20/03/2022 - 06:46

Thúc đẩy trao đổi thương mại từ UKVFTA 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, thị trường sụt giảm và các phương thức giao dịch thương mại cũng thay đổi nhanh để thích ứng với điều kiện thực tế. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, việc tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ giúp doanh nghiệp (DN) khắc phục khó khăn, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong đó có thể kể đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), là thị trường bổ sung cho nhau, UKVFTA được kỳ vọng tạo nên đường cao tốc mới thúc đẩy thương mại song phương tăng nhanh thời gian tới.

Tín hiệu khả quan

Rau quả là mặt hàng có lợi thế xuất khẩu sang thị trường Anh. Trong ảnh: Chế biến thanh long xuất khẩu tại một DN ở Tiền Giang. Ảnh: CTV

Rau quả là mặt hàng có lợi thế xuất khẩu sang thị trường Anh. Trong ảnh: Chế biến thanh long xuất khẩu tại một DN ở Tiền Giang. Ảnh: CTV

Mới đây, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Hà Nội tổ chức Hội nghị “Một năm thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và Định hướng sắp tới”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: Thời điểm Hiệp định chính thức có hiệu lực cũng là lúc Việt Nam và Vương quốc Anh phải đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, năm 2021 trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Anh vẫn đạt 6,6 tỉ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Mức tăng 2 chữ số này đã giúp kim ngạch song phương chính thức phục hồi về mức kim ngạch năm 2019, sau khi bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt 5,7 tỉ USD, tăng 16,4%; còn Anh xuất khẩu sang Việt Nam đạt 850 triệu USD, tăng 24%, so với cùng kỳ. Số liệu này cho thấy UKVFTA thực sự là con đường cao tốc hai chiều, giúp thúc đẩy trao đổi thương mại song phương theo hướng ngày càng cân bằng hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, UKVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Với những cam kết sâu về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, hiệp định được mong đợi sẽ là một đòn bẩy thúc đẩy trao đổi thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Hiện Anh đang nằm trong nhóm 12 nước có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam. Thêm vào đó, các FTA lớn như: CPTPP, RCEP, EVFTA… cũng sẽ tạo ra những cơ hội hấp dẫn để cộng đồng DN 2 nước tăng cường hợp tác, tận dụng các thế mạnh của nhau, từ đó gia tăng hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết: Năm đầu tiên UKVFTA có hiệu lực đã đạt kết quả rất ấn tượng. Trong 5,7 tỉ USD giá trị xuất khẩu sang thị trường Anh, có nhiều mặt hàng tăng mạnh. Cụ thể là: sắt thép các loại tăng 1.269%, rau quả tăng 67%; hạt tiêu tăng 49%; sản phẩm mây tre, cói, thảm tăng 56%; sản phẩm gốm sứ tăng 32%; phương tiện vận tải, phụ tùng tăng 34%; máy móc, thiết bị tăng 16%. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 850 triệu USD; trong đó, dược phẩm tăng 35%, ô tô tăng 29%; máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện tăng 25%; nguyên liệu dệt may, da giày tăng 25% so với năm 2020. Tuy nhiên, DN Việt vẫn chưa khai thác hiệu quả cơ hội từ UKVFTA, nhiều mặt hàng thế mạnh chưa phục hồi do đại dịch, ví dụ ngành gạo, năm 2021 hạn ngạch nhập khẩu của Anh cho phép 14.000 tấn, nhưng DN Việt chỉ mới tận dụng được 5.000 tấn. Vì vậy, muốn thúc đẩy thương mại hai chiều cần có sự quyết tâm của cả hai bên.

Hiểu đối tác để hợp tác

Nghị sĩ Graham Stuart, Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia, cho biết: Sau 1 năm thực thi hiệp định, thương mại song phương đã có bước tăng trưởng mạnh. Đây là cơ sở để hai bên hướng tới nâng cao phát triển bao trùm và vượt qua khủng hoảng của đại dịch COVID-19. Thêm vào đó, cam kết của Việt Nam tại COP26 (Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu) cũng chứng tỏ Việt Nam đang hướng tới tăng trưởng xanh, nhất là thông qua các dự án năng lượng điện gió. Anh cam kết sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng các kế hoạch để đạt được mục tiêu cụ thể trong cam kết của UKVFTA, thúc đẩy quan hệ song phương. Chúng ta cũng đang hướng tới các FTA mới như CPTPP. Anh ủng hộ Việt Nam thực thi các FTA, nhất là hỗ trợ khối tư nhân phát triển. Anh cũng mong muốn Việt Nam tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Anh đến đầu tư, nhất là các dự án năng lượng, tăng trưởng xanh.

Còn theo ông Christopher Jeffery, Chủ tịch Hiệp hội DN Vương quốc Anh tại Việt Nam (BritCham), DN Anh đang rất quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam và sự gia tăng vốn FDI năm 2021 là minh chứng. Ngoài ra, các cam kết của Việt Nam tại COP26 cũng đã mở ra nhiều cơ hội để DN Anh đầu tư, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Tới đây là y tế, dược phẩm, giáo dục… sẽ là những điểm sáng để thúc đẩy quan hệ thương mại hai bên. Các DN cần hiểu đối tác của mình để có thể dễ dàng hợp tác với nhau.

Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), hiện nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Anh đã lên kệ siêu thị trung và cao cấp của Anh. Đây là tín hiệu đáng mừng. Nhưng các DN muốn xuất khẩu nông sản sang Anh thì phải nắm chắc các quy định, tiêu chuẩn của thị trường Anh. Đồng thời phải xây dựng được thương hiệu, chất lượng sản phẩm phải luôn đảm bảo và có chứng nhận xuất xứ…

Ông Đinh Cao Khuê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 67% so với năm 2020. Có thể thấy, các DN trong ngành đã có sự chuẩn bị rất lớn để tận dụng các cơ hội từ hiệp định. Cụ thể là thời gian qua, các DN đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, tập huấn công nhân và nông dân để đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe khi xuất khẩu sang Anh. Tương lai sẽ tăng trưởng cao hơn nữa.

Năm 2021 dù đã có tăng trưởng ấn tượng sau 1 năm thực thi UKVFTA, nhưng các chuyên gia cho rằng, việc tận dụng các cơ hội từ hiệp định vẫn chưa đạt kết quả mong đợi. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết, thực tế sự chuẩn bị hay hiểu biết của DN về các FTA còn hạn chế. Theo khảo sát của VCCI, tỷ lệ hiểu rõ, hiểu kỹ các FTA của DN chưa tới 20%. Không chỉ DN mà cả cơ quan quản lý nhà nước cũng lúng túng. Vậy nên DN rất mong chờ các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, VCCI… để hiểu rõ hơn các cam kết, quy trình, hạn ngạch, quá trình thực thi ra sao… Tiếp cận thị trường, không phải cứ có hiệp định thì chúng ta đương nhiên có thị trường, có lợi thế mà đó là quá trình rất dài, cần có sự tìm hiểu về nó. Anh là thị trường khó tính của khó tính, nên một mình DN khó xúc tiến thương mại mà cần có sự hỗ trợ của các bên liên quan. Trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác FTA khác thì có cạnh tranh trực tiếp, nhưng với UKVFTA thì là thị trường bổ sung cho nhau, chứ không có sản phẩm cạnh tranh trực tiếp sẽ là lợi thế cho DN Việt.l

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết