nhà nước và BIDV phối hợp tổ chức đã nêu bật những thành tựu về kinh tế- xã hội- văn hóa của vùng trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. Song, tiềm năng của vùng chưa khai thác đúng mức, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư vào vùng gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Báo Cần Thơ đã lược ghi những ý kiến của các đại biểu tại hội nghị hiến kế cho vùng ĐBSCL phát triển bền vững thời gian tới.

* Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: TẬP TRUNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ

 

- ĐBSCL đóng góp khoảng 22% GDP của cả nước. Hàng năm, vùng sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước; cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản (toàn vùng đã đóng góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước)... Những tiềm năng về nông sản đã thúc đẩy mạnh mẽ thị trường nội địa phát triển, tạo ra nguồn hàng lớn cho xuất khẩu và là đầu vào cho các ngành công nghiệp và đầu ra - thị trường tiêu thụ lớn cho ngành công nghiệp tiêu dùng và dịch vụ.

Thời gian gần đây, ĐBSCL được Trung ương quan tâm đầu tư và thể hiện ngày càng rõ nét vị thế của một trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước. Trung tâm khí-điện-đạm Cà Mau là công trình trọng điểm quốc gia, có công suất 1.500 MW, cung cấp trên 9 tỉ KWh điện/năm và Nhà máy đạm Cà Mau vừa mới khánh thành đưa vào sử dụng đầu năm nay, công suất 800 nghìn tấn urê/năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu phân urê của cả nước. Ngoài ra, đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn, Trung tâm điện lực Cần Thơ, các Nhà máy điện Duyên Hải, Trà Vinh, Long Phú (Sóc Trăng) đang được triển khai xây dựng... mở ra nhiều triển vọng mới, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho vùng.

Trong 10 năm qua, kinh tế vùng tăng trưởng 2 con số. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, thu hút đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư vào vùng còn nhiều khó khăn. ĐBSCL muốn phát triển nhanh và bền vững, ngoài nỗ lực của các địa phương rất cần sự quan tâm của Trung ương. Sự tham gia của các doanh nghiệp và nhà đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng, nhất là các lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, phát triển giáo dục, y tế và dạy nghề... Mục tiêu phát triển của vùng trong thời gian tới là xây dựng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế năng động, vùng sản xuất lương thực, thủy hải sản trọng điểm, một trong những trung tâm năng lượng của cả nước. Khâu đột phá của vùng trong 10 năm tới vẫn được xác định là đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi và phát triển nguồn nhân lực. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương để làm nhiệm vụ kết nối, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào vùng ĐBSCL.

* Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ THÔNG THOÁNG

 

- ĐBSCL có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ĐBSCL chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; chưa ứng dụng nhiều công nghệ cao để nâng chất lượng và giá trị các sản phẩm; số lượng doanh nghiệp còn ít và sức cạnh tranh chưa cao. Toàn vùng chỉ mới có 60.000 doanh nghiệp, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ... Để phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ hội nhập, đề nghị Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với các địa phương vùng ĐBSCL, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và có cơ chế chính sách đột phá hỗ trợ ĐBSCL, đặc biệt trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong việc kết nối liên kết vùng và tăng cường liên kết vùng với các vùng kinh tế trọng điểm khác, nhất là với TP Hồ Chí Minh. Đối với các địa phương trong vùng, cần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, công bố công khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích các doanh nghiệp trong vùng tăng cường thực hiện liên kết “4 nhà” và thực hiện liên kết giữa các doanh nghiệp trong vùng với nhau, nhất là việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau nhằm tạo sức mạnh chung cho cộng đồng doanh nghiệp trong vùng. Mặt khác, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh quá trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh chung của vùng cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh, có biện pháp tăng cường khuyến khích phát triển kinh tế biển, du lịch xanh, nông nghiệp công nghệ cao...

* Ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: LIÊN KẾT VÙNG ĐỂ HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ

 

-So với các vùng khác, ĐBSCL có những thế mạnh rất hấp dẫn các nhà đầu tư như: có vị trí chiến lược, nằm giữa một khu vực kinh tế năng động và phát triển, liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (vùng phát triển năng động nhất Việt Nam). Đây là vị trí thuận lợi cho giao thương quốc tế bằng đường thủy, hàng không và đường bộ. ĐBSCL cũng là vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, vùng sản xuất lương thực lớn nhất cả nước, bờ biển dài 700 km có lợi thế phát triển kinh tế biển... Để phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, các địa phương trong vùng ĐBSCL cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với mục tiêu tiếp tục xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế, vùng sản xuất lương thực, thủy hải sản trọng điểm của cả nước. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn...

ĐBSCL cần thực hiện các chính sách và giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh. Công khai hóa và minh bạch trong quản lý, điều hành trong đầu tư. Đẩy mạnh việc liên kết giữa các địa phương trong vùng và liên kết vùng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, huy động các nguồn lực cho ĐBSCL phát triển... Nhà nước cần dành tỷ lệ ngân sách nhà nước thích hợp và huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho vùng ĐBSCL để đầu tư kết cấu hạ tầng. Kêu gọi vốn ODA, tiếp tục tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của các nhà tài trợ cho vùng để phát triển các lĩnh vực thủy lợi, giao thông nông thôn, kết hợp phòng chống thiên tai... Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được định hướng thu hút vào phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy xuất khẩu, phát triển công nghiệp sử dụng khí, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp...

* Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): BIDV CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ĐBSCL PHÁT TRIỂN

 

- Đến nay, BIDV đã có mạng lưới rộng khắp khu vực ĐBSCL với 66 điểm giao dịch thương mại (15 chi nhánh cấp 1 và 51 Phòng giao dịch). Tổng dư nợ tín dụng dành cho khu vực ĐBSCL giai đoạn 2006-2010 tăng trưởng bình quân trên 25%/năm, đến cuối năm 2011 tổng dư nợ tín dụng đạt trên 22.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 8% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng tại khu vực. Trong những năm qua, BIDV luôn là ngân hàng tiên phong trong hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. BIDV đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước đối với ĐBSCL, góp phần đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, tăng tốc phát triển các hoạt động đầu tư thương mại. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, BIDV luôn có những chương trình hỗ trợ hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn (2008-2010), BIDV luôn ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, mức lãi suất cho vay phù hợp (thấp hơn từ 1-2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng năm 2011, BIDV đã triển khai 2 chương trình tài trợ xuất khẩu với tổng quy mô là 8.000 tỉ đồng...

BIDV cam kết gắn bó với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nam bộ. Trước mắt, BIDV sẽ tiếp tục triển khai Chương trình tín dụng hỗ trợ xuất khẩu nông - thủy sản dành riêng cho khu vực ĐBSCL có quy mô khoảng 100 triệu USD, tương đương trên 2.000 tỉ đồng với thời gian triển khai bắt đầu từ 1-5-2012, với mức lãi suất cho vay thấp hơn khoảng 2% so với lãi suất cho vay thông thường. Về lâu dài, trong kế hoạch chiến lược phát triển của BIDV giai đoạn 2011- 2015, BIDV nâng tỷ trọng dư nợ tín dụng từ 8% lên 12%/tổng dư nợ tín dụng để gia tăng mạnh mẽ nguồn vốn tín dụng cung ứng cho khu vực này, tương đương mức dư nợ năm 2015 đạt khoảng 70.000 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần về dư nợ tín dụng so với giai đoạn trước. Và phấn đấu, đến năm 2015, tổng dư nợ tín dụng của BIDV cho khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng dư nợ lên đến 35%...

VĂN CỘNG - ANH KHOA (lược ghi)

Chia sẻ bài viết