03/11/2017 - 22:19

Thúc đẩy mối giao thương với thị trường Nhật Bản 

Vừa qua, TP Cần Thơ đã tổ chức đoàn công tác xúc tiến hợp tác, đầu tư tại Nhật Bản do Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống làm trưởng đoàn. Từ chuyến công tác, đoàn đã ký kết bản tuyên bố chung hợp tác giữa TP Cần Thơ và TP Okayama; ký kết bản ghi nhớ với 3 Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam. Tổ chức và tham dự các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm tăng cường, quảng bá hình ảnh và củng cố mối quan hệ hợp tác giữa TP Cần Thơ với TP Okayama và tỉnh Wakayama...

Xúc tiến thị trường Nhật Bản

Theo báo cáo kết quả chuyến công tác xúc tiến hợp tác và đầu tư tại Nhật Bản từ ngày 12 đến 19-10-2017 của đoàn công tác, ông Võ Thành Thống và ông Masao Omori, Thị trưởng thành phố Okayama (Nhật Bản) đã ký Tuyên bố chung trên một số lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, nông nghiệp,... trên cơ sở đó tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư giữa hai địa phương. Tại chuyến công tác, đại diện cho đoàn, ông Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam TP Cần Thơ và ông Matsumoto Hitoshi, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam chi hội tỉnh Okayama đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về đối ngoại nhân dân; đồng thời ông Lê Việt Dũng cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về đối ngoại nhân dân với ông Otani Yasuo, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam chi hội đường sắt và ông Nakayama Chủ tịch Hội Hữu nghị Osaka.

Đoàn TP Cần Thơ đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác Nhật Bản. Ảnh: CTV

Đối với hoạt động xúc tiến đầu tư và kết nối giao thương, tại TP Okayama, TP Cần Thơ đã tổ chức chương trình hội thảo có sự tham dự của Phòng Thương mại và Công nghiệp Okayama, Văn phòng Tổ chức thúc đẩy ngoại thương thành phố Okayama và khoảng 70 doanh nghiệp Nhật Bản đến tham dự. Với thông điệp thành TP Cần Thơ mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục và thành phố dành quỹ đất 100 ha cho các doanh nghiệp Nhật Bản, Chủ tịch Võ Thành Thống đã trình bày tiềm năng và cơ hội đầu tư và kết nối giao thương với TP Cần Thơ. Tại hội thảo, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc đào tạo tiếng Nhật tại Cần Thơ, các vấn đề về hạ tầng giao thông (đặc biệt là tính kết nối các tuyến bay quốc tế), hạ tầng ngành công nghệ thông tin, tình hình xử lý nước thải...

Đoàn công tác cũng đã tham gia hội thảo do chính quyền tỉnh Wakayama tổ chức cho TP Cần Thơ và tỉnh Long An. Hội thảo có khoảng 80 đại biểu Nhật Bản đến tham dự. Đây được xem là cơ hội tốt cho chính quyền và doanh nghiệp hai nước hiểu rõ và tìm cơ hội làm ăn. Chính quyền Wakayama hứa sẽ là cầu nối cho doanh nghiệp hai nước tiến tới hợp tác. Bà Quản Phương Thúy, Lãnh sự Việt Nam tại Osaka nhận định, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng được tăng cường theo chiều sâu qua các đoàn cấp cao về chính trị của lãnh đạo hai nước từ đầu năm đến nay. Đại diện Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka cũng khẳng định, sẽ là cánh tay nối dài của các địa phương Việt Nam và Nhật Bản.

Ông Tetsuo Shibata, Tổng Giám đốc Văn phòng JETRO Wakayama đánh giá Việt Nam như là một điểm đến đầu tư mới của các nhà đầu tư Nhật Bản. Qua đó, ông minh chứng một số công ty Nhật Bản đã đầu tư thành công tại Việt Nam như: Siêu thị AEon mall, hãng vận chuyển Yamato, Trung tâm tiếng Nhật PLC, Bệnh viện quốc tế Nhật Bản, các hệ thống nhà hàng Nhật… và khẳng định đây sẽ là môi trường sinh hoạt thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Đại diện lãnh đạo Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng hướng dẫn thủ tục xin hỗ trợ nếu các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Ở phần kết nối giao thương, Công ty Brainwork quan tâm đến việc mua gạo Japonica của Công ty cổ phần Vinacam để dần thay cho nguồn gạo Japonica nhập khẩu từ Nhật Bản để cung cấp cho các nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Kết thúc hội thảo, lãnh đạo tỉnh  Wakayama cho biết, sẽ tổ chức đoàn cho chính quyền và Hiệp hội Công thương của tỉnh và doanh nghiệp sang TP Cần Thơ để tìm hiểu và thúc đẩy cơ hội hợp tác.

Làm việc với Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Okayama, đoàn đã được nghe giới thiệu về công nghệ bảo quản trái cây không dùng chất hóa học. Với công nghệ này có thể kéo dài thời gian giữ độ tươi ngon của trái cây hơn, thậm chí có loại trái cây có thể kéo dài được độ tươi ngon lên đến 2, 3 tháng. Tại Bệnh viện thuộc Đại học Okayama, đoàn cũng đã được tìm hiểu về quy trình nhận bệnh nhân vào khám và điều trị, tham khảo các trang thiết bị phục vụ cho cấp cứu và điều trị tim mạch (bao gồm bệnh nhân nhi)... Qua đó, Trường Đại học Okayama cho biết sẽ hỗ trợ TP Cần Thơ làm dự án bệnh viện tim mạch. Để xúc tiến dự án bệnh viện tim mạch, đoàn cũng làm việc với nhóm chuyên gia hỗ trợ nhằm kêu gọi đầu tư dự án Xây dựng bệnh viện Tim mạch Cần Thơ. Theo các chuyên gia, đây là dự án lớn, cần đưa vào danh mục dự án quốc gia và có sự ủng hộ từ phía Chính phủ 2 quốc gia. Do đó, nhóm hỗ trợ sẽ tác động các chính trị gia Nhật Bản ủng hộ dự án này.

Bên cạnh đó, trong chuyến công tác, đoàn cũng đến tham quan một số doanh nghiệp như: Công ty KAZZ Corporation chuyên sản xuất các loại máy cắt (cắt cỏ, cắt lúa...) có sử dụng động cơ là động cơ của các hãng xe ô tô như Misumitshi, Toyota...;  Công ty Nakashima, chuyên sản xuất chân vịt  (tàu thủy) và khớp xương nhân tạo (ngành y tế); Viện cây trồng Wakayama; Công ty chế biến bánh kẹo Koeido; Công ty JA Kinosata Farmers Market Mekkemon Hiroba tìm hiểu về mô hình hoạt động (như là một hợp tác xã, hỗ trợ mặt bằng và điểm bán hàng cho các hội viên là nông dân); trường đào tạo ngắn hạn các kỹ năng về điều dưỡng, chăm sóc người khuyết tật, người già; trường đào tạo tiếng Nhật - Học viện Ngôn ngữ Okayama... Ngoài ra, đoàn đến tham quan trung tâm tái chế nước thải Voice để tìm hiểu về quy trình xử lý nước thải sử dụng các vi sinh vật có thể được sử dụng làm phân hữu cơ và năng lượng trong khi xử lý chất thải có thể tạo ra điện năng.

Thu hút các nhà đầu tư

Nhật Bản là đối tác chiến lược sâu rộng của Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia được các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên đầu tư nhiều nhất, nhưng tại khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ còn rất khiêm tốn. Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, thời gian qua thành phố đã đón nhiều đoàn khách Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả hợp tác chưa cao.  Do đó, bên cạnh việc tích cực tham gia cùng Chính phủ và tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư, TP Cần Thơ không ngừng nỗ lực cải tạo môi trường mời gọi nhà đầu tư và du khách Nhật Bản đến thành phố.

Tại hội thảo xúc tiến đầu tư tại TP Okayama, ông Võ Thành Thống và ông Lê Việt Dũng đã thông tin đến các đối tác, theo đó đến năm 2018, TP Cần Thơ dự kiến sẽ mở các tuyến bay trong nước (Cần Thơ - Hải Phòng; Cần Thơ - Nha Trang) và quốc tế (Bangkok; Singapore và mong muốn mở tuyến bay đến Kansai - Nhật Bản). Đồng thời Chủ tịch Võ Thành Thống cũng thông tin thêm đến các nhà đầu tư, đó là sân golf và bệnh viện quốc tế tại TP Cần Thơ sẽ hoàn thành cuối năm 2018, tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ dự kiến hoàn thành năm 2021, dự án trường học quốc tế cũng đã được cấp chủ trương đầu tư,... đây sẽ là điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư Nhật Bản vào làm ăn ở Cần Thơ. Thành phố cũng đang kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp Nhật Bản với quy mô từ 70-100ha. 

Đầu tháng 10-2017, Công ty Vaio (Nhật Bản) đã làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ về việc xây dựng nông trường kiểu mẫu với khẩu hiệu “Made by Japanese in Vietnam”, xây dựng trong khuôn viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ, dự kiến từ 5 đến 10ha, TP Cần Thơ sẽ đứng đầu và quản lý... Ông Abe, Giám đốc Công ty Vaio, cho biết: Mục đích dự án vì nền nông nghiệp sạch tại Việt Nam. Vốn đầu tư của dự án từ Chính phủ Nhật Bản, doanh nghiệp tư nhân của Nhật Bản và Việt Nam. Trong khuôn viên dự án, sẽ xây dựng và vận hành nông trường theo mẫu lý tưởng hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ (98%) bao gồm cả chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nông trại không chỉ để thu hoạch nông sản ngon và an toàn mà sẽ trở thành nông trại kiểu mẫu từ công đoạn gia công, phát triển sản phẩm, quảng bá cho đến kỹ thuật bảo quản và vận chuyển nông sản. Thông qua nông trại, song song với việc đào tạo những nhà lãnh đạo kỹ sư nông nghiệp người Việt, sẽ tiếp nhận cả các thanh niên Việt Nam theo hình thức du học sinh tại Nhật Bản (2 năm). Cùng đó, tại nông trại sẽ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về chuyên đề nông nghiệp. Nông sản sau thu hoạch của nông trại sẽ đượcđưa ra thị trường nội địa với nhãn hiệu “Made by Japanese in Vietnam”, sau đó sẽ hướng tới xây dựng hệ thống sản xuất để có thể xuất khẩu ra các nước Đông Nam Á và Nhật Bản.

Văn hóa đang được xem là cầu nối để phát triển hợp tác kinh tế. Từ quan điểm này, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ tổ chức chương trình giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản TP Cần Thơ. Thông qua lễ hội văn hóa, doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu văn hóa, kinh tế địa phương; từ đó hai bên đối tác sẽ trực tiếp tìm hiểu và chia sẻ về những chính sách hợp tác đầu tư. Ban tổ chức kỳ vọng lễ hội lần thứ 3 này sẽ có tác động hơn nữa kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đến với TP Cần Thơ.

KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết