25/09/2019 - 08:33

Thúc đẩy phát triển toàn diện nông thôn 

Sau gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), vùng nông thôn TP Cần Thơ đã có bước chuyển mình đầy khởi sắc. Chương trình xây dựng NTM không những góp phần thay đổi bộ mặt làng quê mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo...

►Vận dụng linh hoạt

Để sát hợp với tình hình thực tiễn xây dựng NTM tại địa phương, UBND thành phố đã ban hành Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã NTM giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020. Ban Thường vụ Thành ủy phân công một đồng chí Thành ủy viên trực tiếp chỉ đạo 1 xã NTM và cấp huyện trong công tác triển khai thực hiện. Đồng thời, trực tiếp đi thu hút, xúc tiến đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, góp phần tạo nên sự đột phá trong xây dựng NTM trên địa bàn. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình thực hiện chương trình đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát hiện và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc địa phương đã và đang gặp phải.

Xác định sức dân là “sức bền”, người dân là chủ thể, đồng thời là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích từ công cuộc xây dựng NTM, thành phố và các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sâu rộng, bám sát phương châm “người dân dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp”. Qua đó, tạo điều kiện để người dân hiểu rõ mục đích, nội dung, ý nghĩa, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng giúp người dân chuyển biến về mặt nhận thức, tạo sự đồng thuận, huy động tối đa được nguồn lực từ nhân dân.

Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh phụ trách Văn phòng Điều phối NTM TP Cần Thơ, cho biết: Chương trình xây dựng NTM đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa, có tính nhân văn, có sức lan tỏa sâu rộng và được người dân đồng tình hưởng ứng. Nhận thức của người dân về xây dựng NTM ngày càng được nâng cao. Nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ; bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của thành phố.

►Nông thôn chuyển mình

Đến nay, TP Cần Thơ có 35/36 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến cuối năm 2019 hoàn thành xã NTM còn lại là xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ). Có 2/4 huyện đạt chuẩn huyện NTM và huyện Thới Lai đang chuẩn bị mọi mặt để ra mắt huyện NTM vào năm 2020. Như vậy, thời điểm này, Cần Thơ đã hoàn thành 100% kế hoạch của Trung ương giao năm 2020. Các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục nâng chất, xây dựng các tiêu chí theo hướng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là trọng tâm, có tính chất quyết định, lan tỏa cho các tiêu chí còn lại. Trong quá trình xây dựng NTM, sự ra đời của các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với thực hiện tốt tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân. Chẳng hạn, mô hình cánh đồng lớn; mô hình 2 lúa 1 màu; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn trái; sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; trồng nấm; sản xuất giống lúa, thủy sản; từng bước hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu, hoa kiểng… Nếu năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn là 31 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 đạt 45,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến tháng 8-2019 giảm còn 2,06%... Anh Nguyễn Thanh Tiếng, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, chia sẻ: Nhờ mạnh dạn cải tạo vườn tạp, trồng bưởi da xanh trên diện tích 7.000m2 mà 3 năm qua thu nhập của gia đình anh được cải thiện, cuộc sống sung túc hơn. Phấn khởi với hiệu quả kinh tế từ nguồn bưởi trái và cây giống, anh dự định thuê thêm 5.000m2 phát triển quy mô vườn bưởi, tăng thu nhập.

Xây dựng giao thông nông thôn ở xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai.

Cùng với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ và xã hội hóa, các địa phương đã chủ động khai thác, huy động các nguồn nội lực trong dân, như: góp công lao động, hiến đất, vật liệu, tiền… hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Theo đó, hệ thống giao thông từng bước hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân. Hệ thống kênh phục vụ sản xuất nông nghiệp của 36 xã có tổng chiều dài 1.670km được đầu tư nạo vét, kiên cố hóa đạt chuẩn, xây dựng đồng bộ và khép kín. Các huyện được đầu tư 17 hệ thống cấp nước nông thôn tập trung, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh là 99%, đạt và vượt so với quy định. Đến nay, điện lưới quốc gia đã phủ đến 100% các xã, ấp trên địa bàn thành phố. Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã vận động xã hội hóa xây mới, sửa chữa và nâng cấp được 3.464 căn nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết cho người dân nông thôn. Hiện 35/36 xã có trung tâm văn hóa xã và 282/291 ấp có nhà văn hóa ấp phục vụ các hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể thao cho người dân…

Chứng kiến quá trình “thay da đổi thịt” của quê nhà, chú Nguyễn Văn Khánh ở xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ: Trước đây ở địa phương còn khó khăn, đường sá lầy lội, vắng vẻ, nhiều thanh niên không có việc làm tụ tập gây mất trật tự xã hội. Từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, đường sá mở rộng, thông thoáng, người dân được hướng dẫn sản xuất, học nghề, giới thiệu việc làm. Nhờ vậy, cuộc sống ngày một khấm khá, an ninh trật tự ổn định.

Qua gần một thập kỷ xây dựng NTM, nông thôn Cần Thơ ngày càng khởi sắc là minh chứng rõ nét nhất khẳng định một chủ trương đúng đắn hợp lòng dân, gắn với lợi ích thiết thực của đại bộ phận nhân dân, làm đổi thay toàn diện đời sống người dân nông thôn. Đây sẽ là động lực để các địa phương và người dân cùng đồng lòng bước sang chặng đường mới…

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết