24/09/2020 - 05:46

Thúc đẩy thực hiện Dự án VnSAT, hướng đến phát triển sản xuất lúa gạo bền vững

(CT) - Ngày 23-9 tại tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị giao ban thúc đẩy thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) - hợp phần phát triển lúa gạo bền vững.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao kết quả tích cực Dự án đã đạt được và yêu cầu Ban Quản lý Dự án, các cơ quan chuyên môn thuộc bộ, địa phương, đơn vị có liên quan cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện đạt các mục tiêu về phát triển sản xuất lúa gạo bền vững như Dự án VnSAT đã đề ra...

Dự án VnSAT - hợp phần phát triển lúa gạo bền vững do Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ vốn, được thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL: Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng. Thời gian thực hiện dự án theo Hiệp định ban đầu từ năm 2015-2020, được gia hạn thêm 18 tháng, đến tháng 6-2022. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, giảm tác động tiêu cực đến môi trường đối với sản xuất lúa. Tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các  mô hình, quy trình, công nghệ mới nhằm canh tác lúa bền vững. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết thành lập các tổ chức nông dân (TCND) như hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Dự án còn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và nâng cao năng lực hoạt động cho các tổ TCND…

Đến nay, Dự án thúc đẩy thành lập và củng cố  318 TCND, đạt 214% so với mục tiêu cuối cùng; đào tạo cho hơn 142.415 nông dân về “3 giảm, 3 tăng” và  cho 88.914 nông dân về “1 phải, 5 giảm”. Diện tích lúa áp dụng canh tác bền vững là 148.738ha, đạt 99,2% so với mục tiêu; diện tích có hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ lúa với doanh nghiệp là 56.554ha, đạt 113% so với mục tiêu cuối cùng. Nông dân tham gia dự án tăng 26,4% lợi nhuận ròng/ha canh tác. Giảm khí thải nhà kính khoảng 1,17 triệu tấn/năm/8 tỉnh, thành. Đối với việc hỗ trợ các TCND đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, có 39 tiểu dự án đợt 1 được phê duyệt, trong đó có 38 đã hoàn thành; đợt 2 có 44 tiểu dự án được phê duyệt, toàn bộ đã trao hợp đồng và 17 đã hoàn thành; đợt 3 đã có 8 dự án được phê duyệt… Đến tháng 8-2020, các địa phương giải ngân 779 tỉ đồng vốn của Dự án, trong đó nguồn vốn vay ưu đãi IDA là 557 tỉ đồng, đạt 35% so với kế hoạch tổng thể; vốn đối ứng 203 tỉ đồng, đạt 52% so với kế hoạch tổng thể; vốn tư nhân 19 tỉ đồng.

 KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết