22/11/2021 - 07:37

Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc 

Trong buổi tọa đàm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, để khai thác tốt thị trường cho hàng nông, thủy sản tại Trung Quốc, điều quan trọng tiên quyết hiện nay là cần nghiên cứu và nắm bắt được thông tin về nhu cầu thị trường Trung Quốc, văn hóa tiêu dùng của thị trường, những nước có sản phẩm tương đồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Song song đó, cần phối hợp xây dựng một chiến lược tổng thể và kế hoạch hành động, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp để khớp nối được dữ liệu về cung - cầu, thúc đẩy mô hình trung tâm logistics theo đối tác công tư…

Thị trường lớn

Đại diện lãnh đạo thành phố và sở, ngành tham gia Tọa đàm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc.

Đại diện lãnh đạo thành phố và sở, ngành tham gia Tọa đàm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc.

Trung Quốc giữ vị trí là đối tác thương mại lớn và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Mặc dù đại dịch COVID-19 gây nhiều tác động tiêu cực tới hoạt động ngoại thương toàn cầu nhưng hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn phát triển tích cực. 

Bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao, cho rằng, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Nhu cầu tiêu thụ hàng hoá của Trung Quốc và Việt Nam có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau. Trong đó, Trung Quốc có nhu cầu cao về các sản phẩm nông sản nhiệt đới với thị trường quy mô dân số rất lớn. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, vị trí của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Trung Quốc ghi nhận chuyển biến tích cực. Xét theo tiêu chí quốc gia, tính đến tháng 8-2021, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu mặt hàng nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc năm 2020 đạt 6,85 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 14,02% trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới Trung Quốc và chiếm 27,4% trong tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam tới các nước trên thế giới.

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, có 39 doanh nghiệp có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP Cần Thơ sang thị trường Trung Quốc ước 92,8 triệu USD. Trong đó, mặt hàng gạo 6,1 triệu USD; thủy, hải sản 13,7 triệu USD; nông sản và nông sản chế biến 66,2 triệu USD… Mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu là cá tra xẻ bướm, cá tra cắt khúc đông lạnh; mặt hàng nông sản và nông sản chế biến như trái cây sấy, trái cây đóng lon, dầu cám, cám gạo.

Qua khảo sát thông tin từ các địa phương, doanh nghiệp, Bộ Ngoại giao nhận thấy, hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, vướng mắc nhất định. Nguyên nhân do Trung Quốc tăng cường hoàn thiện pháp luật và thực thi chính sách đối với hoạt động xuất nhập khẩu; nâng cao các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác để kiểm soát chặt chẽ hơn về quy chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm định, kiểm dịch các mặt hàng nông, thủy sản nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam ỷ lại vào hình thức xuất khẩu tiểu ngạch nhằm tận dụng các ưu đãi cũng như sự linh hoạt trong quản lý thương mại của chính quyền địa phương biên giới Trung Quốc, chưa phù hợp với chủ trương “chính ngạch hóa” hoạt động thương mại. Quy mô doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, phân tán của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam khiến chất lượng của nhiều mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc thiếu đảm bảo…

Để khai thác hiệu quả

Theo các chuyên gia, hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc nếu đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc - Phạm Sao Mai, các Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh, Nam Ninh cùng các Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc khẳng định, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc và chính sách của Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản là những thuận lợi cơ bản để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hơn xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, yêu cầu chất lượng và hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc đối với hàng nông, thủy sản ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới chất lượng, phương thức sản xuất.

Theo một số địa phương, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang Trung Quốc, Chính phủ cần xem xét tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông, thủy sản; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương xuất khẩu nông, thủy sản trọng điểm tăng cường thông tin về chính sách, quy định nhập khẩu nông, thủy sản của Trung Quốc cho các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu; chú trọng tái cơ cấu trong sản xuất nông, thủy sản gắn với quy hoạch vùng trồng, chăn nuôi, sản xuất chế biến phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm giá trị gia tăng cao, có khả năng trở thành điểm tăng trưởng xuất khẩu mới của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc; Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cho doanh nghiệp hai nước theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua nền tảng kỹ thuật số góp phần thúc đẩy thương mại nông, thủy sản song phương…

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), cho rằng, đa phần hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Về những chính sách, quy định mới siết chặt đối với hoạt động xuất nhập khẩu nhiều doanh nghiệp chưa nắm được, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương. Bài học gần nhất là khi đối tác Trung Quốc kiểm tra mã số cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng, hầu hết doanh nghiệp tại Việt Nam không đạt. Qua việc này chúng ta cần rà soát nghiêm ngặt, chỉn chu hơn khi làm ăn với đối tác Trung Quốc. Các doanh nghiệp rất cần những số liệu chính xác, cụ thể về cung - cầu tại thị trường xuất khẩu, để từ đó doanh nghiệp chủ động, cân bằng được nguồn hàng. Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan cần tổ chức cuộc khảo sát thực tế tại thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp, để có hướng đầu tư theo đúng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng… Cần có trung tâm logistics với những kho lạnh tại các cửa khẩu để bảo quản hàng nông, thủy sản, thậm chí cần có nhà máy sơ chế, bảo quản công nghệ cao nhằm xử lý hàng hóa khi xảy ra ách tắc… Nếu tận dụng hết lợi thế của doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ với các bộ, ngành địa phương thì việc khai thác thị trường Trung Quốc sẽ thuận lợi.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, thời điểm hiện nay rất thuận lợi để tăng cường xuất khẩu mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc và đề nghị các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam sang thị trường này. Trước mắt cần triển khai ngay một số giải pháp như nghiên cứu cơ bản về thị trường Trung Quốc, thị hiếu, quan tâm của Trung Quốc; cập nhật các thông tin về chủ trương, chính sách và những quy định mới của Trung Quốc, sự phản hồi của địa phương, doanh nghiệp Trung Quốc đối với sản phẩm của Việt Nam. Vận động, tạo thuận lợi nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối mở biên giới, nâng cao số lượng sản phẩm chính ngạch; tăng cường triển khai trên quy mô lớn hơn các hoạt động quảng bá sản phẩm, qua đó tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, địa phương xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Trung Quốc.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết